Thứ Tư, 20/02/2008 10:31

Cơ sở hạ tầng Việt Nam: Những sai lầm

Nhóm giáo sư, chuyên gia của trường Đại học Harvard vừa công bố bài viết "Lựa chọn thành công", trong đó trình bày một khuôn khổ chiến lược giúp Việt Nam xác định các ưu tiên và đưa ra các quyết sách kinh tế cho những năm đầu của thế kỷ 21.

Chúng tôi xin lược thuật những đoạn ở bài viết này có liên quan đến vấn đề cơ sở hạ tầng.

Mặc dù ai cũng biết rằng điện là một yếu tố đầu vào thiết yếu của sản xuất, thế nhưng nhóm chuyên gia của trường Đại học Harvard cho rằng chính sách năng lượng của Việt Nam có những sai lầm tai hại. Dẫn chứng được nhóm chuyên gia đưa ra chính là việc Việt Nam đầu tư quá nhiều vào thủy điện làm cho tình trạng thiếu điện ngày càng trở nên trầm trọng trong mùa khô.

Việc phụ thuộc quá nhiều vào thủy điện của Việt Nam dẫn đến mức độ rủi ro càng gia tăng khi không thể kiểm soát lưu lượng nước ở thượng nguồn. Tình trạng thiếu điện giờ đây không chỉ còn là hiện tượng của mùa khô nữa.

Bên cạnh việc đầu tư quá mức vào thủy điện thì việc EVN bành trướng hoạt động sang lĩnh vực viễn thông, dịch vụ tài chính, bất động sản đang làm phân tán nguồn nhân lực và tài lực có hạn của mình. Nhóm chuyên gia nhận định quyết định của Chính phủ không cho phép EVN thành lập công ty mua-bán điện là một quyết định đúng đắn và cho rằng EVN đã nhầm lẫn trong khi xác định ưu tiên của mình.

"Một doanh nghiệp độc quyền nhà nước như EVN sẽ chỉ hoạt động tốt nhất nếu như nó tập trung cao độ vào nhiệm vụ chính và thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả, đồng thời không bị phân tâm bởi các hoạt động kinh doanh ngoại vi", nhóm chuyên gia kết luận.

Nhóm chuyên gia cũng đưa ra những dấu hiệu cho thấy EVN không đủ năng lực cung cấp điện để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế kỳ vọng. Theo chiến lược năng lượng của chính phủ cho giai đoạn 2006-2015, mỗi năm Việt Nam phải tăng công suất điện từ 17-20%. Nhiều dự án hiện nay đã bị chậm tiến độ một cách trầm trọng, đúng vào lúc mà nền kinh tế đang cần điện nhất. Năm 2007, chỉ có một trong số năm dự án phải đưa vào hoạt động được thực hiện đúng tiến độ.

Vì vậy, khuyến nghị được các giáo sư trường đại học danh tiếng này đưa ra là Nhà nước phải hoàn thiện cơ chế điều tiết để tạo ra những khuyến khích và điều kiện thích hợp cho khu vực kinh tế dân doanh và nước ngoài tham gia sản xuất điện.

Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia cũng kể đến việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhiều khi bị phung phí và không hiệu quả. Những chương trình như "một triệu tấn đường" hay "đánh bắt cá xa bờ" và phong trào xây dựng các khu công nghiệp, và mới đây là khu kinh tế, trên thực tế đã không đem lại nhiều lợi ích cho người dân ở các khu vực nông thôn, vốn là mục tiêu ban đầu của những dự án này.

 Các chuyên gia cũng nhìn nhận nhiều dự án cơ sở hạ tầng của Việt Nam bị chậm tiến độ, đội giá, và chất lượng kém. Trong nhiều trường hợp, dự án được lựa chọn mà không hề căn cứ vào những tiêu chí kinh tế thích hợp. Theo nhóm chuyên gia, nhiều kế hoạch hoành tráng đã được công bố hoặc đang được triển khai ở các tỉnh miền Trung rất thiếu cơ sở.

Ví dụ như Việt Nam đang đầu tư xây dựng mới rất nhiều cảng nước sâu dọc bờ biển miền Trung trong khi đó cơ sở hạ tầng ở Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, và Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi hấp thụ tới gần 60% lượng gia tăng dân số và lao động của cả nước, lại đang quá tải một cách trầm trọng nhưng không được đầu tư thỏa đáng. Theo nhóm chuyên gia, miền Đông Nam Bộ ở vị trí hết sức thuận lợi để khai thác các tuyến vận tải biển quốc tế quan trọng.

Trên thực tế, miền Đông Nam Bộ đã được các hãng tàu lớn đưa vào trong bản đồ lộ trình của mình. Tổ hợp cảng mới Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang được triển khai và các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang rất quan tâm tới dự án này. Cả một vùng rộng lớn ở miền Tây nước Mỹ (dài hơn 1.900 km) cũng chỉ có 3 cảng biển quốc tế. Với quy mô như hiện nay, nhóm chuyên gia cho rằng Việt Nam chỉ cần tối đa 3 cảng nước sâu cho ba miền.

Đồng thời, một hệ thống đường sắt chở hàng hiện đại sẽ làm cho việc xây dựng các cảng biển ở miền Trung không còn trở nên cần thiết nữa.

Với những bất cập nêu trên, các giáo sư trường Đại học Harvard đã đưa ra một số kiến nghị chính sách cụ thể cho Việt nam nhằm khống chế những khó khăn này. Cụ thể, để đảm bảo tình trạng thiếu điện không ngày một xấu đi, Việt Nam cần nhanh chóng thực hiện ngay hai ưu tiên.

Thứ nhất, tăng đầu tư cho các nguồn năng lượng ngoài thủy điện và cải thiện hệ thống phân phối. Yêu cầu EVN chấm dứt việc đầu tư nguồn nhân lực và tài lực khan hiếm của mình vào các hoạt động có tính đầu cơ, không nằm trong nhiệm vụ kinh doanh chính như viễn thông và bất động sản.

Thứ hai, khuyến khích đầu tư của tư nhân trong và ngoài nước, đồng thời xây dựng một môi trường điều tiết minh bạch và hiệu quả hơn để tạo động cơ và sự an tâm cho các nhà đầu tư tư nhân.

tbktvn

Các tin tức khác

>   Trung Đông - thị trường mới của thuỷ sản VN (20/02/2008)

>   Thị trường bất động sản sẽ “đóng băng”? (20/02/2008)

>   Hàng không nội địa tăng giá vé (20/02/2008)

>   Thanh tra Nga kiểm tra doanh nghiệp thủy sản Việt Nam (20/02/2008)

>   Để bắt đầu một thương hiệu toàn cầu "Made in Vietnam" (20/02/2008)

>   Sẽ kiểm tra giá vé sau mỗi đợt doanh nghiệp tăng giá (19/02/2008)

>   Tập đoàn bưu chính Việt Nam và Pháp đẩy mạnh hợp tác (19/02/2008)

>   Ngành chăn nuôi thiệt hại 190 tỷ đồng vì rét đậm (19/02/2008)

>   18 doanh nghiệp thủy sản dự hội chợ thực phẩm vùng Vịnh (19/02/2008)

>   Doanh nghiệp Italia coi VN là thị trường quan trọng nhất châu Á (19/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật