Thứ Bảy, 23/02/2008 08:37

Doanh nghiệp bất động sản kêu cứu!

Sáng 22-2, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cùng các sở ngành đã đối thoại với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thuộc Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - Horea. Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh thị trường địa ốc đã đột ngột chựng lại.

Nóng nhất vẫn là câu chuyện ngân hàng (NH) siết tín dụng với bất động sản.

Thị trường bất động sản: "lành ít dữ nhiều"

Phó chủ tịch Horea Lê Hoàng Châu cho biết hiện tại không chỉ người kinh doanh nhà đất mà cả doanh nghiệp (DN), người mua nhà ở thật sự cũng khó vay tiền NH. Hiện lãi suất cho vay ở một số NH tăng lên 1,4-1,6%/tháng nhưng các hợp đồng đã ký kết trước đó hoặc hứa cho vay đều bị hủy vội vàng. Với tình hình này, các DN bất động sản trong nước sẽ không cạnh tranh lại các DN nước ngoài vì họ vay lãi suất thấp hơn.

Ông Nguyễn Phụng Thiều, giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn - Gia Định, lo lắng dự án chung cư ở phường Thới An, Q.12 dành cho người thu nhập thấp đã được khách hàng đặt mua, NH bảo lãnh cho vay vốn. Nhưng gần đây NH rút lại bảo lãnh, không cho vay nữa. Theo ông, không nên "vì con chuột mà ném vỡ lọ hoa". Một số DN khác cũng băn khoăn quyết sách đột ngột này sẽ khiến DN kinh doanh địa ốc điêu đứng, trong khi phần lớn DN địa ốc trong nước đều có qui mô vừa và nhỏ. Không khéo các dự án không triển khai được, thị trường địa ốc "đóng băng", nguy hiểm cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Khởi, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà, đề nghị các cơ quan chức năng cứu thị trường bất động sản, không "đóng băng" nguồn lưu thông tài chính đối với ngành này. Nếu không nhiều khả năng trong năm nay ngành địa ốc sẽ "lành ít dữ nhiều".

Thủ tục vẫn nhiêu khê

Tiến độ đền bù, thủ tục hành chính cũng được nhiều DN đặt ra trong buổi đối thoại. Ông Nguyễn Cảnh Hà, giám đốc Công ty cổ phần địa ốc An Thiên Lý, nêu thực tế: công ty ông được giao đất làm dự án tại Q.9 và đã đền bù 99%. Nhưng nhiều năm qua con số 1% vẫn giậm chân tại chỗ. "Hiện DN thì "đàm", còn dân thì "phán". Nếu không giải quyết được tình trạng này thì các dự án sẽ thành da beo, còn đường đi thì thành chữ A, chữ E chứ không được ngay thẳng" - ông Hà lên tiếng.

Phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực tiếp tục kêu về thủ tục hành chính khi làm dự án. Ông liệt kê để làm dự án mất 2-3 năm cho khâu đền bù giải tỏa, rồi thỏa thuận qui hoạch, duyệt dự án... tổng cộng 5-6 năm. Riêng khâu thỏa thuận qui hoạch, ngoài thỏa thuận qui hoạch ở quận huyện còn phải thỏa thuận ở cấp sở. Làm sao DN chịu được "đoạn trường" với ngần ấy thời gian mới thu tiền lại được. Ông đề nghị bỏ các qui định kìm hãm sự phát triển thị trường địa ốc.

Còn ông Khởi dẫn chứng dự án khu dân cư Bình Hòa (quận Bình Thạnh) triển khai từ năm 1993, công ty ông đã đóng tiền sử dụng đất đầy đủ, nhà xây gần 80% nhưng đến nay chưa được cấp sổ đỏ. Lý do là cơ quan chức năng đang điều chỉnh qui hoạch khu vực xung quanh.

Bị kêu nhiều nhất: Sở Qui hoạch - kiến trúc

Dù bị kêu nhiều nhất nhưng phần trả lời của đại diện Sở Qui hoạch - kiến trúc TP chưa làm DN hài lòng. Ông Trần Chí Dũng, phó giám đốc sở, phân trần sở đang quá tải do công việc quá nhiều, qui định thường xuyên thay đổi. Tuy nhiên sở sẽ tập trung giải quyết tốt yêu cầu.

Theo ông Nguyễn Hữu Tín, công tác qui hoạch chưa đáp ứng mong mỏi của nhà đầu tư, trong khi đây là vấn đề bức bách, cần minh bạch, công khai thông tin. Có ý kiến còn nói là để nâng một tầng cao phải chi bao nhiêu tiền. Không loại trừ khả năng cán bộ tạo ra cơ chế xin - cho để tiêu cực. Ông Tín yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ qui hoạch và công khai cho mọi người biết để tính toán, định hướng đầu tư chứ không thể làm theo cảm tính.

Ông Nguyễn Hữu Tín cho biết dự kiến đầu tháng ba tới sẽ ban hành qui định giao, thuê đất mới. Qui định này sẽ thông thoáng hơn ở "đầu vào" nhưng đồng thời nghiêm khắc hơn trong chế tài đối với doanh nghiệp làm sai qui định.

Nên thống nhất mẫu hợp đồng mua bán nhà ở

Ông Nguyễn Văn Hiệp - phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - kiến nghị Horea nên thống nhất mẫu hợp đồng mua bán nhà ở qui định rõ chất lượng nhà ở, mẫu nhà… nhằm bảo vệ chủ đầu tư và khách hàng. Cũng theo ông Hiệp, hiện có nhiều DN, kể cả DN nhà nước, đã bán nhà từ lâu nhưng không làm thủ tục cấp giấy chủ quyền. "Với vai trò của mình, hiệp hội cần thúc đẩy chuyện này để đảm bảo quyền lợi của người mua" - ông đề xuất.

tt

Các tin tức khác

>   Đóng tàu chở dầu 105.000 tấn (23/02/2008)

>   VNA tăng 20-30% giá vé các chặng bay ngắn (23/02/2008)

>   Lắp đồng hồ đếm ngược tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất (23/02/2008)

>   Các doanh nghiệp phải tập trung giải ngân nhanh các dự án! (23/02/2008)

>   Đà Nẵng học được gì qua 20 năm thu hút vốn FDI? (23/02/2008)

>   Thái Lan muốn phối hợp với Việt Nam để thống nhất giá gạo XK (22/02/2008)

>   Bianfishco: Sẽ xây dựng Viện nghiên cứu Pangasius Bianfisco Việt Nam (23/02/2008)

>   Việt Nam liên kết sâu rộng với mạng lưới sản xuất trong khu vực (23/02/2008)

>   Tcty Du lịch Hà Nội: nâng năng lực kinh doanh lên 700 phòng (23/02/2008)

>   Hiệp hội Doanh nghiệp Cộng hòa Séc tìm hiểu môi trường đầu tư ở Bình Dương (22/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật