Tháng 1, sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước tăng 20%
Các chuyên gia ngành Thuỷ sản cho biết, mặc dù, trong tháng 1, áp thấp nhiệt đới, kết hợp với gió mùa đông bắc các tỉnh phía Bắc Trung Bộ, từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng của các đối tượng nuôi và ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thuỷ sản của nông, ngư dân nhưng sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước vẫn đạt 120.000 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, nghề nuôi trồng thủy sản đã phát triển mạnh trên cả ba vùng sinh thái: ngọt, lợ, mặn. Từ năm 2000 đến nay, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi hơn 325.000 ha đất vùng trũng, nhiễm phèn, nhiễm mặn sang nuôi các loại thủy đặc sản có giá trị xuất khẩu cao như: cá tra, cá basa, tôm càng xanh, tôm sú, nhuyễn thể hai mảnh vỏ cùng một số đối tượng có giá trị khác. Đến nay diện tích nuôi trồng thủy sản toàn vùng lên hơn 750.000 ha, tăng gần gấp đôi so với năm 2000 và nâng sản lượng nuôi trồng hàng năm lên trên 1,3 triệu tấn nguyên liệu.
Để nghề nuôi thuỷ sản năm 2008 mang lại hiệu quả, giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi của các yếu tố thời tiết, môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (có quản lý thuỷ sản) và chính quyền địa phương thực hiện công tác quan trắc cảnh báo môi trường, khuyến cáo thời điểm thả giống phù hợp cho từng vùng nuôi, thông tin nhanh tình hình diễn biến môi trường cho người dân nắm bắt để chủ động quản lý tốt ao nuôi.
Để đa dang hoá đối tượng nuôi và sản phẩm xuất khẩu trong thời kỳ hội nhập, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo. Trong những năm tới tôm sú vẫn là đối tượng nuôi chủ lực tại đồng bằng sông Cửu Long. Đối với các tỉnh miền Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long được nuôi tôm chân trắng theo phương thức thâm canh tại các cơ sở có đủ điều kiện và phải được quản lý chặt theo tiêu chuẩn. Đối với các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình thuận được nuôi tôm chân trắng theo nhu cầu sản xuất.
TTXVN
|