Thứ Sáu, 15/02/2008 06:47

Kéo lạm phát và giá nhà đất xuống!

Đó là hai vấn đề nóng cần làm ngay. Kéo lạm phát xuống, bởi lạm phát đã quá cao trong năm 2007, vẫn tiếp tục tăng cao trong năm 2008. Năm 2007 đã tăng 12,63%; tháng 1.2008 tiếp tục tăng 2,38%, nếu so với cùng kỳ - tức là tính theo năm đã lên đến 14,11%, giá tháng 2 có thể còn tăng cao hơn tháng 1.

Tăng trưởng kinh tế của nước ta cũng nhằm vào con người, nền kinh tế mà nước ta lựa chọn là nền kinh tế thị trường định hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nếu cách đây vài chục năm, mọi người cùng nghèo, lạm phát phi mã sẽ làm cho mọi người cùng bị khổ; nay giàu nghèo chênh lệch lớn, lạm phát cao sẽ làm cho người nghèo càng khổ hơn.

Nhưng kéo lạm phát xuống bằng cách nào? Không thể kéo lạm phát xuống mà lại tiếp tục đưa tiền ra mua USD, tức là đưa tiền ra lưu thông vì tiền ra lưu thông càng tăng càng tạo ra sức ép lạm phát; dù có biện pháp "trung hòa" để hút bớt tiền từ lưu thông về cũng là thực hiện sau, chậm hơn và liệu có hiệu quả nếu lãi suất huy động, lãi suất phát hành trái phiếu chẳng những không hấp dẫn mà còn thấp hơn lạm phát? Không thể kéo lạm phát xuống nếu như lại muốn bơm tiền cho thị trường chứng khoán, bởi giá chứng khoán xuống do đã và đang trở về với giá trị thực, do các đại gia chuyển tiền sang đầu tư vào vàng, vào nhà đất, bởi nếu bơm tiền ra mà thị trường chứng khoán vẫn xuống thì tiền đó hoặc sẽ chạy sang làm thành "bong bóng". Không thể kéo lạm phát xuống, nếu tốc độ tăng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng cung tiền (M2) cao gấp nhiều lần tốc độ tăng trưởng kinh tế (các nước trong khu vực, tốc độ tăng này chỉ cao gấp khoảng 2-2,5 lần tốc độ tăng GDP, còn ở ta đã 3-4 năm nay, hệ số trên lên đến 4,5 lần).

Kéo giá nhà đất xuống, bởi giá đất vốn đã cao hơn, lên đến mấy lần và đang lan từ các khu đô thị về các vùng ngoại thành, các tỉnh chung quanh để hình thành mặt bằng giá mới cao ngất ngưởng. Sự tăng lên của giá đất cộng hưởng với sự tăng lên của giá vật liệu xây dựng, giá các mặt hàng khác có liên quan đến chi phí xây dựng (vận chuyển, công xây dựng, giải phóng mặt bằng,...) làm cho giá bất động sản tăng mạnh hơn. Khi giá bất động sản tăng mạnh thì có nhiều hậu quả xảy ra:

Một, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước sẽ lại chậm, không thực hiện được tiến độ đề ra (năm 2007 các đơn vị thuộc các bộ, ngành thực hiện chỉ được 92,2% kế hoạch), nhất là các nguồn trái phiếu mà Nhà nước phải trả lãi tính ngay từ ngày đầu đi vay. Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng không chỉ tăng lên mà còn phức tạp hơn, bởi khi quyết định đền bù thì giá còn thấp nhưng chỉ sau ít ngày giá đã cao lên, nếu đền bù theo giá cũ thì các hộ gia đình không chịu, nếu đền bù theo giá mới thì các hộ cũ sẽ thắc mắc,...

Hai, chi phí thuê, mua, khấu hao nhà xưởng, cửa hàng vốn đã chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí, làm cho hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh vốn đã thấp lại càng gặp khó khăn hơn trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt với hàng ngoại nhập, khi nhập siêu năm 2007 đã lên đến mức kỷ lục (12.443 triệu USD), khi tháng 1.2008 đã lên đến 1 tỉ USD, báo hiệu sẽ lập kỷ lục mới trong năm 2008.

Ba, những người có nhu cầu thực sự về nhà ở, nhất là những người nghèo, người có thu nhập thấp, sẽ càng trở thành xa vời trước giá nhà ở cao ngất ngưởng hiện nay! Để kéo giá bất động sản xuống, nếu thực hiện việc nâng giá đất 20-30% để tính thuế như vừa qua thì chẳng khác chi là đưa thêm củi vào bếp trong khi nồi nước đang sôi. Việc đánh thuế suất lũy tiến cần phải thực hiện sớm, nếu việc nghiên cứu và thủ tục ban hành không khẩn trương (mà đối với nước ta, theo thống kê kinh nghiệm, công việc này thường chậm, kéo dài), thì việc chữa chạy thường khó khăn, tốn kém, hiệu quả thấp.

Cần có cơ chế giám sát, khống chế việc cho vay đầu tư bất động sản, giống như "Chỉ thị 03 đối với chứng khoán", nếu không giá bất động sản sẽ lại được thổi lên, bong bóng sẽ to, căng, nếu vỡ ra thì sẽ kéo theo những hậu quả khó lường, đến nước Mỹ "khổng lồ của khổng lồ" với GDP chiếm đến trên 28% của thế giới, liên tục giảm lãi suất, các ngân hàng phải bỏ ra mấy trăm tỉ USD để ứng cứu và Chính phủ Mỹ phải bỏ công quỹ 150 tỉ USD để hoàn thuế cho các hộ, các doanh nghiệp, nhưng kinh tế Mỹ vẫn đang được dự đoán là khó tránh khỏi suy thoái.

tn

Các tin tức khác

>   HSBC hợp tác với BIDV phát triển giao dịch phái sinh (14/02/2008)

>   Đẩy nhanh tiến độ soạn thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi (14/02/2008)

>   SeABank tăng mạnh lãi suất tiết kiệm (14/02/2008)

>   SHB đặt mục tiêu 650 tỷ đồng lợi nhuận (14/02/2008)

>   Vàng đứng giá, dầu phục hồi (14/02/2008)

>   Lãi suất VND căng như dây đàn (14/02/2008)

>   Ngân hàng: Đua nhau nâng lãi suất (14/02/2008)

>   Những nội dung cơ bản của Luật Thuế thu nhập cá nhân (14/02/2008)

>   FED bơm thêm 30 tỷ USD ứng phó với khủng hoảng tín dụng (13/02/2008)

>   Năm 2008 sẽ sửa đổi toàn diện các luật về thuế (13/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật