Thứ Năm, 14/02/2008 07:01

Những nội dung cơ bản của Luật Thuế thu nhập cá nhân

Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định thu nhập chịu thuế gồm: Thu nhập từ kinh doanh; Thu nhập từ tiền lương, tiền công; Thu nhập từ đầu tư vốn; Thu nhập từ chuyển nhượng vốn; Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; Thu nhập từ trúng thưởng;...

Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được QH khóa XII, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 21-11-2007 và Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 13/2007/L-CTN ngày 5-12-2007. Luật Thuế thu nhập cá nhân gồm bốn chương, 35 điều quy định về đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, giảm thuế và căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.

Theo quy định của Luật, đối tượng nộp thuế là mọi cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam.

Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định 10 loại thu nhập chịu thuế, trong đó đã loại trừ các khoản thu nhập không thuộc diện chịu thuế chủ yếu là các khoản trợ cấp, các khoản phụ cấp mang tính chất ưu đãi, khuyến khích của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách xã hội; các khoản thu nhập mang tính chất bồi thường đền bù; các khoản thu nhập mang tính chất từ thiện nhân đạo.

Theo đó, Luật quy định thu nhập chịu thuế gồm: Thu nhập từ kinh doanh; Thu nhập từ tiền lương, tiền công; Thu nhập từ đầu tư vốn; Thu nhập từ chuyển nhượng vốn; Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; Thu nhập từ trúng thưởng; Thu nhập từ bản quyền; Thu nhập từ nhượng quyền thương mại; Thu nhập từ thừa kế; Thu nhập từ quà tặng.

Bên cạnh quy định về đối tượng nộp thuế và thu nhập chịu thuế và không chịu thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng quy định cụ thể về các khoản thu nhập miễn thuế và các trường hợp được giảm thuế thu nhập cá nhân. Thu nhập được miễn thuế gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.

Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất.

Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất.

Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.

Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.

Thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao để sản xuất.

Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Thu nhập từ kiều hối.

Phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật.

Tiền lương hưu do Bảo hiểm xã hội chi trả.

Thu nhập từ học bổng, bao gồm:

- Học bổng nhận được từ ngân sách Nhà nước;

- Học bổng nhận được từ tổ chức trong nước và ngoài nước theo chương trình hỗ trợ khuyến học của tổ chức đó.

Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tiền bồi thường tai nạn lao động, khoản bồi thường nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật.

Thu nhập nhận được từ quỹ từ thiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, không nhằm mục đích lợi nhuận.

Thu nhập nhận được từ nguồn viện trợ nước ngoài vì mục đích từ thiện, nhân đạo dưới hình thức chính phủ và phi chính phủ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Ðối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh được giảm trừ vào thu nhập trước khi xác định thu nhập tính thuế các khoản sau đây: Khoản giảm trừ gia cảnh; Khoản giảm trừ cho việc đóng góp từ thiện, nhân đạo; Các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc.

Khoản giảm trừ gia cảnh là một trong những nội dung quan trọng của Luật Thuế thu nhập cá nhân, quy định cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh sẽ được trừ vào thu nhập trước khi tính thuế khoản giảm trừ gia cảnh cho bản thân và cho những người phụ thuộc phải nuôi dưỡng. Cụ thể như sau: Mức giảm trừ cho đối tượng nộp thuế là bốn triệu đồng/tháng; Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.

Cũng theo quy định về giảm trừ gia cảnh, người được xác định là người phụ thuộc của đối tượng nộp thuế là: Con chưa thành niên, con bị tàn tật hoặc không có khả năng lao động.

Các cá nhân khác không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định, bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.

Luật quy định biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công. Theo đó tỷ lệ điều tiết thuế được tăng dần từ bậc thu nhập bậc 1 đến bậc thu nhập thứ 7, với mức thuế suất áp dụng cho thu nhập bậc 1 là 5% và bậc thu nhập cao nhất là 35%.

Biểu thuế toàn phần áp dụng đối với từng loại thu nhập chịu thuế còn lại.

Ðối với cá nhân không cư trú, Luật quy định cá nhân không cư trú chỉ chịu thuế đối với những thu nhập phát sinh tại Việt Nam và việc nộp thuế chủ yếu được thực hiện theo phương pháp khấu trừ thuế tại nguồn.

Về quản lý thuế, luật quy định việc đăng ký thuế, kê khai, khấu trừ thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế, xử lý vi phạm pháp luật về thuế và các biện pháp quản lý thuế được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2009. Khi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thì các văn bản sau đây sẽ bị bãi bỏ: Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao số 35/2001/PL-UBTVQH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 14/2004/PL-UBTVQH11; Luật Thuế chuyển quyền sử dụng đất ban hành ngày 22-6-1994 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/1999/QH10; Quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cá nhân sản xuất, kinh doanh không bao gồm doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 09/2003/QH11; Các quy định khác về thuế đối với thu nhập của cá nhân trái với quy định của Luật này.

Ðối với những khoản thu nhập của cá nhân được ưu đãi về thuế quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được hưởng ưu đãi.

nd

Các tin tức khác

>   FED bơm thêm 30 tỷ USD ứng phó với khủng hoảng tín dụng (13/02/2008)

>   Năm 2008 sẽ sửa đổi toàn diện các luật về thuế (13/02/2008)

>   Chính phủ yêu cầu công bố lộ trình giảm thuế ôtô (13/02/2008)

>   Vàng giảm 20.000 đồng mỗi chỉ (13/02/2008)

>   Techcombank tăng lãi suất tiết kiệm VND (12/02/2008)

>   Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ thăm Việt Nam (12/02/2008)

>   Vàng sẽ là công cụ đầu tư hấp dẫn? (12/02/2008)

>   “Hậu” Tết, giá vẫn “leo thang” (12/02/2008)

>   Vàng và dầu vẫn nằm trên mức giá cao (12/02/2008)

>   Xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 25% (12/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật