Đắk Nông sẽ là vùng kinh tế năng động nhất Tây nguyên
Sau 4 năm tái lập (1/2004-1/2008), tỉnh Đắk Nông đang vươn lên mạnh mẽ với mục tiêu trở thành một trong những vùng kinh tế năng động nhất Tây Nguyên, chỉ sau 10-15 năm nữa.
Xuất phát là một tỉnh nghèo, thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đăk Nông năm sau luôn cao hơn năm trước và đều đạt mức trên 10%, vượt khá xa mức trung bình của cả nước. Con số này năm 2008 dự kiến ở mức 16%.
Trữ lượng tài nguyên, khoáng sản là một tiềm năng nổi trội của mảnh đất này, đặc biệt là quặng bôxít được đánh giá là có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á. Một nghiên cứu do Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam phối hợp với Tập đoàn BHP Billiton (Ôxtrâylia) tiến hành đã cho thấy quặng bôxít được phân bổ trên diện tích gần 2.000km2, chiếm gần 1/3 diện tích của Đắk Nông, với trữ lượng hơn 5,4 tỷ tấn. Ngoài ra, tại đây còn có các mỏ đá quý safia, mỏ vàng với trữ lượng có thể cho khai thác lâu dài.
Trong 4 năm qua, đã có hàng chục đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu và khảo sát khai thác quặng bôxít tại Đắk Nông; trong đó, ngoài BHP Billiton, còn có nhiều tập đòan nước ngoài mạnh về tài chính và kinh nghiệm khai thác quặng như Công ty cổ phần Nhôm ChalCo (Trung Quốc), tập đoàn AICoa (Mỹ).
Một lợi thế khác, theo Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Đức Yến, là vị trí địa lý rất thuận lợi. Đắk Nông nằm tiếp giáp với các trung tâm kinh tế lớn, có 3 tuyến quốc lộ đi qua, nối liền với Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía tây của Đắk Nông tiếp giáp với Campuchia.
Bản sắc văn hóa đặc sắc của 400.000 cư dân nơi đây với 31 dân tộc khác nhau cũng là nét hấp dẫn riêng của Đắk Nông, nhất là đối với khách du lịch.
Hơn thế nữa, đất đai màu mỡ và độ che phủ rừng cao với nhiều loại gỗ quý đã biến Đăk Nông thành nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào cho các ngành công nghiệp chế biến gỗ, nông sản - một lý do quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư.
Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 200 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn trên 3.000 tỷ đồng. Trong số này, các dự án về nông, lâm nghiệp chiếm đa số. Tuy nhiên, trong tổng số trên 500 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Đắk Nông, mới chỉ cón 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - con số khá khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh này.
Ngoài lợi thế tự nhiên, là một tỉnh Tây Nguyên, thời gian qua, Đắk Nông luôn được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước nhằm khuyến khích phát triển kinh tế-xã hội như chính sách tín dụng, hỗ trợ đất sản xuất, định canh, định cư, khuyến nông, giáo dục, y tế, trợ giá.
Về phía địa phương, UBND tỉnh cũng áp dụng nhiều chính sách ưu đãi vượt trội cho nhà đầu tư, đặc biệt về đất đai và thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, các dự án đầu tư sẽ được áp dụng khung giá đất thấp nhất theo quy định, hoặc được miễn tiền thuê đất ít nhất là 15 năm, có dự án được miễn trong toàn bộ thời gian thực hiện. Tỉnh cũng hỗ trợ toàn bộ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và một phần kinh phí đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; cùng với những hỗ trợ xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin miễn phí và việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư.
Đăk Nông cũng đang triển khai kế hoạch xây dựng chiến lược nguồn nhân lực lâu dài nhằm khắc phục yếu điểm về sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật ở cơ sở, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa; và mặt bằng dân trí thấp gây khó khăn cho quá trình chuyển giao công nghệ./.
TTXVN
|