Sát đến Tết, chuyện đình công như đến hẹn lại lên
Một hiện tượng đã được dự báo trước nhưng hàng năm vẫn lặp lại, đó là đến giáp Tết thì lại xảy ra hàng loạt các vụ đình công, ngừng việc tập thể. Thiệt hại cho doanh nghiệp đã rõ, song đây cũng là nguy cơ thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia.
Ngày 30/1 vừa qua, Chính phủ đã phải ban hành Nghị định số 12/2208/NĐ-CP qui định chi tiết việc thi hành điều 176 của Luật Lao động về việc hoãn và ngừng đình công.
Có thể thấy, các nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngừng việc tập thể năm nay hầu như không mới. Đặc biệt là năm nay, lương tối thiểu (LTT) đã được tăng nhưng tranh chấp lao động vẫn không giảm cả về qui mô, số lượng lẫn tính chất phức tạp.
Điều chỉnh LTT chưa thỏa mãn kỳ vọng
Theo dõi đợt ngừng việc tập thể vừa xảy ra trong tháng 1/2008 ở KCX Tân Thuận – TP.HCM, có thể dễ dàng nhận thấy, người lao động (NLĐ) không hài lòng với cách mà các doanh nghiệp điều chỉnh mức điều chỉnh LTT theo qui định mới của Chính phủ.
Theo Nghị định 168/2007/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/1/2008, các DN có vốn đầu tư nước ngoài phải điều chỉnh mức LTT lên từ 10 – 20% so với trước đó. Ở nhiều doanh nghiệp, NLĐ đã khấp khởi chờ đợi để rồi… thất vọng.
Do qui định điều chỉnh theo biên độ, nên nhiều doanh nghiệp chỉ điều chỉnh tăng 10%. Hoặc cũng có công ty điều chỉnh tăng 15%, nhưng lại bao gồm luôn 5% mức nâng lương định kỳ hằng năm. Đây là nguyên nhân khiến NLĐ phản đối bằng cách ngừng việc.
Mặt khác, mức điều chỉnh không đáp ứng được kỳ vọng cải thiện đời sống của NLĐ. Các công nhân công ty TNHH K&K cho hay, tuy mức lương đã được điều chỉnh là 1,1 triệu đồng, cuộc sống của họ vẫn không được cải thiện trong bối cảnh giá sinh hoạt tăng chóng mặt như hiện nay.
Anh N.V.T, một công nhân của công ty Á Châu cũng cho biết, với tổng thu nhập chưa tới 2,2 triệu đồng của hai vợ chồng, gia đình anh phải xoay xở khá chật vật khi con nhỏ còn uống sữa. Vật giá đua nhau leo thang khiến chủ nhà trọ cũng nâng tiền nhà. Mọi thứ đều tăng. Chỉ có đồng lương là vẫn ì ạch, tăng vài chục ngàn chả thấm vào đâu. Vợ chồng anh phải “thắt lưng buộc bụng” đến mức tối thiểu. Tết nhất cận kề, nỗi lo của anh ngày một dày hơn. Anh chờ đợi sự cải thiện thực chất chứ không phải là “lương tăng không đuổi kịp lạm phát” như hiện nay.
Bắt mạch được nỗi lo Tết của doanh nghiệp
Ngoài những nguyên nhân thường thấy, còn có một lý do khác nữa khiến người lao động ngừng việc trước Tết là do họ đã “bắt mạch” được căn bệnh thiếu hụt lao động mang tính chu kỳ của doanh nghiệp.
Thứ nhất, đó là hiện tượng tăng ca trước Tết. Chuẩn bị cho một kỳ nghỉ dài ngày, đồng thời hàng loạt công nhân kết hợp nghỉ phép năm vào kỳ nghỉ Tết, nhiều doanh nghiệp đã phải tăng ca trước Tết để bảo đảm sản xuất theo các đơn hàng đã ký.
Thứ hai, sau khi nhận tiền lương tháng 13 và tiền thưởng Tết cũng là dịp nhiều công nhân về quê không trở lại làm việc, hoặc nghỉ việc đi nơi khác. Vì vậy, các doanh nghiệp thiếu hụt lao động trầm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nắm được những đặc điểm này của thị trường lao động, NLĐ đã sử dụng phương thức ngừng việc tập thể để đòi hỏi quyền lợi, buộc doanh nghiệp nhượng bộ để giữ người.
Các ban ngành đã biết trước nhưng vẫn lúng túng
Theo bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công, Sở Lao động – Thương binh – Xã hội TP.HCM, có đến 80% nguyên nhân ngừng việc tập thể liên quan đến chế độ tiền lương. Cụ thể là mức lương thấp, không được tăng lương theo cam kết, bị nợ lương. Ngoài ra là một số nguyên nhân khác như tăng ca quá nhiều; điều kiện, môi trường làm việc chưa bảo đảm, không được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) và tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đúng quy định...
Rõ ràng, qui định điều chỉnh LTT vẫn còn chỗ cho doanh nghiệp “lách” nhằm bảo vệ lợi ích cho mình, phớt lờ một số quyền lợi chính đáng của người lao động.
Sự lúng túng trong cách hiểu về qui định mới từ các đơn vị quản lý ở địa phương cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tranh chấp lao động vừa qua. Một số DN thuộc Hiệp hội Đài thương - KCX Tân Thuận cho biết họ đã gặp khó khăn khi giải quyết tranh chấp lao động. Nguyên do là cách hướng dẫn điều chỉnh LTT theo qui định mới giữa Ban Quản lý các khu công nghiệp TP. HCM (HEPZA) và phía Quận 7 không thống nhất.
Cũng có thể thấy công đoàn vẫn chưa chủ động trong việc dự báo các tranh chấp để hòa giải trước khi đình công xảy ra. Trong nhiều trường hợp, đòi hỏi của NLĐ là chính đáng nhưng công đoàn vẫn chưa thể hiện khả năng hòa giải, khiến tranh chấp trở nên căng thẳng và kéo dài. Trên thực tế, nếu công đoàn công ty hoạt động tích cực hơn, DN sẽ tránh được những thiệt hại không đáng có, đồng thời giữ được mối quan hệ lao động bền vững giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Nguy cơ tiềm ẩn
Xét về lợi ích kinh tế quốc gia, nếu để phát sinh nhiều vụ tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể, uy tín về môi trường đầu tư của quốc gia sẽ bị ảnh hưởng. Năng lực cạnh tranh của quốc gia sụt giảm. Một số khoản đầu tư nhạy cảm với nguồn nhân lực sẽ không chọn Việt Nam mà chuyển sang các nước khác.
Kết quả là quyền lợi của một nhóm nhỏ được bảo đảm. Nhưng ngược lại, một số lớn những người khác đang cần việc sẽ mất đi cơ hội việc làm.
Đồng thời, sự bất ổn về môi trường lao động, môi trường đầu tư… tại các vùng kinh tế cũng tác động không tốt đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.
Nghị định số 12/2208/NĐ-CP là bước quan trọng trong tiến trình hoàn thiện một lộ trình pháp lý chặt chẽ, minh bạch và ràng buộc trách nhiệm cụ thể đối với các bên liên quan đến đình công.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là rất cần sự hiểu biết, thái độ hợp tác và tinh thần trách nhiệm của mọi phía có liên quan ở cấp cơ sở, từ doanh nghiệp, người lao động, công đoàn, và các ban ngành của chính quyền địa phương.
Việc dự đoán trước và hòa giải trước những tranh chấp lao động hoàn toàn nằm trong tầm tay. Đó cũng là để bảo đảm lợi ích của cả doanh nghiệp, người lao động, và của cả nền kinh tế.
vnn
|