Thứ Sáu, 22/02/2008 09:18

"Siết" tiền, đúng nhưng chưa đủ

Xung quanh câu chuyện chống lạm phát, các chuyên gia cho rằng thắt chặt tiền tệ là đúng nhưng chưa đủ, cần phải thêm nhiều giải pháp khác. Dưới đây là một số ý kiến.

* TS LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương:

Một mũi tên chỉ trúng một đích

Các nhóm giải pháp chống lạm phát của Ngân hàng (NH) Nhà nước đã phù hợp với thông lệ thế giới nhưng liều lượng đợt này khá cao. Tác động của các gói giải pháp đến thị trường chứng khoán và bất động sản đã rõ.

Tuy nhiên, một mũi tên chỉ có thể trúng một đích. Việc giảm cung tiền, chịu ảnh hưởng lớn nhất chủ yếu là khu vực kinh tế tư nhân. Với khu vực nhà nước được hưởng các nguồn vốn ODA, vốn từ ngân sách thì giải pháp giảm cung tiền của NH Nhà nước có tác động được không? Nên có thể nói năm nhóm giải pháp của NH Nhà nước chỉ có tác động ở mức độ giới hạn đối với tình hình lạm phát hiện tại.

Với việc thắt chặt tín dụng, tốc độ tăng trưởng của VN sẽ chậm lại. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay, không nên giữ một chỉ tiêu quá cứng nhắc mà nên linh hoạt. Lạm phát thấp là cơ hội cho người nghèo, nên cần kiên trì các biện pháp chống lạm phát. Tăng trưởng cao cần sự cố gắng vượt bậc không chỉ ở tăng vốn. VN còn nhiều tiềm năng tăng trưởng khác, đó là nâng cao năng suất lao động, đặc biệt là hiệu quả đầu tư...

* PGS. TS NGUYỄN VĂN NAM, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng:

Giải pháp đúng, nhưng chưa đủ

Giảm cung tiền sẽ giúp giảm lạm phát nên biện pháp tiền tệ đi đầu là đúng. Nhưng chỉ giao cho NH thực thi là chưa đủ. Phải cần các biện pháp tài chính khác, bởi đóng góp không nhỏ vào lạm phát là chi tiêu ngân sách, chi tiêu của Chính phủ, đầu tư kém hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước... Bên cạnh giảm cung tiền thì phải làm sao cho đồng tiền khi chi tiêu đem lại hiệu quả cao hơn mới giúp phòng và chống lạm phát bền vững.

Các giải pháp của NH Nhà nước tác động đến tăng trưởng, đến đầu tư của doanh nghiệp về ngắn hạn có thể không làm hài lòng một số nhà đầu tư nhưng lâu dài sẽ giúp nền kinh tế VN tăng trưởng bền vững hơn, giảm được nhiều rủi ro tiềm ẩn trong quá trình phát triển nhanh và nóng…

* TS VŨ ĐÌNH ÁNH, Viện Khoa học tài chính, Bộ Tài chính:

Giải pháp không quá sốc

Nhìn vào "liều lượng" của liều thuốc chống lạm phát đợt này có thể thấy thuốc đã đủ đắng, đã rõ thấy quyết tâm chống lạm phát của Chính phủ. Mức độ này cũng không quá sốc với nền kinh tế. Nếu tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc lên 13-14% như Trung Quốc, có lẽ thị trường VN chưa chịu nổi. Việc buộc các NH mua trên 20.000 tỉ đồng tín phiếu cũng phù hợp với trình độ quản lý, bối cảnh thị trường.

Tới đây, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp khó và đắt hơn. Nhưng cũng cần coi đây là cơ hội khuyến khích, động viên các doanh nghiệp đa dạng hóa cơ cấu nguồn vốn. Thay vì trông vào NH, họ phải khai thác từ thị trường chứng khoán hoặc từ các kênh khác.

* TS PHẠM ĐỖ CHÍ:

Tăng hiệu quả của nền kinh tế để chống lạm phát

Khi nạn lạm phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 85% cư dân thì chặn đứng và giảm ngay lạm phát phải là ưu tiên số 1. Mục tiêu tăng GDP 9% trong năm 2008, tăng xuất khẩu, hay làm sống lại và phát huy hơn nữa thị trường chứng khoán... cần phải gia giảm trong mối quan hệ tương tác mà mục tiêu số 1 cho phép.

Theo đó, phải rà soát mục tiêu tăng trưởng GDP hằng năm theo hướng thấp và ổn định hơn cho đến khi nào lạm phát được đem lại mức 5-6%. Để giảm tổng cầu của nền kinh tế thì phải giảm bớt ít nhất 1% trong tỉ lệ đầu tư công/GDP (đang ở mức cao trên 40%). Giảm qui mô, nhưng cần khuyến khích những dự án đầu tư sử dụng ít nguồn lực mà đem lại năng suất cao hơn nhằm thúc đẩy hiệu quả của tổng vốn chi tiêu. Đây cũng là cách làm giảm sức ép lên tình trạng thắt cổ chai của phía cung nhằm giảm sức ép lên lạm phát.

Cùng với việc tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc hạn chế mở rộng tiền tệ và tín dụng, đặc biệt tăng lãi suất cho vay trong hệ thống NH, nên thay dần tín phiếu bắt buộc cho các NH bằng phát hành trái phiếu sáu tháng trả lãi cao (12%/năm, sát tỉ lệ lạm phát năm 2007). Trái phiếu này có thể được gia hạn mỗi sáu tháng với lãi suất được thay đổi linh động tùy theo mức lạm phát trong năm 2008...

 

Lãi suất đang bị "làm giá”

* Ngày 21-2: bơm thêm 10.000 tỉ đồng

* Kiến nghị kéo dài thời hạn mua tín phiếu bắt buộc

TP.HCM - 10.000 tỉ đồng là số tiền NH Nhà nước tiếp tục "bơm" ra cho các NH thương mại trong ngày 21-2, cũng với lãi suất 15%/năm ngắn hạn. Như ngày trước đó, hơn 10 NH đã trúng thầu số tiền này, nhưng hai NH quốc doanh vẫn trúng với khối lượng nhiều nhất.

Lãi suất qua đêm trên thị trường liên NH tuy đã giảm nhưng vẫn đứng ở mức cao, 20-25%/năm. Các NH cổ phần nhỏ tiếp tục trong tình trạng thanh khoản kém. Nhiều doanh nghiệp đã rút tiền trên tài khoản tiền gửi ở các NH đem đi cho vay trên thị trường liên NH nhằm kiếm lời ngắn hạn. Tiền bị rút từ NH này rồi lại chuyển về NH khác vay. Tiền chạy lòng vòng đã tạo nên cầu ảo về tiền đồng và hiện tượng đầu cơ lãi suất đang diễn ra. Không ít NH đã buộc phải thương lượng với khách hàng để họ không rút tiền trước hạn, chấp nhận trả lãi suất cao hơn. Bên cạnh đó một số NH lợi dụng cung cầu tiền đồng mất cân đối đẩy lãi suất cho vay lên cao.

Theo các chuyên gia, tình trạng này sẽ chấm dứt khi các NH giải quyết được bài toán thanh khoản trong thời gian gần.

* Các NH thương mại cho biết đã thống nhất kiến nghị NH Nhà nước kéo dài thời hạn mua tín phiếu bắt buộc thêm ba tháng thay vì phải thực hiện từ 17-3 như qui định của NH Nhà nước. Trong khi đó, một lãnh đạo NH Nhà nước trả lời báo chí cho biết có thể kéo dài nếu cần thiết. Theo các chuyên gia, nếu kiến nghị này được chấp nhận, cơn "đói" tiền đồng sẽ sớm qua đi.

tt

Các tin tức khác

>   Gia Dinh Bank tăng vốn điều lệ (22/02/2008)

>   Lãi suất đầu ra tăng chóng mặt (22/02/2008)

>   Lắt léo đồng Việt Nam (22/02/2008)

>   Habubank Securities tổ chức khuyến mãi "Lộc xuân phát tài" (22/02/2008)

>   Việt Nam đang nhập khẩu lạm phát (22/02/2008)

>   Có thể sẽ tăng cả giá xăng và dầu (22/02/2008)

>   Sẽ điều chỉnh giá xăng nếu thị trường có đột biến (21/02/2008)

>   Tháng 1/2008, MB đạt lợi nhuận trên 85 tỷ đồng (21/02/2008)

>   Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Các ngân hàng vẫn bảo đảm thanh toán (21/02/2008)

>   Chủ tịch ADB: VN nên tiếp tục thắt chặt tiền tệ (21/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật