Thời của chiến lược kinh tế biển
Sau một thời gian dài "say ngủ", nay vùng đất phía Nam Tp.HCM đang "vươn vai đứng dậy".
Trước đây, vì nhiều lí do mà Tp.HCM “tạm quên” đất khu Nam, nhưng nay, đã đến lúc làm thức dậy tiềm năng của vùng đất này. Đây là cơ hội cho nền kinh tế Tp.HCM phát triển vững mạnh hơn trong tương lai.
Vốn là trung tâm kinh tế thương mại lớn của cả nước cùng với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, Tp.HCM đang là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Về khu vực kinh tế, thành phố nằm gọn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sân bay, cảng biển, hệ thông giao thông xuyên suốt các tỉnh thành và các khu vực kinh tế của cả nước gồm vùng ĐBSCL, miền Trung, Tây Nguyên và nối liền 2 miền Bắc Nam.
Xét về cự li trong khu kinh tế trọng điểm phía Nam, Tp.HCM tiếp giáp các địa phương của vùng. Mọi người mất chừng 1 giờ đồng hồ ngồi xe là đến với trung tâm tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, xa hơn nữa là Vũng Tàu, đây là những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất có các ngành kinh tế mũi nhọn đặt nhà máy sản xuất ở đây.
Việc các nhà đầu tư ồ ạt đến với Tp.HCM là dấu hiệu của nền kinh tế thành phố đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, thành phố hiện hữu gần như "quá tải" so với nhu cầu của nền kinh tế khi đang phát triển và hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Vì vậy, ngay từ những năm 1990, Tp.HCM đã đưa ra chủ trương mở rộng và phát triển thành phố đô thị.
Vài năm trở lại đây, không gian đô thị Tp.HCM đang trở nên quá chật hẹp do số lượng dân cư nhập cư từ các tỉnh thành trên cả nước đổ về sinh sống và làm việc, khiến cho số phương tiện giao thông cũng tăng theo. Hiện nay, tại Tp.HCM nhu cầu về nhà ở, nơi làm việc còn thiếu trầm trọng, việc phát triển vùng ngọai thành nhằm giãn mật độ dân cư từ khu vực trung tâm ra các quận huyện vùng ven, đồng thời cũng để làm đổi thay bộ mặt và cải thiện đời sống người dân thành phố.
Đất khu Nam đang thay da đổi thịt
Ngày nay, khung cảnh các vùng quận 2, quận 7, Bình Chánh đã khác trước nhiều. Với mô hình phát triển theo hướng mở, phi tập trung, đa trung tâm và gắn với các đô thị vệ tinh, các đô thị xung quanh, Tp.HCM bắt đầu hướng về phía Nam phát triển ra hướng biển.
So với các khu vực khác của thành phố, vùng đất khu Nam không có được các điều kiện thuận lợi. Khu Nam Tp.HCM bao gồm các quận, huyện gồm: quận 7, quận 8, Nhà Bè và Bình Chánh. Người dân Tp.HCM không thể quên khu Nam trước kia với hình ảnh ruộng đồng, kênh rạch chằng chịt, dân cư thưa thớt. Nơi đây, 90% đất bị nhiễm phèn, ngập mặn nên họat động sản xuất của người dân nơi đây bị ảnh hưởng rất nhiều.
Với định hướng phát triển đô thị vùng ven là lí do của sự ra đời của công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng được cấp giấy phép thành lập năm 1993, đơn vị được xem là có công khơi dậy sức sống mới cho vùng đất nhiễm phèn Nam Tp.HCM. Phú Mỹ Hưng được hình thành từ liên doanh giữa tập đoàn Central Trading & Development Corporation (CT & D) của Đài Loan và Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC - Đại diện UBND Tp.HCM).
Tổng vốn Phú Mỹ Hưng đầu tư cho dự án khu đô thị mới này đã lên tới 242 triệu USD.Sự phát triển về hướng Nam vẫn duy trì được tiêu điểm của trung tâm thành phố là tạo nên những khoảng cách ngắn tới khu phát triển mới, cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ. Khu Nam thành phố bao gồm cả khu chế xuất Tân Thuận, Nhà máy điện Hiệp Phước, Khu công nghiệp Hiệp Phước và khu cảng nước sâu sẽ được hình thành trong tương lai.
Đến nay, khu Nam Tp.HCM đã thu hút được gần 100 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư cả tỷ USD. Mục tiêu của dự án Khu đô thị Nam Sài Gòn là tạo nên một không gian sống mới hiện đại và văn minh.
Mặc dù đến nay, các dự án xây dựng trong khu Nam chưa được triển khai đồng bộ nhưng cũng đã hiển hiện hình ảnh một khu đô thị mới qua mô hình đô thị của Phú Mỹ Hưng. Hiện nay, Phú Mỹ Hưng đã có khu vực Trung tâm đô thị mới khu A hơn 400 ha với 1.616 căn hộ đang xây dựng với tổng diện tích sàn đang xây dựng là 280.994m2, trong đó đã hoàn công là 948 căn đạt 164.274m2. Ngoài ra tổng số nền nhà công ty này đã hoàn công là 1.359 nền.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của khu này cũng đã được xây dựng tương đối đã hoàn chỉnh với hệ thống đường sá, điện nước, hệ thống thoát nước, viễn thông...
