Năm 2008 cần tạo đà tăng trưởng bền vững
Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, GS.TS Trần Đình Thiên: Không nên dốc sức tăng trưởng cho một năm để đạt tốc độ cao, rồi những năm sau các cơ sở tăng trưởng bị hủy hoại.
Nhân dịp năm mới 2008, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, GS.TS Trần Đình Thiên có cuộc trao đổi với báo chí về vận hội, thế - lực nền kinh tế Việt Nam trong năm Mậu Tý và những điều kiện cần - đủ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, mạnh, ổn định.
Chính phủ đặt mục tiêu Việt Nam sẽ vượt ngưỡng “nước đang phát triển thu nhập thấp” ngay trong năm 2008 - GDP đầu người vượt qua mức 950USD/người. Theo nhận định của ông, mục tiêu này có khả thi?
GS.TS Trần Đình Thiên: Tôi cho rằng, với đà tăng trưởng hiện nay và khả năng duy trì sự phát triển của các ngành kinh tế, Việt Nam hoàn toàn có điều kiện để vượt qua ngưỡng “nước đang phát triển có thu nhập thấp” ngay trong năm 2008. Tuy nhiên, mốc cụ thể 950 hay 1000 USD/người/năm chỉ mang tính chất tương đối, có giá trị đánh dấu một mức độ và ngưỡng phát triển mà nước ta sẽ vượt qua. Điều quan trọng là ở chỗ, khi đạt đến ngưỡng rồi thì Việt Nam có điều kiện để cất cánh, người dân có thể tích luỹ nhiều hơn, trình độ và phong cách tiêu dùng đạt tới một tầm cao mới, trình độ văn minh sẽ nâng lên, chất lượng cuộc sống được xác lập theo tiêu chí mới, cao hơn.
Với mục tiêu tăng trưởng GDP trên 9% là có thể đạt được trong năm 2008, song cần lưu ý hai vấn đề. Thứ nhất, như đã nói ở trên, ngưỡng thu nhập theo con số tuyệt đối 950 - 1.000 USD/người/năm chỉ mang tính tương đối. Trong trường hợp USD giảm thì việc đạt được mức danh nghĩa trên sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Thứ hai, không nên dốc sức tăng trưởng cho một năm để đạt tốc độ cao, rồi những năm sau các cơ sở tăng trưởng bị hủy hoại.
Đây là chuyện đánh đổi thường gặp, cố đạt thành tích cao ngắn hạn bằng cách hy sinh chất lượng và các cơ sở bền vững dài hạn - Điều này thực chất là “căn bệnh thành tích” rất nguy hiểm.
Thưa ông, việc đạt được mục tiêu vượt ngưỡng “nước đang phát triển có thu nhập thấp” có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế?
GS.TS Trần Đình Thiên: Thực ra ngưỡng đặt ra chỉ là quy ước. Nếu đạt như thế thì Việt Nam đã thoát khỏi trình độ một nước thu nhập thấp. Khi một nền kinh tế vượt qua được ngưỡng thu nhập thấp thì sẽ có những dấu hiệu thay đổi căn bản trong khuôn hình phát triển, thể hiện rõ nhất là một bộ phận lớn người dân có thu nhập vượt qua phần dành cho tiêu dùng tối thiểu. Khi đó, đất nước sẽ tăng tiết kiệm và tích luỹ, nền kinh tế có khả năng tái sản xuất mở rộng thường xuyên, liên tục và chuyển sang hình thái chất lượng phát triển mới .
Nếu dùng cách nói hình ảnh, khi đạt ngưỡng này, nền kinh tế được coi là bắt đầu “cất cánh”, bay vào quỹ đạo chung của phát triển hiện đại. Nó khác hẳn với trình độ “trườn”, “bò” trên đường băng. Trước đây, chúng ta tiết kiệm chỉ 20% GDP, ăn tiêu hết 80%, nhưng trong 20% tiết kiệm đó, phần lớn lại để cất trữ phòng xa, không có bao nhiêu để đầu tư trở lại nền kinh tế. Bây giờ, chúng ta có thể đạt được mức tích luỹ 30%, thậm chí tới đây là 35-40% GDP thì phần tích lũy tăng lên, đất nước cất cánh lên dễ dàng hơn. Khi đó, nguồn lực cho đầu tư sẽ nhiều hơn, giáo dục sẽ được tăng cường hơn, đất nước mới thực sự có khả năng tiến nhanh, xa hơn và rút ngắn khoảng cách tụt hậu so với thế giới.
Năm 2007, Việt Nam mới trải qua năm đầu tiên gia nhập WTO và ngay trong năm 2008, Việt Nam đã đặt mục tiêu bước sang một ngưỡng phát triển mới, thoát khỏi trình độ nước thu nhập thấp. Điều đó rất có nghĩa tích luỹ sẽ tăng lên, tiêu dùng của người dân cũng thay đổi. Tiêu dùng cao lên thì sự khuyến khích đầu tư phát triển cũng thay đổi tích cực. Khi đó, đời sống người dân sẽ được cải thiện trên nhiều góc độ: dịch vụ y tế, văn hoá - xã hội được cải thiện; cơ sở hạ tầng được nâng cấp, cơ chế, chính sách pháp luật sẽ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển nền kinh tế và các cam kết quốc tế.
Hiện tại, khoảng cách giàu – nghèo giữa khu vực nông thôn và thành thị đang có sự khác biệt lớn, để thu hẹp khoảng cách đó thì cần phải làm gì, thưa ông?
GS.TS Trần Đình Thiên: Ở đây có hai điểm cần lưu ý. Một là nhờ đổi mới và tăng trưởng tốt, đời sống của người dân, ở tất cả các vùng đều được cải thiện, thu nhập nói chung tăng lên. Nghĩa là lợi ích tăng trưởng được phân phối rộng khắp trong xã hội. Nhưng còn một khía cạnh khác: lợi ích được phân chia ngày càng không đều. Một bộ phận tăng thu nhập nhanh hơn, một bộ phận tăng chậm hơn và một bộ phận tăng ít. Cũng có những người tiếp tục sống trong nghèo khổ.
Phân tích trên góc độ nền kinh tế vĩ mô và sự vận động, phát triển tất yếu của xã hội thì phải nhận diện trên hai khía cạnh: Một là, để nền kinh tế tăng trưởng nhanh thì phải chấp nhận xu hướng gia tăng chênh lệch thu nhập như một điều không thể tránh khỏi. Thu nhập lao động giữa các vùng, các ngành sẽ chênh lệch nhau, ví dụ lao động trong ngành bưu chính viễn thông có thu nhập bình quân cao hơn thu nhập lao động trong ngành dệt may, chưa nói đến lao động nông nghiệp. Bởi vì, viễn thông là ngành tạo ra giá trị gia tăng cao, trong khi ngành dệt may phần lớn là lao động giản đơn, điều đó chắc chắn thu nhập sẽ thấp. Mặt khác, cơ hội thu hút đầu tư vào từng vùng, từng ngành khác nhau cũng sẽ gây ra chênh lệch về thu nhập. Ví dụ, vùng Đông Nam Bộ chỉ chiếm hơn 10 % dân số nhưng tạo ra gần 50% GDP cả nước. Có nghĩa là vùng này tập trung tăng trưởng rất cao, người lao động ở vùng đó tạo ra GDP và thu nhập rất lớn, do đó họ được hưởng phần thu nhập lớn hơn. Còn những vùng như: Tây Bắc hay Bắc Trung Bộ thì đóng góp tăng trưởng GDP ít hơn nên giá trị phân phối cũng ít hơn. Đấy là quy luật thị trường trong phân bổ nguồn lực, là yếu tố quyết định phân phối thu nhập. Thậm chí, những vùng chịu nhiều rủi ro thiên tai như miền Trung, dân chưa kịp giàu đã bị bão lũ cuốn hết tài sản đi, trong khi dân ở miền Bắc và miền Nam, kinh tế khá hơn, lại đỡ chịu rủi ro thiên tai hơn.
Tôi cho rằng, để tăng trưởng cao thì phải chấp nhận chênh lệch tăng truởng, chênh lệch thu nhập lao động giữa các vùng, giữa nông thôn và đô thị, giữa miền núi và đồng bằng, giữa những vùng trọng điểm phát triển với những vùng không trọng điểm, giữa ngành này và ngành kia. Ngược lại, cào bằng thu nhập như trước đây thì không thể có tăng trưởng cao được.
Thứ hai là, giới hạn chênh lệch thế nào sẽ không gây ra bất bình đẳng, không gây ra những xung đột xã hội? Đây là bài toán khó, mỗi nước, mỗi thời kỳ phát triển có một câu trả lời cụ thể. Quy luật của thị trường là chỗ nào có lợi nhất, tốt nhất thì người lao động và nhà đầu tư tìm đến. Nhưng để khắc phục sự chênh lệch thu nhập giàu nghèo quá mức, bất công và bất ổn xã hội thì Nhà nước phải làm nhiệm vụ hỗ trợ những vùng kém phát triển, những nhóm dân cư yếu thế, điều kiện phát triển khó khăn, tạo thêm những cơ hội để làm sao người dân không quá tụt hậu. Nỗ lực này làm cho quá trình phân hoá giàu nghèo, phân hoá thu nhập chậm lại. Tuy nhiên, trong vấn đề này, đặt ra mục tiêu phải thiết thực, cần phải có cách nhìn thực tế, khách quan, tránh đưa ra những mục tiêu mang tính chất hô hào, lấy lòng, mị dân mà không có cơ sở thực tế.
Đất nước đang chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập sâu vào thế giới, cần phải thẳng thắn, công khai và minh bạch nhiều hơn, nhất là những vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân.
Điều cần tránh là trong cùng một đất nước lại có một bộ phận quá giàu, 1 bộ phận quá nghèo. Khó có thể chấp nhận tình trạng 10% dân số lại chiếm đến 80-90% thu nhập của đất nước. Như vậy sẽ gây ra bất ổn xã hội, gây ra làn sóng di cư không kiểm soát được, dẫn đến mất cân bằng trong tăng trưởng kinh tế -xã hội.
Theo ông, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay có nên “đánh đổi” và sự “đánh đổi” đó phải giữ và đảm bảo những yếu tố gì?
GS.TS Trần Đình Thiên: Muốn tăng trưởng nhanh để Việt Nam không bị tụt hậu xa hơn so với thế giới thì trong điều kiện cụ thể của giai đoạn trước mắt, không có cách nào khác là phải chấp nhận khoảng cách thu nhập của các nhóm dân cư, giữa các vùng, ngành sẽ tăng lên. Vấn đề đặt ra là làm sao khoảng cách này tăng chậm lại và không gây ra những bức xúc xã hội - Đây chính là sự đánh đổi. Một mặt, phải để cho thị trường phát huy đầy đủ quy luật trong phân bổ các nguồn lực để nền kinh tế có cơ cấu tăng trưởng hợp lý nhất, nhờ đó tối ưu hoá tốc độ tăng trưởng.
Mặt khác, Nhà nước phải dành sự quan tâm để hỗ trợ những vùng khó khăn, những địa phương có điều kiện tăng trưởng không thuận lợi, hỗ trợ người nghèo có điều kiện học hành, an sinh xã hội tốt hơn. Vấn đề tiền ở đâu, ai làm và làm như thế nào là bài toán rất lớn cần được giải đáp. Tôi tin rằng, năm 2008 và nhưng năm tới, nếu vận dụng tốt các quy luật thị trường, việc “cân - đong”, lựa chọn giữa “đánh đổi và chấp nhận” một cách hợp lý thì Việt Nam sẽ có sự phát triển nhanh, mạnh, ổn định và dần thu hẹp khoảng cách với các nước đi trước.
Xin cảm ơn ông!
vov
|