Tấp nập và bất cập tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài
Sau hơn hai năm đi vào hoạt động, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh đã có bước khởi sắc. Mỗi ngày, hàng chục nghìn người đổ về mua sắm các loại hàng hóa, tạo không khí sôi động, tấp nập ở một vùng biên giới. Tuy vậy, những bất cập trong thương mại miễn thuế đã nảy sinh.
Quản lý lỏng lẻo
Ðầu năm mới, chúng tôi đến khu siêu thị miễn thuế Mộc Bài. Ngay cổng vào cạnh bãi đỗ xe, hàng trăm xe chở khách tham quan cùng người dân chen chúc xếp hàng ở một cửa hẹp, dưới cái nắng chói chang chờ nộp giấy chứng minh nhân dân (CMND) cho bộ phận kiểm soát nhập vào máy tính để lấy được một phiếu mua hàng trị giá 500.000 đồng/người/ngày. Theo người dân địa phương, càng gần đến ngày Tết cổ truyền, số người có nhu cầu mua hàng càng đông, có khi chờ đến hàng giờ mới nhận được phiếu.
Thoát qua khỏi cổng, khách được xe điện đưa ngay vào siêu thị hoặc khu chợ đường biên kề bên. Anh bạn đi cùng thắc mắc: Với giá cả như bây giờ mà phiếu mua hàng chỉ có giá trị 500.000 đồng thì mua được gì? Liền ngay đó, một số phụ nữ áp tới: Các anh mua "vé" đi, bao nhiêu cũng có. "Vé" chính là phiếu mua hàng, không hiểu sao họ có cả xấp trên tay. Khi thấy chúng tôi tỏ ý lo ngại, một chị đon đả: Cứ mua thoải mái, tụi em xách phụ ra cổng cho. Hôm nay là chủ nhật, người mua đông nên tăng giá 20.000 đồng/vé, chớ bình thường chỉ có 10.000 đồng hà! Quả vậy, có người mua đến cả chục vé, ôm một đống hàng lên xe ra về bình thường. Người ta đến đây mua hàng nhiều, do giá cả tại khu thương mại miễn thuế rẻ hơn bên ngoài trung bình 15%, có những mặt hàng như chất tẩy rửa giá thấp hơn đến 30%.
Thật ra, tình trạng phe vé ở đây đã có từ lâu, những người "buôn vé" mượn giấy CMND của bà con trong khu vực và những nơi khác, đem đến cổng khu thương mại xuất trình lấy phiếu dễ dàng. Mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (BQL-KKTCK) đã cho đóng cổng cũ, mở một cổng khác ở phía trong bãi đỗ xe và thí điểm cải tiến cách buôn bán, áp dụng từ đầu tháng 2-2008. Theo đó, người dân tham quan, mua sắm được vào cổng tự do, khi đến bất kỳ cửa hàng nào mua hàng, họ mới phải đưa CMND cho người bán nhập vào máy tính nối mạng, nhằm kiểm soát lượng hàng theo tiêu chuẩn được mua. Khi mang hàng ra ngoài, ở cổng có bộ phận hải quan kiểm tra mới cho xuất. Tuy vậy, cách này cũng chỉ làm tiện lợi hơn cho khách một chút, nhưng không ai dám chắc ngăn được nạn con buôn vé theo kiểu nói trên.
Cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập
Theo Trưởng BQL-KKTCK Mộc Bài Phan Minh Thành, hoạt động thương mại trong khu vực hiện tồn tại theo kiểu "tự phát", tức chưa có định hướng cụ thể về thị trường, cơ cấu ngành hàng, thương nhân. Nhiều doanh nghiệp do lợi nhuận, chỉ tìm những loại hàng có thuế suất cao, nhu cầu tiêu thụ trong nội địa mạnh như rượu, bia, phụ tùng xe máy... đem bán ở khu vực miễn thuế, không chú trọng khai thác hàng hóa nhập khẩu từ nước bạn phục vụ sản xuất trong nước. Một số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh, nhưng không hoạt động thường xuyên mà thực hiện từng thương vụ với mục đích kiếm lời, xong đóng cửa chờ thời cơ làm thương vụ khác. Từ đây, xảy ra việc tuồn hàng trở lại nội địa, làm thất thu thuế của Nhà nước.
Việc mở rộng giao thương với nước bạn Cam-pu-chia cũng chưa đạt yêu cầu, số đông người vào khu thương mại mua hàng là người Việt Nam, rất ít người Cam-pu-chia. Theo một cán bộ quản lý thị trường, đã có những trường hợp lợi dụng ưu đãi miễn thuế cho người nước ngoài mua hàng không hạn chế, con buôn móc nối với người nước bạn vào mua rượu ngoại đem qua biên giới, sau đó tìm cách tuồn trở lại, rất khó phát hiện. Do đó, hiệu quả xuất nhập khẩu của khu vực còn thấp và gây tác động tiêu cực đến thị trường nội địa.
Mặt khác, nhược điểm lớn của KKTCK Mộc Bài là hoạt động mua bán bằng tiền mặt. Trên thực tế, thương mại tiểu ngạch phát triển khá mạnh, nhưng không kiểm soát được. Mọi việc trao đổi, thanh toán đều theo kiểu trôi nổi, không qua ngân hàng, rất dễ gây rủi ro, thiệt hại cho các doanh nghiệp. Hiện toàn khu chỉ có một phòng giao dịch của Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển tỉnh, nhưng do một số quy định về quản lý ngoại hối không phù hợp hoạt động biên mậu nên giảm hiệu quả. Một số ngân hàng khác cũng muốn đặt trụ sở tại đây lại bị khó khăn về thu hồi đất nên đành chịu. Trên bình diện chung, ngân sách chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn của KKTCK Mộc Bài để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trong khi việc lấy nguồn thu từ cửa khẩu đầu tư cho khu kinh tế bị bãi bỏ, từ khi có Luật Ngân sách. Cho nên, hạ tầng thiếu thì nhà đầu tư cũng ngại vào, nhất là việc xây dựng đường giao thông vào các cụm công nghiệp, kho ngoại quan...
Một khó khăn trực tiếp, ảnh hưởng lớn đến phát triển của KKTCK Mộc Bài là vướng mắc trong giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng. Theo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư KKTCK Mộc Bài thuộc UBND huyện Bến Cầu, đến cuối tháng 11-2007, tổng số chỉ có 20 hộ nhận bồi thường, với diện tích đất hơn 25,8 ha. Lũy kế đã có 711 hộ nhận bồi thường, tổng diện tích hơn 252 ha. Riêng diện tích các nhà đầu tư tự thỏa thuận đền bù khoảng 552 ha. Như vậy, tổng cộng mới có hơn 800 ha đất được thu hồi, chiếm hơn 38% trong tổng diện tích được quy hoạch cho Khu thương mại - đô thị Mộc Bài (2.083 ha). Một cán bộ của BQL - KKTCK lật tấm bản đồ, chỉ rõ từng khu đất đã và chưa thể thực hiện đền bù. Suốt thời gian qua, việc thu hồi đất chỉ tiến hành theo kiểu "da beo", nghĩa là chỗ nào dễ thì làm, chỗ khó thì khựng lại, khiến các nhà đầu tư không thể triển khai các công trình.
Cũng theo ông Thành, đã có một số người bỏ tiền đầu cơ đất đai trong khu vực, bằng cách thu gom đất của nông dân trước khi chính quyền địa phương tiến hành thu hồi, sau đó "hét" với giá "trên trời" nên khó có thể giải tỏa được. Một bất hợp lý khác về giá là ở khu đất quy hoạch dự án sân gôn Hữu Nghị, tích hợp khu nghỉ dưỡng do nước ngoài đầu tư, trước đây khoảng 60-70 triệu đồng/ha, nay người dân đòi đến 25.000 USD/ha mới chịu giao đất. Với những cái giá đầu cơ cao ngất thì không thể đáp ứng được nên dự án đóng băng.
Biện pháp khắc phục
Ðể nâng cao hiệu quả của một khu thương mại - dịch vụ trong cửa khẩu quốc tế, cần có sự khắc phục những hạn chế, tồn tại liên đới một cách đồng bộ. Theo Sở Thương mại - Du lịch tỉnh Tây Ninh, doanh nghiệp khi nhập hàng hóa vào KKTCK Mộc Bài, cần có quy định bắt buộc phải có dòng chữ "hàng miễn thuế" để lực lượng chức năng dễ kiểm soát, chống thu gom hàng hóa, gian lận thương mại và có quy định xử phạt cụ thể, nhất là khi hàng đã xuất ra ngoài thị trường.
Bên cạnh đó, cũng cần có một chiến lược về ưu đãi cho lĩnh vực biên mậu, nhằm tránh tình trạng mua bán tự phát. Có thể áp dụng chính sách thuế có giới hạn trong từng ngành hàng để khuyến khích hoạt động xuất khẩu, và nhập khẩu chủ động những mặt hàng từ Cam-pu-chia phục vụ sản xuất trong nước. Về cơ sở hạ tầng cho phát triển biên mậu, nên tìm biện pháp thu hút nhiều nguồn vốn từ trung ương, địa phương và vốn huy động, trước mắt đầu tư cho các công trình trọng điểm, xây dựng hoàn chỉnh các khu thương mại, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư kinh doanh và phục vụ hoạt động các cụm công nghiệp cửa khẩu hiện còn bỏ ngỏ.
Ðối với vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, có thể nói đây là khâu quyết định để phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp cho KKTCK Mộc Bài. Tỉnh Tây Ninh cần có hướng giải quyết dứt điểm theo từng dự án, tránh tình trạng "da beo", các dự án đã được duyệt phải triển khai đúng tiến độ, chức năng, nếu không sẽ thu hồi giao nhà đầu tư khác. Ðịa phương cũng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn chỉnh khu tái định cư để hỗ trợ công tác thu hồi đất. Hiện một số công trình hạ tầng do vướng đền bù giải tỏa nên không thể hoàn thành như đường 28 nối dài chưa khởi công được, đường ÐD8 chỉ vướng 150 m đầu tuyến nên khựng lại...
Tính đến hết năm 2007, KKTCK Mộc Bài đã có 42 dự án của 30 nhà đầu tư được cấp phép, với tổng diện tích đất được giao hoặc thuê hơn 1.650 ha. Hiện tổng giá trị đầu tư của các dự án đang triển khai khoảng hơn 684 tỷ đồng, trong đó có các dự án lớn như siêu thị GC, Khu thương mại Hiệp Thành, Chợ đường biên. Năm 2007 đã có khoảng hai triệu lượt khách trong và ngoài nước đến đây tham quan, mua sắm. Doanh số bán ra tương đương 900 tỷ đồng. Chỉ riêng mạng lưới này đã giải quyết việc làm cho khoảng 1.600 lao động, phần lớn là người địa phương. Mộc Bài đang tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, trong đó có Công ty Taekwang Vina (Hàn Quốc) đề nghị đầu tư các cụm công nghiệp và một trường đua ngựa 100 ha, vốn dự kiến hàng nghìn tỷ đồng. Việc tập trung toàn lực để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, làm cho KKTCK Mộc Bài phát triển tương xứng tầm vóc một cửa ngõ giao thương quốc tế sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm sôi động quan hệ giao lưu nhiều mặt với các nước láng giềng, tăng cường sản xuất và xuất khẩu cho cả khu vực, góp phần làm chuyển biến nhanh đời sống xã hội của các địa phương, không chỉ riêng huyện Bến Cầu và tỉnh Tây Ninh.
nd
|