Tăng giá điện, điều gì sẽ xảy ra?
Sau khi tăng giá xăng, dầu, Bộ Công Thương đã bàn về phương án tăng giá điện từ ngày 1-7-2008 khiến nhiều doanh nghiệp, người dân lo lắng. Các chuyên gia đã nhận định về sự kiện này
TS NGUYễN THỊ HIỀN, NGUYÊN PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ:
Hai vấn đề cần bàn kỹ
Theo tôi, tăng giá điện không ảnh hưởng đến lạm phát nhiều như tăng giá xăng, dầu vì đối tượng dùng xăng, dầu lớn hơn nhiều. Đối với một số lĩnh vực, tiết kiệm xăng, dầu là bất khả thi nhưng tiết kiệm điện thì vẫn có thể. Hơn nữa, lộ trình tăng giá điện đã bàn kỹ và đã tính toán nhiều. Thời điểm áp dụng từ 1-7 là hợp lý vì theo quy luật, thị trường ba tháng 6, 7, 8 ổn định nhất trong năm. Giá cả có tăng cũng chỉ tăng nhẹ, thị trường dồi dào hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng không lớn.
Có hai vấn đề luôn phải bàn tính kỹ khi tăng giá điện. Thứ nhất, tổn thất điện năng đã hợp lý chưa. Mặc dù trong thời gian qua, EVN đã quan tâm giảm tổn thất điện năng nhưng vẫn ở mức cao, đường dây quá cũ kỹ. Thứ hai, kiểm soát giá thành chặt chẽ, chi phí sản xuất của EVN đã hợp lý chưa vì lâu nay kiểm toán ngành điện ít được công khai. Nếu có thì người ta cũng chưa tin tưởng lắm. Bên cạnh đó, cần chú ý cân nhắc giảm nhẹ gánh nặng cho người có thu nhập thấp ở 100 KW đầu. Đồng thời giảm nhẹ gánh nặng điện sinh hoạt ở khu vực nông thôn. Lần tăng giá năm ngoái (1-7-2007), vấn đề này chưa được thực hiện tốt. Lần này nên đặt ra vì khu vực này đang phải chịu giá điện quá cao trong khi giá tiêu dùng đang đắt đỏ.
ÔNG NGUYỄN VĂN QUANG, PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ TPHCM:
Quyết định có thể gây sốc nhưng cần thiết
Sau xăng, dầu, nếu áp dụng tăng giá điện thì chắc chắn sẽ hình thành một mặt bằng giá mới, vì điện là nguồn nguyên liệu đầu vào của tất cả các ngành sản xuất. Giá thành sản phẩm tăng sẽ tác động đến cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.
Đứng ở góc độ phân tích ảnh hưởng đối với nền kinh tế thì có thể thấy, VN đã thực hiện nền kinh tế thị trường, gia nhập vào WTO nghĩa là đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, vì vậy mặt bằng giá cả cũng phải phù hợp tương đối với mặt bằng giá cả của thế giới. Hiện nay, giá xăng, dầu thế giới tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng đến giá điện. Lộ trình tăng giá điện thực ra đã được bàn từ năm trước và dự kiến sẽ áp dụng vào ngày 1-7 là biện pháp cần thiết, vì thực tế từ trước đến nay ngành điện vẫn phải bù lỗ thì không thể tiếp tục bù lỗ được nữa trong một nền kinh tế thị trường, Nhà nước đã xóa bao cấp. Hơn nữa, việc tăng giá điện có thể là hiệu ứng tích cực để bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia vì hiện đang báo động việc sử dụng điện một cách lãng phí. Khi điện tăng giá, các nhà sản xuất, người tiêu dùng sẽ phải tính toán hợp lý việc sử dụng điện.
Cần phải hiểu quyết định tăng giá điện có thể gây sốc nhưng nhìn xa hơn thì đây vẫn là một biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, Chính phủ cần thông tin và điều chỉnh đợt tăng giá điện hợp lý vì mới cách đây vài ngày, người dân chưa nguôi nỗi lo lắng với việc tăng giá xăng, dầu thì hôm nay lại nghe thông tin tăng giá điện. Vì vậy, biện pháp lúc này là cần trấn an người dân.
TS NGUYỄN HOÀNG BẢO, PHÓ KHOA KINH TẾ PHÁT TRIỂN – TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TPHCM:
Khó đạt được mục tiêu ổn định kinh tế - xã hội
Hai tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng đã lên đến 6,02%, chiếm hơn 70% so với mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 8,5% của Chính phủ đề ra. Sau đợt tăng giá xăng, dầu, nếu tiếp tục tăng giá điện, nguy cơ lạm phát càng cao hơn vì điện là một mặt hàng đa năng, gắn chặt với đời sống sinh hoạt và là nguyên liệu đầu vào của sản phẩm nên khi điện tăng giá sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế. Hàng loạt diễn biến như thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh, tình trạng thiếu hụt nhiên liệu toàn cầu; lãi suất ngân hàng tăng làm tăng chi phí vốn, đầu vào sản xuất tăng, tiếp theo là giá điện tăng sẽ bồi thêm một cú đấm mạnh dẫn đến những biến động về giá, sản xuất ngưng trệ gây mất cân đối cung cầu, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ giảm.
