Mở rộng thị trường xuất khẩu là nhiệm vụ cần ưu tiên
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Mục tiêu hàng đầu của ngành Công thương năm 2008 là tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, phấn đấu đạt tăng trưởng 22%. Trong đó, vai trò của các cơ quan Thương vụ có ý nghĩa quyết định…
| Hội nghị Tham tán 2008 diễn ra tại Hà Nội hôm nay (20/2), với sự tham dự của đại diện 55 Thương vụ tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và 7 chi nhánh Thương vụ tại Tổng Lãnh sự quán các khu vực thị trường châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi - Tây Nam Á và châu Mỹ - Mỹ Latin.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, về khu vực thị trường, tuy có những biến động nhất định nhưng nhìn chung các thị trường xuất khẩu truyền thống vẫn duy trì được sự ổn định: Thị trường châu Á vẫn chiếm tỷ trọng lớn (49,11%) với kim ngạch đạt xấp xỉ 24 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2006; Thị trường châu Âu chiếm 20,5% với kim ngạch đạt 9,96 tỷ USD, tăng 28,2% so với năm 2006, trong đó tập trung chủ yếu vào thị trường khối EU với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu tới 91,3%, số còn lại là thị trường Liên bang Nga, các nước SNG và một số nước Đông Âu ngoài EU; Thị trường châu Mỹ chiếm 24,3% với kim ngạch 11,68 tỷ USD, tăng 29,4% so với năm 2006, trong đó chủ yếu là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch trên 10 tỷ USD, chiếm 21,3% tổng xuất khẩu của cả nước; Thị trường châu Phi – Tây Nam Á hiện tỷ trọng còn khiêm tốn là 2,4% với kim ngạch đạt 1,2 tỷ USD. Các thị trường nhỏ lẻ còn lại ở khu vực chiếm tỷ trọng gần 5%, kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 2 tỷ USD.
Trong năm 2007, Bộ đã chỉ đạo sát sao hoạt động của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, nâng cao chất lượng hoạt động, đóng góp đáng kể vào việc hoàn thành nhiệm vụ xuất khẩu cả năm. Hiện nay Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 165 nước và vùng lãnh thổ; là thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực. Các cơ quan Thương vụ đã tham gia một cách tích cực vào việc tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển, mở rộng thị trường nước ngoài; cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, tìm đối tác, tổ chức giao thương, hỗ trợ có hiệu quả các doanh nghiệp trong tiếp cận, thâm nhập thị trường sở tại và các thị trường kiêm nhiệm; tích cực tham gia công tác xúc tiến thương mại góp phần mở rộng thị trường để tăng xuất khẩu… Tuy lực lượng mỏng (tổng biên chế chỉ có 132 người, gồm các chức danh Tham tán Công sứ, Tham tán, Tuỳ viên và nhân viên Thương vụ), nhưng nhiều Thương vụ đã làm tốt việc tư vấn, hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ, giúp đỡ về tổ chức - kỹ thuật cho các doanh nghiệp sang tìm hiểu thị trường, ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư…
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ còn một số Thương vụ chưa chủ động đổi mới phương thức hoạt động theo yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới. Một số thương vụ chưa nắm bắt được cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc tận dụng những thành quả trong đàm phán về mở cửa thị trường để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp một cách kịp thời... Bộ trưởng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm của các Tham tán trong năm 2008 và giai đoạn tới là phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu; kết hợp xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư và hợp tác công nghiệp, tìm kiếm, vận động các đối tác nước ngoài tham gia phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất nguyên liệu thay thế nhập khẩu và đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ xuất khẩu; chủ động phối hợp với trong nước phát hiện nhu cầu hang hoá, khả năng thu hút đầu tư từ bên gnoài và triển khai đầu tư từ trong nước trên thị trường nước sở tại; tích cực tham gia vào công tác hoạch định chính sách thương mại với nước sở tại, đề xuất các giải pháp, kiến nghị đối với từng thị trường…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những thành tích mà ngành Công thương đạt được trong năm 2007, trong đó có hoạt động về xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng xuất khẩu năm 2007 - năm đầu gia nhập WTO đạt 22% là kết quả đáng phấn khởi, cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phát triển một cách năng động, phù hợp với xu thế đổi mới và hội nhập. Theo Thủ tướng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,5% - 9% trong năm 2008, đòi hỏi ngành Công thương phải tiếp tục có những đóng góp tích cực, trong đó có vai trò trực tiếp của các Thương vụ.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và những cơ hội chúng ta đang có được. Thủ tướng chỉ rõ việc nhiều dự án đầu tư còn tồn đọng, nhập siêu tăng, lạm phát ở mức cao…, có một phần trách nhiệm của Bộ Công thương. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ và cụ thể là các Thương vụ cần kiểm điểm nghiêm túc khi mà trong năm 2007 vừa qua chúng ta vẫn chưa khai thác tối đa mà mới chỉ tranh thủ được 10% lợi thế đàm phán gia nhập WTO, cho đây là một yếu kém cần sớm được khắc phục, tránh lãng phí cho nền kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Thời cơ đang ở trước mắt chúng ta và thời cơ không chờ đợi chúng ta. Do vậy, chúng ta phải quyết liệt tận dụng trong năm 2008 và các năm tiếp theo. Tất cả các cấp, ngành, mỗi cán bộ phải đề cao trách nhiệm với công việc, với đất nước, làm sao để tranh thủ biến thời cơ thành điều kiện thuận lợi, thành vật chất phục vụ cho phát triển”.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu một số nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Công thương nói chung, các Thương vụ nói riêng cần thực hiện. Đó là: Đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, đề xuất kịp thời các chính sách hỗ trợ xuất khẩu, biện pháp ứng phó với các rào rản kỹ thuật; Hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong xuất khẩu, mở rộng thị trường; Cải cách thủ tục hành chính; Sắp xếp lại bộ máy tổ chức các cơ quan Thương vụ, tránh chồng chéo; Nghiên cứu phương án thuê người nước ngoài làm công tác thương vụ…/.
vov
|