Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2008: Tập trung điều hành, kiểm soát kinh tế vĩ mô
Trong hai ngày 27-28/2, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2008, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các thành viên Chính phủ đã xem xét, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội đất nước tháng 2 và hai tháng đầu năm 2008, đóng góp ý kiến vào một số dự án luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp, dịch vụ phát triển
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hai tháng qua, các Bộ, ngành, địa phương tích cực quán triệt chương trình hành động của Chính phủ, hoàn thành việc giao ngân sách ngay trong tháng đầu năm. Các Bộ, ngành, địa phương đã chăm lo Tết cho nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai lũ lụt, đảm bảo mọi nhà đều vui Tết cổ truyền, tiết kiệm, an toàn, đời sống nhân dân được cải thiện, tai nạn giao thông giảm.
Về sản xuất kinh doanh, tuy mặt bằng giá cả thế giới tăng cao, lại gặp đợt rét đậm, rét hại kỷ lục kéo dài tới 38 ngày, dịch cúm gia cầm tái phát ở một số tỉnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đồng thời số ngày nghỉ Tết dài, số ngày sản xuất ít hơn trước, song kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục phát triển, các cân đối vĩ mô được giữ vững, đạt được nhiều kết quả tốt, giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 99,3 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Nông nghiệp được mùa, cộng vào đó giá một số mặt hàng nông phẩm như lúa gạo, sắn, cà phê, hạt tiêu tăng cao… nên đời sống người nông dân được cải thiện một bước đáng kể. Xuất khẩu đạt 8,7 tỷ USD là mức tăng cao nhất từ trước đến nay; tổng mức hàng hóa bán lẻ tăng 31,8% so với cùng kỳ năm trước; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục có nhiều triển vọng tốt, vốn đăng ký mới hơn 2,5 tỷ USD (tăng 56%) là dấu hiệu đáng mừng.
Điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn có thể kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn
Thủ tướng đã tập trung phân tích những nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và hai tháng đầu năm tăng khá cao. Đó là, nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng, gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế toàn cầu, mỗi biến động của nền kinh tế thế giới đều tác động đến kinh tế trong nước. Do vậy khi giá cả trên thế giới tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá cả hàng hóa tiêu dùng, nguyên vật liệu của nền kinh tế Việt Nam. Mặt khác, công tác điều hành chính sách tiền tệ còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với sự biến động phức tạp của nền kinh tế thế giới. Thủ tướng khẳng định, nếu điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn có thể kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn.
5 trọng tâm công tác tháng 3 và thời gian tới
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo một số trọng tâm công tác tháng 3/2008 và thời gian tới như sau:
Một là, tập trung điều hành, kiểm soát kinh tế vĩ mô, kiềm chế giá cả thị trường, áp dụng chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt và chủ động. Thực hiện đồng bộ các biện pháp giúp cho thị trường chứng khoán phát triển ổn định; đảm bảo cân đối hàng hóa thiết yếu. Thủ tướng nhấn mạnh, không thể không điều chỉnh giá xăng dầu vì ngân sách Nhà nước không thể tiếp tục bù lỗ quá lớn (11 nghìn tỷ đồng) như thời gian vừa qua. Song đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng bị lũ lụt hay ngành đánh bắt cá xa bờ, Chính phủ thực hiện hỗ trợ trực tiếp để nhân dân giảm bớt khó khăn. Nhân đây, Thủ tướng cũng nhắc nhở các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước tập trung sản xuất kinh doanh đúng các chuyên ngành chức năng, không mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản.
Hai là, phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh công nông nghiệp, dịch vụ, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Thủ tướng nêu rõ: “Không có biện pháp nào tốt hơn việc hạn chế nhập siêu, cân bằng cán cân thương mại bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa”, đồng thời lưu ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải bằng mọi cách giúp bà con nông dân cấy đúng thời hạn vụ đông xuân, khôi phục nhanh chóng đàn trâu, bò, gia súc.
Ba là, đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ cho các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính để thu hút mạnh đầu tư cả trong và ngoài nước.
Bốn là, chú trọng đến công tác xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ đời sống đồng bào gặp nhiều khó khăn; tăng huy động các nguồn vốn cho các đối tượng nghèo, cận nghèo vay để học, quản lý chặt việc cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích.
Năm là, tiếp tục cải cách hành chính nhất là thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ thực hiện trên tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa kết hợp với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng nhắc nhở các Bộ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, kiện toàn tổ chức, bộ máy theo đúng qui định chức năng, nhiệm vụ. Công tác phòng chống tham nhũng cần chú trọng điều tra, đưa ra xét xử các vụ án còn tồn đọng.
Tránh cùng lúc thực hiện nhiều biện pháp điều chỉnh chính sách tài chính-tiền tệ
Về việc điều hành thị trường tiền tệ và chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng: Cần cân nhắc việc bắt buộc các Ngân hàng thương mại mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước vào một thời điểm thích hợp để tránh tác động “sốc” đến thị trường; đồng thời điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng tránh tập trung nhiều biện pháp cùng lúc, ảnh hưởng đến tâm lý chung của nhà đầu tư. Mặt khác, triển khai cho vay kinh doanh chứng khoán với mức hợp lý theo nguyên tắc đảm bảo an toàn; kiểm soát cho vay đầu tư bất động sản, tiếp tục cho vay đầu tư bất động sản lành mạnh tạo điều kiện cung hàng hóa, phát triển thị trường bất động sản.
Tại phiên họp lần này, các thành viên Chính phủ cũng đóng góp ý kiến cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí, Dự án Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Dự án Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), Dự án Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) do các Bộ: Công thương, Quốc phòng, Tài chính trình.
Kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2007
- Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 2 đạt 46,4 nghìn tỷ đồng, 2 tháng đầu năm đạt gần 99,3 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3%.
- Diện tích gieo cấy lúa Đông xuân 2.224 nghìn ha, đạt 81% so với cùng kỳ.
- Giá trị hàng hóa xuất khẩu tháng 2 đạt 3,8 tỷ USD, 2 tháng đầu năm đạt 8,7 tỷ USD (tăng 29%); giá trị nhập khẩu tháng 2 đạt 5,8 tỷ USD, 2 tháng đầu năm đạt 12,9 tỷ USD (tăng 63,7%).
- Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ 2 tháng đầu năm đạt 152,8 nghìn tỷ đồng, tăng 31,8%, cao hơn mức tăng cùng kỳ nhiều năm trước.
- Vốn FDI đăng ký và tăng thêm đạt 2,6 tỷ USD.
- Chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,02%; tổng phương tiện thanh toán tăng 4,85% so với cuối năm 2007.
- Trong hai tháng đầu năm có hơn 860 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam du lịch, tăng 15% so với cùng kỳ.
Website Chính phủ
|