Cũng giống như giá xăng, giá điện không thể không tăng nhưng vấn đề là khi quyết định tăng giá điện, Nhà nước đã tính đến lộ trình vừa đủ để không gây sốc và tính đến các tác động sẽ xảy ra chưa. Trong bối cảnh hiện tại, tăng giá điện nghĩa là Chính phủ sẽ khó đạt được mục tiêu ổn định kinh tế - xã hội và đối diện với những bất ổn ngấm ngầm: lòng tin của người dân, nhà đầu tư giảm sút.
TS PHẠM TẤT THẮNG, NGHIÊN CỨU VIÊN CAO CẤP:
Cần chú ý thời điểm áp dụng
Câu chuyện tăng giá và lạm phát là vấn đề đại sự của nền kinh tế hiện nay, nếu không khéo nền kinh tế sẽ bước vào vòng xoáy không thể gỡ ra được.
Không thể phủ nhận việc giá xăng, dầu thế giới tăng quá cao nhưng trong lúc “nước sôi lửa bỏng” như thế này thì quyết định tăng giá xăng dầu vừa qua không khác gì “đổ dầu vào lửa”.
Thị trường chưa hết sốc về tăng giá xăng dầu thì lại bị nhồi thêm thông tin tăng giá điện. Thực ra, việc họp bàn về phương án tăng giá điện chưa có quyết định cụ thể. Đấy chỉ là cuộc họp về mặt nguyên tắc để chuẩn bị tăng giá điện, chuyển ngành điện sang hoạt động kinh doanh theo lộ trình nhưng thời điểm họp và phát đi thông tin trong hoàn cảnh này là không nên vì càng thổi bùng lên cơn sốt giá.
Sâu xa hơn nếu nhìn kỹ lại thì thấy rằng cơn sốt lạm phát đã tiềm ẩn từ trước đó. Việc thu hút một nguồn tiền USD lớn đổ vào nền kinh tế là một cơ hội tốt đối với nền kinh tế đang cần vốn và quyết định đưa tiền ra mua USD cũng là một quyết định đúng nhưng không đầy đủ. Sai lầm lớn nhất là mua USD nhưng lại không có biện pháp đồng thời hút VNĐ vào ngân hàng mà để trôi nổi trên thị trường gây xáo trộn thị trường... Lạm phát bùng phát vào thời điểm này là hậu quả của quá trình điều hành một nền kinh tế thiếu sự đồng bộ, phối hợp giữa các ngành quá yếu và đưa ra những quyết định không đúng thời điểm. Với kiểu điều hành này thì đà tăng giá khó mà tránh khỏi.
Giá điện tăng cao là do… đội chi phí (!)
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình điều chỉnh giá điện như sau: Từ ngày 1-7-2008, giá bán lẻ điện bình quân là 890 đồng/KWh. Từ năm 2010, giá bán lẻ điện được thực hiện trên cơ sở giá thị trường. Tuy nhiên, tại cuộc họp của tổ công tác liên ngành về giá điện ngày 27-2 do Bộ Công Thương chủ trì đã đề nghị hai phương án. Phương án A: Tăng giá điện bình quân lên 890 đồng/KWh; phương án B: Tăng giá điện bình quân lên 917 đồng/KWh. Mỗi phương án đều chia nhỏ các mức giá khác nhau áp dụng cho các đối tượng tiêu thụ điện theo mục đích khác nhau hoặc theo vùng nông thôn, thành thị. Đáng lưu ý là “bậc thang” tính giá sẽ bị chia nhỏ, chỉ bảo hộ 50 KWh đầu tiên thay vì 100 KWh như hiện nay. Giá lũy tiến từ bậc thang 51 – 100 KWh sẽ tăng 14% so với 50 KWh đầu tiên. Một thành viên thuộc tổ công tác liên ngành cho biết, hiện tại vẫn chưa có sự thống nhất giữa các thành viên trong cả hai phương án này. Tuần tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục họp bàn phương án tăng giá điện.
Theo EVN, lý do đề nghị mức tăng cao hơn so với lộ trình đã được phê duyệt (có thể là phương án B), do ngành điện bị đội chi phí từ tác động tăng nguyên liệu đầu vào là than và dầu. Một lý do không kém quan trọng khác là năm 2007, EVN kinh doanh lỗ (vì phải bán giá điện dưới giá thành), buộc phải cân đối tài chính mới có thể tiếp tục vay vốn ngân hàng nước ngoài đầu tư các nguồn điện mới.
|