Thứ Sáu, 01/02/2008 11:58

DN Việt chưa nhìn ra năng lực cạnh tranh

- Bán cái mình có sẵn hơn là cái thị trường cần, chưa nhìn ra năng lực cạnh tranh của mình, "xu hướng đa ngành, đa lĩnh vực" kinh doanh... Thực tế đó đặt ra vấn đề đã đến lúc DN Việt cần thay đổi tư duy phát triển.

Cùng với quá trình  hội nhập, mở cửa, với những chính sách mới tạo thuận lợi cho kinh doanh, các DN Việt Nam bung ra. Số lượng các DN được thành lập mới chỉ trong vài năm gần đây đã gấp vài lần số DN trong 10 năm trước đó. Tính về số lượng, DN Việt Nam đã có một lực lượng hùng hậu.

Trong một nghiên cứu gần đây, Liên hợp quốc đã xếp loại 200 DN hàng đầu Việt Nam dựa trên các tiêu chí về nguồn lao động, tài sản, doanh thu và mức thuế nộp cho Nhà nước, trong đó, đa phần  là các tập đoàn kinh tế nhà nước. Các chuyên gia ghi nhận vai trò năng động, tích cực của các DN trong phát triển kinh tế Việt  Nam.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Jonathan Pincus cũng thẳng thắn: dù lớn nhất VN nhưng nhóm các DN này chỉ tương đương nhóm các DN vừa và nhỏ trên thế giới.

Hơn nữa, các tập đoàn này không hình thành theo quy luật tự nhiên, qua quá trình tích tụ vốn mà theo quyết định hành chính, do đó hiệu quả không cao.

Nhìn vào đội ngũ doanh nhân hiện nay, TS Trần Đình Thiên cho rằng, các DN vẫn chỉ khai thác cái sẵn có để bán ra thế giới hơn là cạnh tranh vươn lên trong chuỗi giá trị, nhập vào chuỗi cạnh tranh, với mục tiêu trèo lên bậc thang cao hơn. DN Việt Nam mới chỉ là "đội thuyền thúng ra biển lớn". Có thế mạnh trong ngành dệt may, nhưng ngay cả một cái khuy áo chúng ta không làm được thì nói gì đến chuyện ra "biển lớn".

Chúng ta có những DN lớn nhưng chưa có được những sản phẩm có uy tín và thương hiệu toàn cầu. Nói về sản phẩm của Việt Nam, người ta chỉ biết đến cà phê, hồ tiêu... nhưng chưa một sản phẩm công nghiệp "made in Vietnam" nào được nhắc tới.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trương Văn Đoan thừa nhận, các DN Việt Nam nhìn chung khả năng tài chính và năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Khả năng tiếp cận thị trường bên ngoài của phần lớn DN còn yếu, do thiếu kinh nghiệm thương trường. Nếu tình trạng này tiếp diễn, làm sao DN nước ngoài có thể tìm đến đặt hàng, giao dịch. Không có năng lực, muốn trao trọng trách cũng khó.

Hiện nay, các DN vẫn chưa nhìn ra năng lực cạnh tranh của mình nằm ở đâu, cả tại thị trường trong nước cũng như ở thị trường bên ngoài, Đại sứ Việt Nam tại Geneva Ngô Quang Xuân phát biểu tại Hội nghị sơ kết một năm Việt Nam gia nhập WTO.

Xu hướng đa ngành

Xu hướng gây quan ngại gần đây điển hình cho việc các DN chưa nhìn ra vị trí của mình để có chiến lược phát triển dài hơi, chiếm lĩnh thị phần trong nước và quốc tế.

Trong khi xu hướng các tập đoàn trên thế giới là tập trung nguồn lực để trở thành những tập đoàn đa quốc gia có thế mạnh vượt trội về một lĩnh vực cụ thể như Microsoft nổi tiếng về công nghệ phần mềm, Walmart kinh doanh chuỗi siêu thị bán lẻ..., thì các tập đoàn ở Việt Nam với công nghệ, vốn, trình độ quản lý, nhân lực... còn khiêm tốn, lại không lo tập trung vào lĩnh vực có thế mạnh mà ngay từ đầu đã chủ trương đa ngành.

Nhiều DN bung ra, đầu tư "đa ngành, đa lĩnh vực", dẫn đến nguy cơ "vượt tầm quản lý". Họ có lựa chọn thay thế như đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, ngân hàng... Những lĩnh vực đó hoàn toàn không thuộc sở trường nhưng có thể đem lại lợi nhuận cao trong ngắn hạn.

Tập đoàn Dầu khí - PetroVietnam đầu tư nhiệt điện, bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, hàng không...; Tập đoàn Điện lực đầu tư vào ngân hàng, viễn thông... Thậm chí có doanh nghiệp còn bán bớt cổ phần tại các đơn vị kinh doanh mang lại nguồn thu nhập chủ chốt cho mình, để rút vốn đầu tư và xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê, khách sạn...

