Cần sớm điều chỉnh giá quặng apatit
Cùng là khoáng sản, nhưng giá than và giá nhiều loại khoáng sản quí hiếm khác đang dần được điều chỉnh theo mặt bằng giá thế giới trong khi giá quặng apatit - được coi là “vàng nâu” của Việt Nam, thì nhiều năm nay vẫn “bỏ xa” giá thế giới. Giá bán bất hợp lý như hiện nay đang là lực cản lớn khiến Cty Apatit Việt Nam-một doanh nghiệp (DN) lớn của Nhà nước hoạt động kém hiệu quả...
Mặc dù Việt Nam đã gia nhập WTO hơn 1 năm và giá các sản phẩm hàng hóa dịch vụ đã được điều chỉnh theo giá thế giới nhưng, giá bán apatit trong nước vẫn chỉ bằng khoảng 1/2 giá thế giới. Trong khi đó, hiện nhiều yếu tố “đầu vào” sản xuất tăng, nhất là hệ số bóc đất đá ngày càng cao khiến giá thành sản xuất quặng apatit cũng tăng mạnh. Việc giữ giá bán quặng ổn định là sự chấp hành tốt của TCty Hóa chất Việt Nam để góp phần ổn định giá phân bón trong nước. Song, với tình hình như hiện nay, nếu vẫn giữ giá bán như vậy, khi bán cho các Cty cổ phần, DN tư nhân, lợi nhuận từ quặng apatit giá rẻ này sẽ được chia sẻ cho cá nhân, thay vì thuộc về Nhà nước.
Cũng do giá bán quặng chưa hợp lý, nên dù được Nhà nước giao cho khối tài sản lên tới 600 tỷ đồng, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn của Cty chỉ ở mức 3%. Vì vậy, đời sống của cán bộ, công nhân mỏ apatit rất khó khăn. Riêng năm 2007, thu nhập bình quân của CBCNV chỉ khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn nhiều so với mức lương bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng của CBCNV Cty Đồng Sin Quyền năm 2006. Với giá bán apatit thấp như hiện nay, đơn giá cho việc đập và bốc dỡ quặng chỉ 15-17.000đ/tấn. Cũng do thu nhập thấp trong khi phải làm việc trong môi trường đầy rẫy nguy hiểm, nên năm 2007 nhiều công nhân mỏ apatit đã bỏ ra làm việc cho các DN khác.
TCty Hóa chất cho biết, giá bán quặng apatit trong nước hiện chỉ 400.000đ/tấn. Trong khi đó, công nhân mỏ apatit cũng làm việc trên khai trường vất vả gian khổ như công nhân mỏ than; công nghệ khai thác và tuyển quặng cũng không khác than là mấy; nhưng các DN sản xuất phân bón trong TCty Hóa chất đã phải mua than của Tập đoàn Công nghiệp-Than Khoáng sản với giá 937.000 đ/tấn (theo lộ trình giá bán sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng trong quý 2-2008). Đáng chú ý, trong công nghệ sản xuất phân chứa lân hiện nay, giá than nguyên liệu chiếm tới 26% giá thành trong khi giá apatit chỉ chiếm khoảng 10%. Hiện, Cty có nhiều bạn hàng nước ngoài sẵn sàng trả giá quặng 2 (loại quặng chưa được sử dụng tại Việt Nam) khoảng 40 USD/tấn (giá xuất tại kho của Cty) và quặng tuyển với giá khoảng 60 USD/tấn. Mặc dù mức giá này cao hơn nhiều so với giá bán trong nước; nhưng theo điều tra tại thị trường Ô-xtrây-li-a, Ma-lai-xi-a..., vẫn thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá thế giới.
Sự bất hợp lý trong giá bán quặng hiện nay cần sớm được điều chỉnh để bảo đảm cho Cty Apatit Việt Nam hoạt động hiệu quả, đồng thời mang lại những lợi ích lâu dài hơn. Với nhu cầu quặng nguyên liệu cho sản xuất phân bón trong nước, cho nhà máy DAP Đình Vũ đi vào hoạt động và các sản phẩm hóa chất khác đang tăng lên không ngừng (dự kiến 1,6-1,8 triệu tấn vào năm 2009), cộng thêm nhu cầu xuất khẩu, Cty buộc phải tăng năng lực khai thác và tuyển quặng lên. Trong giai đoạn 2008-2010, để đáp ứng việc tăng năng lực này, Cty phải cần tới gần 1.200 tỷ đồng. Hiện nay Cty mới thu xếp được 328 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có. Vì vậy, việc điều chỉnh giá bán apatit hợp lý sẽ giúp Cty có thêm nguồn lực để đầu tư. Hơn thế, để sử dụng, khai thác hợp lý nhất nguồn khoáng sản quí này, Cty đã chủ động khai thác tận thu từ những khai trường đã ngừng hoạt động nhiều năm (khai trường Mỏ Cóc). Vì vậy, việc sớm tăng giá bán quặng sẽ giúp Cty có thêm khả năng khai thác xuống các khai trường nằm sâu dưới lòng đất. Từ đó, nguồn tài nguyên quí giá này sẽ được khai thác và sử dụng tiết kiệm hơn so với hiện nay.
Dù đang bán với giá chỉ bằng 1/2 giá thế giới, nhưng Cty cũng chỉ đề nghị giá bán trong nước tăng thêm 30-40%. Lộ trình tăng giá trong năm 2008 này cũng sẽ theo hướng điều chỉnh dần để các hộ sản xuất phân bón và hóa chất quen dần, chứ chưa tiếp cận ngay với giá thế giới. Nếu được Chính phủ chấp thuận, trong quý 1-2008, giá sẽ tăng 10%; quý 2 và quí 3 sẽ tăng tiếp khoảng 20%. Bộ Công thương đã thống nhất chủ trương điều chỉnh để giá quặng dần tiếp cận với giá thế giới, nhưng vẫn phải bảo đảm bình ổn giá phân bón trong nước. Cty cũng tiếp tục rà soát chi phí để hạ giá thành sản xuất và tuyển quặng.
hnm
|