Biển Đông thẳng tiến... mở cõi
Vào những ngày cuối cùng của năm 2007, Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (Saigon Sunbay) đã được Công ty Cổ phần Đô thị du lịch biển Cần Giờ khởi công xây dựng tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, với quy mô 600 ha. Tham vọng của nhà đầu tư là lấn biển tạo thêm đất liền để xây dựng nên 1 khu đô thị hiện đại sinh thái đáp ứng các nhu cầu nhà ở, nghỉ dưỡng cho khoảng 33.000 người và đẩy mạnh ngành du lịch sinh thái ở Cần Giờ.
Cần Giờ là huyện ven biển nằm ở phía Đông Nam của Tp.HCM, cách trung tâm thành phố 50Km, với gần 50% diện tích đất là rừng sác, đước ngập mặn.Tiếp đó, đại lộ Nguyễn Văn Linh được thông xe, một con đường được đánh giá là khang trang, hiện đại nhất, dài nhất và rộng nhất tại thành phố tính đến thời điểm hiện nay. Đây là trục đường mang tính huyết mạch và mang lại và hứa hẹn sự hồi sinh cho một vùng đất ngập mặn - Nam thành phố.
Con đường do Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư với 79 triệu USD, có chiều dài 17,8 km, rộng 120m với 10 làn xe chạy theo hướng từ hướng Đông- Tây qua phía Nam Tp.HCM, nối liền các quận huyện trong Tp.HCM và xuyên suốt Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.
Thành phố hướng ra biển Đông sẽ xuôi theo dòng sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, sông Soài Rạp - cửa ngõ của thành phố và cũng là vùng tiếp giáp Đồng bằng sông Cửu Long- vô cùng thuận lợi cho giao thông đường thủy. Do đó những ý tưởng về việc mở rộng đất liền ra biển Đông đang được Thành phố ráo riết thực hiện.
Với lợi thế về địa lí và sông rạch, huyện Nhà Bè sẽ trở thành khu công nghiệp cảng biển lớn nhất của Tp.HCM.Với mục tiêu ấy, những ngày đầu năm 2008, Tp.HCM đã tiến hành thông luồng tàu biển sông Soài Rạp giai đoạn 1. Đưa luồng Soài Rạp vào hoạt động, Tp.HCM đã có thêm 1 cửa ngõ nữa để tàu biển vào cập cảng Sài Gòn. Soài Rạp là hợp lưu của 3 con sông lớn: Sài Gòn, Đồng Nai và Vàm Cỏ nên sông có bề rộng lòng sông tương đối lớn, phục vụ cho tàu có tải trọng 15.000 tấn lưu thông.
Tương lai, Tp.HCM sẽ tiến hành nạo vét đưa lòng sông có khả năng đáp ứng cho tàu có trọng tại 50.000 tấn vào thành phố và tạo lực cho khu đô thị cảng Hiệp Phước 3.600ha với nhiều chức năng cảng biển, công nghiệp và khu đô thị dịch vụ phát triển. Dự án cảng Hiệp Phước đã được tập đoàn cảng quốc tế P&O khởi công từ giữa năm 2006. Đến năm 2010 cảng sẽ đi vào hoạt động. Đây còn là cửa ngõ để thành phố đẩy mạnh phát triển dịch vụ cảng biển và là con đường quan trọng trong việc thông luồng hàng hóa từ Tp.HCM và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đây, người Tp.HCM mấy ai chịu về Nhà Bè an cư vì nơi ấy rất xa trung tâm, điều kiện sống rất khó khăn. Nay mọi chuyện đã thay đổi, khi thành phố sẽ phát triển ra hướng biển và việc các nhà đầu tư bất động sản "tiến" sang Nhà Bè. Chỉ trong mấy năm qua, hàng loạt các dự án nhà ở, khu đô thị mới tại Nhà Bè đã được công bố. Ngày nay, ngoài đất tại Phú Mỹ Hưng (quận 7), An Phú An Khánh (quận 2), Nhà Bè là điểm nhắm của mọi cư dân Thành phố. Rồi đây, bộ mặt Nhà Bè sẽ đổi khác sau khi một khu đô thị hiện đại với nhiều khu dân cư, công trình dịch vụ đã hình thành tại đây.
Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế đang phát triển mạnh của khu vực. Tp.HCM là trung tâm thương mại của cả nước. Trong tương lai nền kinh tế Tp.HCM sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ. Hiện nay, để tương xứng và đáp ứng vấn đề cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế xã hội thành phố phát triển, Tp.HCM đang ra sức mở rộng và phát triển đô thị ra khu vực ngoại thành và hướng ra biển Đông.
tbktvn
|