Thậm chí, đa ngành, đa lĩnh vực được nhiều người xem là tiêu chí của một tập đoàn kinh tế. Tại một hội thảo, một diễn giả đã phân tích Tổng Công ty Xi măng - DN thuộc hàng "anh cả" trong các tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng hoàn toàn hội đủ điều kiện để trở thành tập đoàn kinh tế, nhưng vì hiện chỉ kinh doanh một mặt hàng xi măng nên chưa được xem xét. Mới đây có văn bản đề nghị tổng công ty nên nghiên cứu hướng "đa ngành"...

Tiến sĩ Nguyễn Quang A từng chia sẻ lo ngại: Khi nguồn lực bị hạn chế, nếu anh quá phân tán, ông đóng tàu thì đi làm hàng không, ông hàng không lại đi làm khách sạn, ông dầu khí thì đi làm bất động sản, tôi e rằng không ổn. Chẳng hạn như bàn về dầu khí, nếu anh chuyên về dầu khí vì không ai giỏi hơn anh về cái đó, anh có đội ngũ, có thế mạnh kinh nghiệm. Nếu anh đi làm cái khác thì có lợi không?

Thay vào đó ông tập trung chuyên vào lĩnh vực của mình, hoặc ông tăng quy mô của ông lên rồi đi đầu tư ra bên ngoài nhưng chỉ với lĩnh vực đó. Đây là bài toán về lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế. Nếu bài toán này không được tính kỹ thì về dài hạn sẽ không ổn.

Hơn nữa, việc các tập đoàn kinh tế thành lập tập đoàn tài chính nội bộ tạo mối liên kết chặt chẽ giữa tài chính và thương mại có thể ẩn giấu tình huống không lành mạnh. Kinh nghiệm khủng hoảng ở Chile năm 1998 cho thấy các tập đoàn kinh tế mạnh cho vay nội bộ từ nguồn vốn huy động của công chúng, khi mất chức năng đầu tư tiền hiệu quả sẽ có nguy cơ xáo trộn thị trường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Martin Rama phân tích.

Phát triển không dựa trên năng lực cạnh tranh, dựa trên lợi thế so sánh, sản phẩm, DN Việt Nam không thể có được thương hiệu trên thị trường.

Xây dựng chiến lược trên tầm nhìn dài hạn

"Chính phủ Việt Nam, con người Việt Nam cần phải đầu tư cho dài hạn, không chỉ giới hạn tham vọng trong những lợi ích ngắn hạn. Những lợi ích nhanh chóng không thể xây dựng tương lai của một quốc gia", GS John Quelch, thầy phù thuỷ về thương hiệu từng tư vấn.

Trên thực tế, xây dựng được một thương hiệu thành công, giá trị thu được lớn gấp nhiều lần. Giá trị vô hình của thương hiệu thậm chí còn lớn hơn nhiều so với giá trị hữu hình. Điển hình là trường hợp năm 1996, công ty P/S bán lại cho Uniliver thương hiệu P/S với giá 5 triệu USD nhưng toàn bộ nhà xưởng chỉ bán được với giá 3 triệu USD. Chỉ riêng giá trị của nhãn hiệu Coca-Cola, Mỹ đã có giá trị cạnh tranh đạt 65,3 tỷ USD, cao hơn tổng sản phẩm quốc nội GDP Việt Nam trong năm 2006.

Hiện nay, các DN Việt Nam vẫn đang dò dẫm những bước đi đầu tiên trong tạo dựng thương hiệu Việt Nam, sẽ còn nhiều việc phải làm. Những tranh chấp nhãn hiệu ở nước ngoài của bánh phồng tôm Sa Giang tại Pháp và châu Âu, kẹo dừa Bến Tre tại Trung Quốc, thuốc lá Vinataba tại châu Á, cà phê Trung Nguyên và Petro Vietnam tại Mỹ... sẽ là những bài học còn đó cho các DN Việt Nam trên quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu.

"Mỗi người không thể bước vào công cuộc doanh thương mà không được đào tạo, không có kiến thức cũng giống như âm nhạc và nhạc cụ. Các bạn phải có quyết tâm, ý chí nhưng đồng thời cần có kiến thức, có giáo dục, có nguyên tắc để có thể đưa một doanh nghiệp đến một triển vọng tích cực".

VNN

Các tin tức khác

>   Thành lập cảng tư nhân đầu tiên ở miền Bắc (01/02/2008)

>   Nhập siêu tháng đầu năm đã tới một tỷ USD (01/02/2008)

>   Trúng thầu 300.000 tấn gạo (01/02/2008)

>   Kumho Asiana lập công ty cho thuê xe cao cấp tại VN (01/02/2008)

>   VN tiếp tục nhập siêu (01/02/2008)

>   Đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng (01/02/2008)

>   Đã cấp phép cho mạng di động thứ 7 ở Việt Nam (01/02/2008)

>   Kinh tế thành phố cần phát triển nhanh, có hiệu quả (01/02/2008)

>   Lập sàn giao dịch cà phê đầu tiên tại Việt Nam (31/01/2008)

>   "Nóng" nhất ở VN là bất động sản, không phải chứng khoán (31/01/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật