Nhập siêu không đáng có
Báo cáo tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 1.2008 cho thấy trong tháng đầu năm 2008, xuất khẩu đạt 4,5 tỉ USD, nhưng nhập khẩu lên tới 5,5 tỉ USD.
| Trước tình hình nhập siêu tới 1 tỉ USD, tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước (nhập siêu tháng 1.2007: 0,1 tỉ USD; tháng 1.2006: 0,35 tỉ USD; tháng 1.2005: 0,2 tỉ USD), Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành phải tăng cường kiểm soát kinh tế vĩ mô, trong đó kiểm soát nhập siêu được đặt ở mức độ "đặc biệt".
Có rất nhiều giải pháp kiềm chế nhập siêu như tăng xuất khẩu, tăng sản xuất trong nước để thay thế nhập khẩu, sử dụng hợp lý sản phẩm nhập khẩu..., trong đó không thể không tính tới việc giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ những hạng mục nhập siêu không đáng có trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Một ví dụ cụ thể: trong danh mục nhập khẩu của cả nước, nhiều năm rồi vẫn thấy sự hiện diện của việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu cho công nghiệp xuất khẩu đồ gỗ: năm 2006 nhập 0,775 tỉ USD; năm 2007 nhập 1,002 tỉ USD. Bài toán khá rõ ràng rằng: nếu không phải nhập khẩu gỗ mà công nghiệp xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vẫn phát triển, thì riêng việc này, nền kinh tế đã bớt phải nhập siêu được trên 1 tỉ USD như năm 2007 (ứng với mức xuất khẩu đồ gỗ 2,35 tỉ USD), trên 3 tỉ USD vào năm 2010 (ứng với mức xuất khẩu đồ gỗ 7 tỉ USD theo mục tiêu đề ra của ngành này). Những con số đó không phải là nhỏ khi so sánh với tổng nhập siêu của cả nước năm 2006 là 4,81 tỉ USD; năm 2007 là 12,4 tỉ USD.
Giả định "nếu không phải nhập khẩu gỗ" trên đây tỏ ra không hiện thực so với thực trạng nghề trồng rừng của Việt Nam lâu nay và hiện nay. Đó là thực trạng của một nghề, trong đó:
- Hơn 10 triệu dân trên địa bàn có rừng không sống nổi bằng nghề rừng, phải tìm cách nuôi thân bằng sản xuất lương thực rất kém hiệu quả trên đất rừng. - Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (thuộc chương trình trọng điểm quốc gia năm 1997) cho đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện mà rừng vẫn chưa được định giá (mặc dù Luật Bảo vệ và phát triển rừng có hiệu lực từ 1.4.2005 đã có quy định về việc định giá rừng). Đất rừng và rừng tựa như đôi chân của nghề trồng cây lấy gỗ. Trong khi đất rừng đã được định giá, còn rừng thì chưa đã khiến cho nghề trồng cây lấy gỗ chỉ đi bằng một chân.
- Sự phối hợp 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà kinh doanh, Nhà nước) trong phát triển nghề trồng rừng đã không thực hiện được mặc dù cả 4 nhà đều khá mạnh trong lĩnh vực này.
Thực trạng trên cho thấy trong 10 năm tới, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gỗ. Xu hướng này không thể đảo ngược được, bởi một chu kỳ từ khi trồng cây lấy gỗ cho đến khi có gỗ hàng hóa phải kéo dài tới 10 năm. Đây là giá phải trả cho quá trình nhiều năm nghề trồng cây lấy gỗ của Việt Nam chưa được chú trọng đúng đắn và tới mức cần thiết. Với giá phải trả đó, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu và sẽ tiếp tục ném thêm vào cán cân nhập siêu trên 1 tỉ USD năm 2008, trên 3 tỉ USD năm 2010, trên 10 tỉ USD năm 2018. Sự trả giá này sẽ còn tiếp diễn sau năm 2018 nếu ngay từ bây giờ không có những quyết định đột phá.
Trong tiến trình đổi mới những năm qua, Việt Nam đã có không ít những đột phá, trong đó nổi tiếng đột phá về sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Nghề trồng cây lấy gỗ đang chờ đón những đột phá tương tự như vậy, trong đó:
- Đất rừng cần được tạo điều kiện về pháp lý, cơ chế, chính sách để hình thành một thị trường tương tự như thị trường đất ruộng, đất ở đang vận hành có kết quả.
- Cây gỗ là một loại bất động sản trên đất. Loại bất động sản này cần được tạo điều kiện về pháp lý, cơ chế, chính sách để hình thành một thị trường tương tự thị trường địa ốc đang được hoàn thiện hiện nay.
- Người dân trên địa bàn có rừng cần được tạo điều kiện về pháp lý, cơ chế, chính sách để trở thành lực lượng chủ lực trong nghề trồng cây lấy gỗ. Lực lượng này với sự phối hợp chặt chẽ của nhà khoa học, nhà kinh doanh, Nhà nước sẽ thực hiện được mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tiến lên làm giàu bằng chính nghề trồng rừng.
Việt Nam hiện có trên 13 triệu ha đất trồng cây lâu năm, bằng 39% tổng diện tích tự nhiên của cả nước. Trong lịch sử, đã có năm, chỉ riêng khu vực rừng miền Bắc đã cung cấp cho nhu cầu sản xuất và chiến đấu tới trên 1 triệu m3 gỗ (năm 1965: 1,090 triệu m3 gỗ). Năm 1980, rừng cả nước đã cung cấp 1,576 triệu m3 gỗ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế đó minh chứng cho tiềm năng to lớn của rừng Việt Nam trong việc tạo cây lấy gỗ, cung ứng cho nhu cầu đang khát gỗ của thị trường trong nước và trên thế giới.
Khi có được những quyết định đột phá cho nghề trồng rừng, Việt Nam sẽ lại tạo ra một bất ngờ lớn: chuyển từ một quốc gia phải nhập khẩu gỗ sang một quốc gia xuất khẩu gỗ, tương tự như đã từng làm trong lĩnh vực lúa gạo. Khi đó, gỗ không chỉ làm giảm cán cân nhập siêu mà còn đóng góp vào cán cân xuất siêu trong thương mại quốc tế của Việt Nam.
tn
|