Thứ Bảy, 23/02/2008 08:10

Đà Nẵng học được gì qua 20 năm thu hút vốn FDI?

- Sau 10 năm đầu vấp phải nhiều dự án công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm..., nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đà Nẵng 10 năm gần đây đã chuyển biến đáng kể!

10 năm chập chững với bài học ô nhiễm, lạc hậu...

Năm 2007, Đà Nẵng thu hút 803,5 triệu USD vốn FDI với 24 dự án cấp mới và 4 dự án tăng vốn, so với năm 2006 tăng 26,3% về số dự án và 82,5% về số vốn. Như vậy đến nay TP đã có 121 dự án FDI với tổng vốn 1,75 tỷ USD. Tuy nhiên, để có được kết quả đó, Đà Nẵng cũng đã nếm trải không ít trái đắng, nhất là ở thời kỳ đầu chập chững làm quen với thu hút vốn FDI.

4 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực từ tháng 12/1987, tỉnh QN-ĐN mới thu hút được 4 dự án với tổng vốn đầu tư gần 3,2 triệu USD, chủ yếu từ Liên Xô (cũ). Đến năm 1996, QN-ĐN có 42 dự án FDI được cấp phép với tổng vốn 405,7 triệu USD.

“Thành tựu mà đầu tư nước ngoài mang lại cho QN-ĐN trong 10 năm đầu là không thể phủ nhận, nhưng cũng bộc lộ không ít hạn chế do đây là lĩnh vực tương đối mới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư nước ngoài của VN chưa được hoàn chỉnh!” - ông Trương Hào, một trong những cán bộ có thâm niên lâu năm nhất ở QN-ĐN trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại nhớ lại.

Do thiếu kinh nghiệm nên tỉnh đã để nhiều nhà đầu tư nước ngoài (chủ yếu là Đài Loan) tranh thủ đưa vào các dự án công nghệ đơn giản, lạc hậu, chủ yếu tận dụng lực lượng lao động giá rẻ tại chỗ (Công ty Wei Xern Sin Industrial Đà Nẵng). Không ít dự án gây ô nhiễm môi trường kéo dài, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, môi trường sinh thái và cuộc sống của người dân.

Ở nhiều dự án, đối tác nước ngoài khi tham gia góp vốn với đối tác VN đã không triển khai theo cam kết trong hợp đồng liên doanh. Như đưa công nghệ cũ, lạc hậu sang VN góp vốn nhưng lại đẩy giá lên cao... dẫn đến xảy ra tranh chấp khiến dự án không thực hiện được (Công ty liên doanh Việt Xuân, Biopharm AFS, Vietenerrgo…). Đặc biệt, có đến 30% số dự án đầu tư đăng ký để chiếm đất ở các vị trí quan trọng song không có khả năng hoặc chỉ đăng ký rồi không triển khai (như ôtô Nissan, quần thể du lịch quốc tế ITC, khách sạn Tourane 74 Bạch Đằng…). 

10 năm vượt khủng hoảng, khẳng định vị thế

Năm 1997, Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc TƯ thì cũng bắt đầu thời kỳ vốn FDI vào VN có xu hướng giảm, một phần do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á, mặt khác nền kinh tế ASEAN sau thời gian tăng tốc “nóng” đã có dấu hiệu suy thoái do phát triển mất cân đối, đẩy mạnh xuất khẩu dựa vào nguồn lực từ bên ngoài.

Tuy nhiên, từ năm 2000, đầu tư trực tiếp nước ngoài có dấu hiệu khôi phục. Theo Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, trong 10 năm 1997-2007, TP thu hút 104 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1,576 tỷ USD. Chất lượng dự án cũng nâng lên theo hướng sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao trong xuất khẩu. Số dự án được cấp phép mới tăng liên tục tăng qua các năm với tốc độ trung bình là 39,59%/năm, cao hơn tốc độ tăng chung của cả nước (33,7%/ năm). Luỹ kế vốn FDI thực hiện đến cuối năm 2007 đạt 715 triệu USD.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, kết quả này thể hiện tính tích cực trong chỉ đạo, đổi mới cơ chế và vận dụng linh hoạt để đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại. Cụ thể là tổ chức lại các mối quan hệ đối ngoại nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư; như kết nghĩa với các TP lớn của Nga, Nhật, Mỹ, Úc…; quảng bá, xúc tiến, lập dự án gọi vốn gửi đến các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nước ngoài. Việc mở văn phòng đại diện Đà Nẵng tại Nhật cũng tạo thuận lợi lớn trong thu hút vốn FDI.

“Đầu tư vào Đà Nẵng được mở rộng theo hướng đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế. Sự hợp tác đã góp phần tạo vị thế của TP trên trường quốc tế, có quan hệ kinh tế và đối ngoại với gần 80 quốc gia, vùng lãnh thổ; đồng thời tập trung vào các đối tác có tiềm lực tài chính, kỹ thuật, công nghệ cao, có uy tín và kinh nghiệm như ITG (Mỹ), Vinacapital, Indochinacapital, Mabuchi, Metro, Big C…” - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh nhấn mạnh.

Tuy vậy ông cũng thừa nhận, việc triển khai các dự án FDI còn chậm; dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ nguồn còn ít. Các đối tác châu Âu và Hoa Kỳ đầu tư chưa lớn, chưa tương xứng tiềm năng. Vẫn còn một số nhà đầu tư đăng ký để chiếm vị trí mà chậm triển khai. Tỷ lệ các dự án giải thể trước thời hạn vẫn ở mức cao, nhất là các dự án cấp phép trong 10 năm trước. Nhiều dự án bất động sản giẫm chân tại chỗ do vướng cơ chế, chính sách. Một số dự án gặp vướng mắc kéo dài chưa được xử lý dứt điểm gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư. Kết quả là chênh lệch giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện còn lớn; vốn thực hiện chưa cao...

Và lại thêm những bài học mới

“Chủ trương phân cấp đầu tư thời gian qua cho thấy đây là chính sách đúng đắn, cần được phát huy và mở rộng, nhưng cũng đã bộc lộ những vấn đề mới, như việc quản lý về đầu tư nước ngoài tại các địa phương còn khác nhau, không được xử lý một cách thống nhất, cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các địa phương đã ảnh hưởng tới lợi ích chung!” - ông Trần Văn Minh nhấn mạnh.

Theo ông, việc tạo thuận lợi trong thu hút vốn FDI không chỉ ở một khâu mà ở tất cả các khâu, các bước của quá trình đầu tư, từ tìm kiếm xúc tiến đến thủ tục lập hồ sơ, thẩm tra cấp giấy chứng nhận và sau đó là triển khai hoạt động dự án. Vì vậy đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan trực tiếp như tài chính, thuế, địa chính, công nghiệp, xây dựng, du lịch... Tránh tình trạng các cơ quan chức năng thiếu sự phối hợp và ý kiến khác nhau khi tiếp nhận dự án.

Qua kinh nghiệm của Đà Nẵng, ông Trần Văn Minh cho rằng, cần thực hiện đồng bộ và nhất quán cơ chế đầu tư, kết hợp giữa đầu tư trong nước với FDI, ODA và các nguồn viện trợ khác. Nguồn viện trợ ODA để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển các dịch vụ phục vụ thu hút FDI là cách làm rất có hiệu quả. Các nguồn ODA và vốn viện trợ khác thường lớn và là nguồn mà TP được quyền sử dụng vào các mục đích cụ thể. Trong khi nguồn vốn từ ngân sách có hạn, TP cần quyết định cơ sở hạ tầng nào được ưu tiên đẩy mạnh đầu tư để thực hiện mục tiêu đề ra.

Chính sách khuyến khích cần thực hiện đồng bộ, kết hợp đầu tư trong nước và FDI để tạo thuận lợi trong việc tìm kiếm đối tác. Đầu tư trong nước là nguồn nội lực quan trọng, có vai trò lớn trong tăng việc làm và thu nhập cho người lao động. Nguồn vốn FDI bổ sung một phần quan trọng cho công cuộc phát triển đất nước. Vì vậy cần liên kết đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh năng lực trong nước, đồng thời sử dụng có hiệu quả hơn nguồn vốn FDI.

Một vấn đề cơ bản nữa, theo ông Minh, chính là đội ngũ cán bộ: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài không còn là lĩnh vực mới mẻ, song kiến thức và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ nhìn chung chưa cao. Từ thực tế công tác này trong thời gian qua đã chỉ rõ sự yếu kém của một số cán bộ làm công tác kinh tế đối ngoại, sự giới hạn về am hiểu luật lệ trong nước và quốc tế, những định chế của từng quốc gia và nhất là năng lực các chức vụ chủ chốt trong liên doanh!“

vnn

Các tin tức khác

>   Thái Lan muốn phối hợp với Việt Nam để thống nhất giá gạo XK (22/02/2008)

>   Bianfishco: Sẽ xây dựng Viện nghiên cứu Pangasius Bianfisco Việt Nam (23/02/2008)

>   Việt Nam liên kết sâu rộng với mạng lưới sản xuất trong khu vực (23/02/2008)

>   Tcty Du lịch Hà Nội: nâng năng lực kinh doanh lên 700 phòng (23/02/2008)

>   Hiệp hội Doanh nghiệp Cộng hòa Séc tìm hiểu môi trường đầu tư ở Bình Dương (22/02/2008)

>   VDC xin cấp chứng minh thư số quản lý Internet công cộng (22/02/2008)

>   Bất động sản Hà Nội: Cung thấp cầu cao! (22/02/2008)

>   Đức liên doanh xây nhà máy xi măng tại Quảng Trị (22/02/2008)

>   Nhiều doanh nghiệp xúc tiến đầu tư ra nước ngoài (22/02/2008)

>   Cạnh tranh bằng chăm sóc niềm tin (22/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật