Thứ Sáu, 22/02/2008 10:09

Lãi suất đầu ra tăng chóng mặt

Đó là hệ quả của cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm đầu vào khi thị trường ngày càng khan hiếm tiền đồng và các chính sách thắt chặt tiền tệ tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra. Để có vốn đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và người dân, các ngân hàng đã liên tục điều chỉnh lãi suất đầu vào kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Lãi suất huy động tăng đã kéo theo đợt điều chỉnh lãi suất cho vay tương ứng trong những ngày cuối tuần qua và đầu tuần này.

Lãi suất cầm cố sổ tiết kiệm tại một số ngân hàng hiện đã lên đến 1,8%/tháng, cao hơn khoảng 0,3%/tháng so với tháng trước. Còn với các loại hình tín dụng như cho vay cầm cố chứng khoán và bất động sản, lãi suất cũng tăng lên, đạt 1,4%/tháng và 1,6%/tháng; trong khi trước Tết Nguyên đán, mức lãi suất cho vay cầm cố cao nhất cũng chỉ đạt 1,35%/tháng. Nhưng nghịch lý ở đây là, dù lãi suất cho vay đã rất cao, nhưng nhiều ngân hàng vẫn chẳng mặn mà cho vay với lý do đảm bảo tính thanh khoản.

Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, sau khi tăng lãi suất tiền gửi vào cuối tuần qua thì đầu tuần này ngân hàng đã lên kế hoạch cho việc điều chỉnh lãi suất cho vay, đạt khoảng 16%/năm đối với từng kỳ hạn khác nhau. Như vậy, tính bình quân thì lãi suất cho vay của ngân hàng này nằm trong khoảng 1,3 - 1,4%/tháng. Tuy lãi suất đầu ra đã tăng theo nhiệt độ của lãi suất huy động tiền gửi, nhưng hiện nhiều ngân hàng đã tạm ngưng giải ngân vốn cho một số khách hàng mới nên nhu cầu ồ ạt đến với những ngân hàng còn khả năng vốn khiến nhiều lúc các ngân hàng này không thể đáp ứng đủ.

Mặt khác, so với lãi suất vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng ở mức trên dưới 30%/năm hiện nay thì lãi suất đầu ra của nhiều ngân hàng vẫn thấp hơn một nửa. Vì vậy, các ngân hàng không còn mặn mà với việc cho vay vốn trong thời điểm thị trường khan hiếm tiền đồng hiện nay. "Nếu tình hình cung VND tiếp tục căng thẳng, dù cho vay ngắn hạn khoảng 1 tháng thì đến ngày 17/3 - thời điểm các ngân hàng phải mua 20.300 tỷ đồng tín phiếu theo yêu cầu của NHNN, thì chúng tôi cũng không thể thu hồi vốn kịp để thực hiện đúng yêu cầu", giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp một ngân hàng nói. Theo ông này, lãi suất cho vay của ngân hàng ông đã được cộng thêm 2 - 3%/năm trong tuần qua sau khi điều chỉnh lãi suất đầu vào ở mức khá cao, trên 10%/năm kỳ hạn 12 tháng, nhưng nhiều người vẫn vay do thiếu vốn.

Hầu hết các ngân hàng cho biết, họ rất ngại tính đến bài toán lãi suất đầu vào và đầu ra khi mà lãi suất huy động của ngân hàng đã điều chỉnh lên mức khá cao. Tuy nhiên, do lạm phát ngày một gia tăng, NHNN mạnh tay hơn trong việc siết chặt tín dụng khiến cung tiền đồng khan hiếm là nguyên nhân buộc ngân hàng phải tăng lãi suất huy động tiền gửi (từ đó điều chỉnh lãi suất đầu ra). Chẳng hạn như VP Bank, ngân hàng này đã phải tung ra chương trình "Tiền gửi bù lạm phát" với cam kết bù thêm một phần hoặc toàn bộ phần chênh lệch lãi suất giữa lãi suất tiền gửi và tỷ lệ lạm phát thực tế. Trường hợp tỷ lệ lạm phát thực tế thấp hơn lãi suất ban đầu thì khách hàng được hưởng theo đúng lãi suất ban đầu. Còn nếu tỷ lệ lạm phát thực tế cao hơn lãi suất ban đầu nhưng không vượt quá 12% thì ngoài việc được hưởng lãi suất ban đầu, khách hàng sẽ được Ngân hàng bù đắp toàn bộ phần chênh lệch giữa tỷ lệ lạm phát thực tế và lãi suất ban đầu.

Điều này cho thấy, các ngân hàng đang đau đầu với bài toán tăng lãi suất bù đắp chênh lệch cho khách hàng khi chỉ số giá tiêu dùng ngày một tăng nhanh. Khi chi phí đầu vào tăng thì không còn cách nào khác là phải tăng lãi suất đầu ra. Thị trường đã và đang xuất hiện một làn sóng tăng lãi suất cho vay, song song với cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi huy động vốn. Hệ quả là ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, kéo theo giá thành sản phẩm được điều chỉnh tăng để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận, nhưng lại góp phần làm lạm phát tiếp tục gia tăng. Như vậy, vòng luẩn quẩn giữa lãi suất và giá cả tiếp tục kéo dài.

Theo đánh giá của một chuyên gia ngành ngân hàng, để kiềm chế lạm phát, NHNN tiếp tục rút tiền trong lưu thông là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, với những cách làm như hiện nay thì e rằng sẽ có vấn đề đối với cả hệ thống tiền tệ, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Hiện một số ngân hàng quy mô nhỏ đang rơi vào tình thế bị động vì hết vốn.

đtck

Các tin tức khác

>   Lắt léo đồng Việt Nam (22/02/2008)

>   Habubank Securities tổ chức khuyến mãi "Lộc xuân phát tài" (22/02/2008)

>   Việt Nam đang nhập khẩu lạm phát (22/02/2008)

>   Có thể sẽ tăng cả giá xăng và dầu (22/02/2008)

>   Sẽ điều chỉnh giá xăng nếu thị trường có đột biến (21/02/2008)

>   Tháng 1/2008, MB đạt lợi nhuận trên 85 tỷ đồng (21/02/2008)

>   Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Các ngân hàng vẫn bảo đảm thanh toán (21/02/2008)

>   Chủ tịch ADB: VN nên tiếp tục thắt chặt tiền tệ (21/02/2008)

>   NHNN "bơm" thêm tiền ra thị trường (21/02/2008)

>   Khi Ngân hàng Nhà nước vào cuộc chống lạm phát (21/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật