Hơn 100 tỷ đồng đào tạo luật sư đẳng cấp quốc tế
Bộ Tư pháp vừa trình lên Chính phủ Đề án đào tạo cấp tốc luật sư và chuyên gia pháp luật phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đề xuất, đề án này cần tới 6,809 triệu USD tương đương 108,9 tỷ đồng để đào tạo 50 luật sư và 50 chuyên gia pháp luật có đẳng cấp quốc tế.
Theo đề án, căn cứ trên nhu cầu sử dụng đã được khảo sát, từ 2008-2010 đề án đặt ra mục tiêu sẽ đào tạo gấp rút 100 luật sư và chuyên gia pháp luật am hiểu pháp luật và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, giỏi kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế, có khả năng được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư của các nước đã được đào tạo.
Sau khi đào tạo, các luật sư và chuyên gia pháp luật sẽ được sử dụng và tư vấn trong những dự án lớn của Chính phủ. DN tham gia tranh tụng quốc tế để bảo vệ lợi ích của phía Việt Nam. Đây cũng được xác định là nòng cốt để từng bước hình thành và phát triển đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp luật đạt tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam.
Theo Bộ Tư pháp, các học viên tham gia chương trình này sẽ phải vượt qua các kỳ tuyển chọn và gửi đi đào tạo nghề luật sư tại các cơ sở đào tạo nghề Anh, Mỹ và Úc và thực hành nghề nghiệp tại các hãng luật quốc tế của nước này. Các học viên sẽ trải qua hai giai đoạn là: là đào tạo tại các trường học và thực hành tại các công ty luật từ 3-12 tháng.
Đối với những người đã qua đào tạo luật sư hoặc có bằng thạc sỹ luật học của các nước trên thì có thể xem xét gửi đi ngay để thực hành nghề nghiệp tại các công ty luật nước này. Đối với người chưa qua đào tạo thì sẽ được cho đi học và sau đó thực hành nghề tại các hãng luật quốc tế.
Theo Bộ Tư pháp, việc lựa chọn Anh, Mỹ và Úc đề đạo các luật sư vì đây là nơi có nghề luật sư và dịch vụ phát triển, có các hãng luật lớn đứng đầu thế giới, sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh thông dụng trong thương mại quốc tế. Pháp luật của các nước này thường được thừa nhận như chuẩn mực của các giao dịch thương mại quốc tế.
Sau khi đào tạo về nước, các luật sư vẫn có thể tiếp tục làm việc tại các công ty luật, các tổ chức trước đây mà minh tham gia, nhưng Bộ Tư pháp sẽ quản lý và các luật sư sẽ có trách nhiệm thực hiện các công việc của Chính phủ và doanh nghiệp theo yêu cầu như đã cam kết. Các chuyên gia pháp luật sẽ tiếp tục làm việc trong các cơ quan tổ chức và tham gia các công việc khi Nhà nước cần. Các học sinh - sinh viên sẽ được đặc cách tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước.
Theo Bộ Tư pháp, việc đạo tạo các luật sư đẳng cấp quốc tế là vấn đề cấp thiết. Việc Việt Nam tham gia WTO đã đặt DN và các cơ quan nhà nước trước sức ép cạnh tranh gay gắt. Trong đó, sẽ xảy ra rất nhiều tranh chấp pháp lý quốc tế và các vấn đề liên quan đến pháp luật thương mại quốc tế. Trong khi đó, chúng ta còn thiếu một đội ngũ luật sư giỏi, thông thạo pháp luật quốc tế và ngoại ngữ để tư vấn cho Nhà nước, DN và tham gia giải quyết các tranh chấp, dẫn đến thua thiệt trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế.
Để hạn chế các rủi ro pháp lý có thể phát sinh thì việc hình thành một nhóm chuyên gia pháp luật và luật sư có trình độ quốc tế tham gia giải quyết tranh chấp thương mại, tư vấn đàm phán, hỗ trợ kinh doanh là cần thiết. Trong 2-3 năm trước mắt sẽ phải cấp tốc đào tạo được nhóm chuyên gia như thế.
VNN
|