Đăng ký kinh doanh chỉ năm ngày
Sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp vì chỉ cần khai một hồ sơ mà thôi.
Ông Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết kể từ ngày 1-4-2008, các tỉnh, thành sẽ thực hiện giải quyết đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp trong thời hạn năm ngày làm việc. Kèm trong năm ngày đó, doanh nghiệp còn được cả phần đăng ký thuế, được giảm số tờ khai và không cần mã số đăng ký kinh doanh.
Gộp hai hồ sơ thành một
Hiện nay, theo quy định, cơ quan đăng ký kinh doanh giải quyết hồ sơ, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong mười ngày. Sau đó, doanh nghiệp còn phải tự đến cơ quan thuế và công an để làm thủ tục đăng ký thuế, đăng ký dấu.
Khi áp dụng đăng ký kinh doanh trong năm ngày thì ngoài việc được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh doanh nghiệp còn được cả mã số thuế, ông Trung cho biết. Ngoài ra, sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp vì chỉ cần khai một hồ sơ mà thôi. Theo quy trình bình thường thì doanh nghiệp khai hồ sơ đăng ký kinh doanh ở Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì phải sang Cục Thuế để khai hồ sơ đề nghị cấp mã số thuế. Nếu tỉnh, thành nào áp dụng “một cửa liên thông” thì doanh nghiệp khai luôn một lúc hai hồ sơ này, nộp một lúc tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Trung cho rằng mô hình “một cửa liên thông” đã tạo thuận lợi về thời gian đi lại, chờ đợi cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp vẫn phải khai nhiều hồ sơ. Nếu đăng ký rút gọn năm ngày thì doanh nghiệp chỉ cần khai một hồ sơ “gộp” của đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế. Ông cho biết hồ sơ “gộp” này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Tổng cục Thuế tính toán để “tinh giản” thông tin.
Mã số thuế “ưu việt” hơn
Từ 1-4-2008, khi thời hạn đăng ký kinh doanh giảm xuống còn năm ngày thì cũng không còn “mã số đăng ký kinh doanh”, “mã số thuế” mà chỉ có một mã là “mã số doanh nghiệp”. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng đang tính toán nhân lực, cơ sở vật chất, quy trình xử lý hồ sơ. Tuy nhiên, lấn cấn của Sở hiện nay là chưa rõ quá trình cấp mã số này như thế nào.
Hiện nay, quy trình xử lý hồ sơ đăng ký kinh doanh đều có phần mềm hỗ trợ. Hệ thống này sẽ “ra” mã số đăng ký kinh doanh tùy theo thông tin về doanh nghiệp được nhập vào máy (ví dụ: công ty cổ phần có ký hiệu khác công ty TNHH). Nếu bỏ mã số đăng ký kinh doanh, áp mã số thuế thì việc lưu chuyển thông tin như thế nào, cơ quan thuế hay cơ quan đăng ký kinh doanh giải quyết phần mã số... đều chưa rõ. Việc này còn đang chờ thông tư hướng dẫn cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Trung cho biết trước mắt sẽ bỏ mã số đăng ký kinh doanh (gồm 10 chữ số), dùng mã số thuế (gồm 13 chữ số) để làm mã số doanh nghiệp.
Ông Phạm Duy Khương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết đây là xu hướng chung, ngay cả số chứng minh nhân dân cũng sẽ dần thay bằng mã số thuế cá nhân. Hiệu quả quản lý cuối cùng là quản lý thuế nên việc bỏ mã số đăng ký kinh doanh, dùng mã số thuế là tất nhiên. Theo ông Khương, mã số thuế là một hệ thống khoa học, nhìn vào đó có thể biết loại hình doanh nghiệp, công ty chính, chi nhánh hay văn phòng, ngành nghề kinh doanh, vùng miền... biết tất tật! Vì vậy mà dùng mã số thuế rất thuận lợi.
Liệu có nở rộ “doanh nghiệp ma”?
Việc để người đăng ký kinh doanh tự khai, tự chịu trách nhiệm sẽ giúp thông thoáng quá trình giải quyết hồ sơ. Tuy nhiên, liệu có nở rộ doanh nghiệp “ma”, đăng ký kinh doanh xong chỉ để lấy hóa đơn thuế rồi bán ra thị trường?
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho rằng “ma” hay không “ma” thì thời nào cũng có chứ không cần đăng ký nhanh hay chậm! Nếu đã có ý “ma” thì cơ quan đăng ký kinh doanh cũng không tìm ra sơ hở. Khi xem lại hồ sơ đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp này cũng không thấy có dấu hiệu “đáng ngờ” gì. “Nếu đã có ý vi phạm thì người vi phạm không cần nhanh, thực tế thì những người có nhu cầu hoạt động thực sự mới cần giải quyết đăng ký nhanh để kịp cơ hội kinh doanh”. Do đó, việc rút thời hạn xuống còn năm ngày sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian.
Pháp luật TP.HCM
|