Công ty chứng khoán gặp khó vì không được ưu đãi thuế
Ngày 26/2/2008, hàng chục CTCK mới thành lập đã nhóm họp và cùng ký tên vào bản kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về việc Bộ Tài chính bổ sung CTCK vào danh mục không được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo các công ty này, họ đã không được đối xử công bằng với các công ty cùng ngành nghề ra đời trước thời điểm 25/10/2006 (thời điểm Nghị định 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư có hiệu lực). Kiến nghị của các CTCK có hợp lý và liệu có được Bộ Tài chính chấp thuận sửa đổi?
Khó khăn chồng chất
Ngày 23/11/2007, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 134/2007/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 24/2007/NĐ-CP quy định chi tiết việc thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Mặc dù trong hai Nghị định 108/2006/NĐ-CP và Nghị định 24/2007/NĐ-CP không nói rõ là CTCK được hay không được ưu đãi thuế, nhưng Thông tư 134 lại quy định, các CTCK thành lập được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sau ngày 25/10/2006 (thời điểm Nghị định 108/2006/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) thì không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc Tài chính - Quản trị, CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, việc không áp dụng ưu đãi thuế cho các CTCK ra đời sau thời điểm 25/10/2006 thực sự là một khó khăn. Do ra đời sau nên họ phải đầu tư rất lớn cho công nghệ, nhân sự, nâng cao chất lượng dịch vụ để mở rộng thị phần… Trong khi đó, các CTCK ra đời trước vừa có nhiều lợi thế, vừa được miễn thuế.
"TTCK còn non trẻ và chưa thực sự ổn định. Nếu chỉ nhìn vào một thời điểm thị trường bùng phát và nghĩ rẵng, các CTCK có thu nhập cao rồi quyết định bỏ ưu đãi thuế là không hợp lý. Nếu không được ưu đãi thuế, CTCK ra đời sau khó thể có khoản lợi nhuận để tái đầu tư, nâng cao công nghệ và chất lượng dịch vụ. Với tư cách là một thành viên tham gia thị trường, các CTCK mới khó có điều kiện làm tốt cho mình và góp phần cho cả TTCK tốt lên", bà Tâm nói.
Bên cạnh đó, một văn bản ban hành vào thời điểm cuối năm 2007 thì không thể hồi tố đối với các công ty ra đời vào thời điểm cuối năm 2006. Do đó, Thông tư 134 được ban hành vào thời điểm cuối năm 2007 thì việc quyết toán thuế sẽ được thực hiện cho báo cáo tài chính của năm 2008, chứ không thể làm ngay trong năm 2007. Vì nếu buộc thực hiện ngay trong năm 2007, các công ty không biết chủ trương bị xóa ưu đãi thuế nên không có một báo cáo về thuế hoàn chỉnh và rất khó khăn để có được báo cáo này.
Không chỉ đồng tình với quan điểm Thông tư 134 không có giá trị hồi tố, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK Sao Việt còn cho rằng, đây là một rủi ro trong chính sách mà hậu quả là các doanh nghiệp phải gánh chịu. "Trong trường hợp Nhà nước thấy cần thiết phải xóa bỏ ưu đãi thuế đối với CTCK thì điều cần thiết là công bố một lộ trình thực hiện để cho các nhà đầu tư được biết. Khi thành lập CTCK, không ít người đã tính toán được hưởng ưu đãi thuế, nếu không thì họ sẽ cân nhắc rất kỹ", ông Tuấn cho biết.
Không chỉ SHS hay Sao Việt, rất nhiều CTCK mới bày tỏ sự không đồng tình về quyết định không được ưu đãi thuế của Bộ Tài chính. Văn bản kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế của các CTCK nêu rõ, việc thay đổi chính sách thuế đối với các CTCK là một chủ trương lớn, song các công ty không được thông báo về việc này, nhiều chi cục thuế cũng không nắm rõ nội dung của việc bãi bỏ ưu đãi thuế. Thực tế, các CTCK là một định chế tài chính trung gian không thể thiếu của thị trường vốn. Để hoạt động, các công ty phải đầu tư rất lớn vào công nghệ, cơ sở vật chất và nhân lực. Những chi phí này đòi hỏi phải được khấu hao nhanh trong thời gian ngắn, nhất là trong những năm đầu hoạt động, đặc biệt là đối với các CTCK thành lập sau ngày 25/10/2006, khi mà TTCK đã trải qua giai đoạn phát triển nhất.
Bên cạnh đó, danh mục ưu đãi đầu tư của Nghị định 108/2006/NĐ-CP cho phép các hoạt động huy động vốn, cho vay vốn của quỹ tín dụng được hưởng ưu đãi đầu tư trong khi xét về chức năng nhiệm vụ và cả về độ khó trong đầu tư thì các CTCK cần phải được ưu đãi hơn, vì tổ chức tín dụng không phải đầu tư nhiều như CTCK.
Văn bản kiến nghị nhấn mạnh, việc Bộ Tài chính bãi bỏ ưu đãi thuế TNDN đối với CTCK có giấy phép đăng ký kinh doanh sau ngày 25/10/2006 bằng Thông tư 134 là việc làm mang nặng tính hồi tố và cư xử không công bằng giữa các CTCK vì Thông tư ban hành ngày 23/11/2007 nhưng lại có hiệu lực cho 1 năm trước đó, vì vậy không phù hợp với luật pháp hiện hành. Ưu đãi thuế TNDN nhằm nuôi dưỡng nguồn thu thuế và giúp các CTCK tránh khỏi bờ vực phá sản là việc nên làm trong tình hình TTCK hiện nay.
Sẽ sửa đổi Thông tư 134?
Trao đổi với ĐTCK, ông Hà Huy Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, Vụ đã nhận được các kiến nghị của Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam về việc nên cho các CTCK được hưởng ưu đãi thuế TNDN. "Trong bản kiến nghị có điểm chưa đúng, có điểm chưa thống nhất về cách hiểu, tuy nhiên có một số kiến nghị hợp lý. Chúng tôi đang xem xét để lấy ý kiến nội bộ, nếu không có ý kiến khác nhau sẽ trình lên Bộ Tài chính để ra quyết định cuối cùng", ông Tuấn nói. Do còn đang trong giai đoạn xin ý kiến nên ông Tuấn không cho biết cụ thể điểm nào chưa hợp lý và điểm nào hợp lý trong bản kiến nghị, nhưng theo ông Tuấn, có thể sẽ sửa đổi việc ưu đãi thuế đối với CTCK trên quan điểm tạo điều kiện cho TTCK phát triển.
Một văn bản pháp luật khi đi vào cuộc sống nếu có những điểm không phù hợp với thực tiễn, thì yêu cầu phải sửa đổi cũng là điều dễ hiểu. Các kiến nghị của CTCK cần được xem xét và sửa đổi theo hướng đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Bởi một CTCK ra đời trước thời điểm 25/10/2006 thì được miễn thuế trong 2 năm đầu, 3 năm tiếp theo chỉ chịu thuế 10% và 5 năm sau đó chịu thuế 20%. Trong khi đó, những công ty ra đời ngay sau đó 1 hoặc 2 ngày lại không được hưởng bất cứ ưu đãi gì. Hiện có khoảng 70 CTCK đang gặp khó khăn vì không được ưu đãi thuế.
đtck
|