Thứ Tư, 20/02/2008 22:31

Lo ngại nguy cơ đổ vỡ thị trường bất động sản

Chống lạm phát, đồng thời chống đầu cơ đất, "bài thuốc mạnh" siết chặt tín dụng, đã phát huy tác dụng ban đầu. Hệ thống ngân hàng vốn đứng đằng sau cung cấp "năng lượng" cho cơn sốt nhà đất đã bị lâm vào thế thiếu vốn, buộc phải cắt giảm các khoản cho vay mới.

Theo dự báo của các chuyên gia, kiểm soát tiến trình làm xẹp bong bóng giá nhà đất đang được bắt đầu.

Thị trường đang thăm dò

Ghi nhận thực tế giá nhà đất tại một số khu vực trọng điểm của TPHCM như quận 2, quận 9 (lân cận khu đô thị mới Thủ Thiêm); khu vực các quận 7, 8, huyện Bình Chánh (khu đô thị mới Nam Sài Gòn) trong ngày 19.2 vẫn chưa có biểu hiện gì bất thường.

Giá đất vẫn đứng ở mức rất cao, giá đất cao nhất tại khu Nam Sài Gòn được "hét" 75 triệu đồng/m2. Còn khu vực lân cận khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ thấp hơn chút đỉnh. Giá đất mặt tiền đường song hành xa lộ Hà Nội trong khu đô thị mới An Phú - An Khánh được chào bán từ 60 đến 65 triệu đồng/m2.

Mặc dù vậy, theo anh Vương Đình Tuệ - GĐ một Cty môi giới mua bán nhà đất ở Nam Sài Gòn thì: " Giới đầu cơ nhà đất có hiểu biết đang rất hoang mang, còn những người mù mờ thì chưa thấy biểu hiện gì".

Lý giải hiện tượng thị trường vẫn chưa biểu hiện gì bất thường, anh Tuệ cho rằng: "Chính sách nào cũng cần có một thời gian để ngấm vào đối tượng mà chính sách nhắm đến. Vì vậy giá nhà đất chưa thể nào một sớm một chiều mà giảm ngay được".

Một hướng lý giải khác cho rằng, nếu chính sách siết chặt tín dụng có ảnh hưởng đến thị trường nhà đất thì nó sẽ có tác dụng đối với các khu vực xa trung tâm TP sau đó mới lan dần vào khu trung tâm.

Bởi đối với các khu vực đã phát triển tương đối hoàn thiện như khu đô thị mới Nam Sài Gòn hay lân cận khu đô thị mới Thủ Thiêm, hệ thống hạ tầng xã hội, kỹ thuật không thua kém trung tâm thành phố bao nhiêu.

Vì vậy đây là khu vực được nhiều người chọn làm nơi sinh sống. Trong trường hợp thị trường xẹp bong bóng giá nhà đất thì những khu vực này cũng sẽ xẹp từ từ chứ không đổ sụp bất ngờ.

Liệu thuốc có quá mạnh?

Tiến sĩ kinh tế Hồ Ngọc Minh - Phó trưởng ban Ban quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị Tây - Bắc TPHCM đưa ra một dự báo: "Chắc chắn thị trường sẽ bị vỡ bong bóng, nhẹ nhất là đóng băng như lúc ban hành Nghị định 181".

Tuy nhiên Tiến sĩ Hồ Ngọc Minh băn khoăn: "Trong tình hình kinh tế hiện nay, các chính sách điều tiết vĩ mô của VN hoàn toàn có thể kiểm soát được tất cả các biểu hiện lệch lạc của nền kinh tế, ngoại trừ nạn đầu cơ trên TTCK.

Một trong những lệch lạc của nền kinh tế trong thời gian qua là nạn đầu cơ bất động sản, khiến giá nhà đất tăng quá cao, trở thành giá bong bóng nhưng phản ứng của các cơ quan chức năng, nơi ban hành các chính sách điều tiết quá chậm, lẽ ra phải từ năm 2007 chứ không phải đến bây giờ.

Các giải pháp chống đầu cơ đất đai thông qua chính sách tiền tệ là một trong những giải pháp hiệu quả nhanh nhất nhưng chưa chắc đã đem lại hiệu quả tốt nhất. Cần có những chính sách làm vỡ bong bóng giá nhà đất trong kiểm soát, chứ để vỡ không kiểm soát thì hậu quả không lường cho nền kinh tế".

Ngày 19.2, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Hoàng Châu - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea) thông báo một tin nóng: "Chiều 18.2, tôi ký một bản kiến nghị gửi cho 3 bộ: Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Tài chính và UBND TP kiến nghị một loạt các vấn đề để bình ổn, lành mạnh thị trường BĐS".

Về vấn đề nóng, siết chặt tín dụng ảnh hưởng đến thị trường BĐS, ông Châu cho rằng: "Việc siết chặt tín dụng nhằm triệt tiêu nguồn vốn đầu tư vào BĐS hiện nay đang phát huy tác dụng.

Thế nhưng cũng cần phải phân biệt rạch ròi 3 loại đối tượng khác nhau: Các Cty chuyên thực hiện các dự án phát triển BĐS; người tiêu dùng tức là người có nhu cầu mua nhà để ở và đối tượng mua đi bán lại thường được gọi dưới cái tên là nhà đầu cơ.

Nếu siết chặt tín dụng nhắm vào đối tượng là giới đầu cơ là một việc nên làm. Nhưng trên thực tế, việc siết chặt tín dụng đang đánh đồng thời cả 3 đối tượng. Như vậy, chính sách vì muốn triệt tiêu nạn đầu cơ nhưng tác dụng phụ là đánh vào nguồn cung và nguồn cầu làm ảnh hưởng đến thị trường BĐS".

Cũng theo ông Châu: "Nếu áp dụng đồng thời các chính sách điều tiết vĩ mô như tiền tệ, thuế luỹ tiến chắc chắn một điều là giá nhà đất sẽ nhanh chóng hạ nhiệt, vì các đối tượng đầu cơ bắt buộc phải bung hàng. Nhưng áp dụng liều thuốc quá mạnh, thị trường BĐS có nguy cơ đổ vỡ".

Các tin tức khác

>   Thủ tướng cho phép tiếp tục xây cầu Cần Thơ (20/02/2008)

>   Khai trương Cổng thông tin thủ tục hành chính Việt Nam (20/02/2008)

>   EU mở cửa lại với cá ngừ, cá kiếm Việt Nam (20/02/2008)

>   Giá quặng sắt tăng cao, thị trường thép tiếp tục biến động (20/02/2008)

>   Mở rộng thị trường xuất khẩu là nhiệm vụ cần ưu tiên (20/02/2008)

>   Kim ngạch thương mại VN-Nhật Bản đạt 12,5 tỷ USD (20/02/2008)

>   Lập liên doanh đầu tư dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn (20/02/2008)

>   Giá cà phê sắp chạm kỷ lục 40.000 đồng một kg (20/02/2008)

>   VAMA: Lượng xe ô tô bán ra tăng 10 tháng liên tiếp (20/02/2008)

>   Dự án lớn nhất của Úc vào Hải Phòng (20/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật