Ngân hàng “siết” cho vay:
Thị trường bất động sản sẽ “đóng băng”?
Rút kinh nghiệm từ chỉ thị 03 dành cho thị trường chứng khoán, những ngày qua nhiều ngân hàng đã tự “siết” lại việc cho vay bất động sản vốn rất nóng từ nửa cuối năm 2007.
Cùng với chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành xây dựng thuế lũy tiến cho bất động sản, NHNN ban hành hàng loạt biện pháp rút bớt tiền đồng như bán 20.300 tỷ tín phiếu bắt buộc…
Giới đầu tư bất động sản đang lo lắng những động thái trên, có thể khiến thị trường bất động sản lặp lại một “kịch bản” như thị trường chứng khoán.
“Chỉ thị 03” cho thị trường bất động sản
Theo thông tin từ chi nhánh NHNN TPHCM, tổng dư nợ cho vay bất động sản tính đến cuối năm 2007 lên đến 35.000 tỷ đồng, tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đó chỉ bằng 1/2 thực tế.
Từ giữa tháng 1/2008 đến nay, hàng loạt NH trên địa bàn TPHCM như ACB, An Bình, VCB, Sacombank, Phương Nam, Eximbank… đã tỏ ra chặt chẽ hơn với những hồ sơ vay mua bất động sản.
Bắt đầu từ sau Tết Mậu Tý, nhiều NH hầu như đã ngừng cho vay, ngoài lý do khan hiếm tiền đồng thì GĐ khối tín dụng cá nhân một NH cổ phần tiết lộ “bài học từ đổ vỡ cho vay bất động sản tại Mỹ khiến chúng tôi phải chặt chẽ hơn”.
Những động thái trên đang được giới đầu tư bất động sản tại TPHCM và các tỉnh lân cận xem như “chỉ thị 03” của TTCK dành cho mình. Trong buổi gặp mặt gần 700 hội viên Hiệp hội Bất động sản TP HCM ( HOREA) ngày 18/2/2008, nhiều người đã tỏ ra rất hoang mang.
Chủ tịch HOREA nhận định “đây là liều thuốc quá mạnh, khiến cho các hội viên Horea lo lắng về tương lai của thị trường bất động sản”.
Khi NH không còn “cấp” vốn, giao dịch sẽ ngừng trệ
Trên thực tế thì những khách hàng đã có hợp đồng vay với NH vẫn tiếp tục được vay, nhưng họ e ngại thị trường bất động sản sẽ đóng băng do nguồn cầu giảm mạnh như TTCK vừa qua.
Ông Trần Minh Lợi, Phó GĐ Công ty địa ốc Minh Phúc phân tích “giống như TTCK, những thông tin dồn dập trên sẽ làm nhiều người không dám mua nhà đất nữa và phản ứng dây chuyền sẽ xảy ra”.
Đáng ngại hơn là đại đa số bất động sản được mua bán giữa các nhà đầu tư với nhau, nên khi NH không còn “cấp” vốn thì giao dịch sẽ ngưng trệ và thị trường sẽ sụt giảm.
Theo ông Lợi nếu xảy ra “kịch bản” trên thì “bán rẻ cũng khó tìm người mua do giá bất động sản quá cao, cần vốn rất lớn”. Tâm lý đám đông như đã từng xảy ra trên TTCK hoàn toàn có nguy cơ lặp lại khi kẻ mua, người bán thi nhau rút vốn khỏi thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, hàng loạt dự án không chỉ ở TPHCM mà cả Long An, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương…, dự kiến tung hàng ra trong 1, 2 tháng tới sẽ càng khiến nguồn cung tăng mạnh.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó Tổng GĐ NH Đông Á, khẳng định không ít NH khi cho vay bất động sản đã đưa ra rất nhiều phương án để giảm thiểu rủi ro.
Hiện nay phổ biến nhất là dùng chính nhà, đất để thế chấp và thường chỉ được định giá bằng 50-70% theo đánh giá của NH. Chúng tôi đã thử đem một căn nhà giá thị trường hơn 5 tỷ đồng đi thế chấp tại NH VCB nhưng chỉ được vay tối đa 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên với những sản phẩm mới là các căn hộ chung cư (CHCC) nhiều NH mạnh tay cho vay tới 90%, thậm chí 100% trị giá thì rủi ro vẫn đang chực chờ. Với giá nhiều CHCC mới được đẩy lên trên 1.500 USD/m2, nhiều NH đang lo ngại khi thị trường đóng băng sẽ còn mấy ai nhảy vào mua, khi chính các nhà đầu tư cạn vốn và tháo chạy.
TS Trần Du Lịch cho rằng: “Siết cho vay chứng khoán là hoàn toàn đúng, nhưng làm cách nào để địa ốc không đóng băng và ảm đạm như TTCK thì cần phải thận trọng, cân nhắc vì cái lợi chung”.
tp
|