Chủ đầu tư lao đao trước “bão giá” vật tư
Đầu tháng 2, ngay khi giá phôi thép nhập khẩu tăng thêm 20%, hàng loạt mặt hàng vật liệu xây dựng (VLXD) cũng ào ạt tăng theo. Hệ lụy của đợt tăng giá ngay sau Tết Mậu Tý đã khiến nhiều công trình đang xây dựng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Giá tăng chóng mặt
Theo Hiệp hội Xây dựng TPHCM, giá cả một số loại VLXD như thép, gạch, cát… hiện đã bắt đầu tăng thêm 15%-20%, kéo theo chi phí xây dựng tăng thêm 20%. Giống với đợt tăng giá những tháng cuối năm 2007, lần này cũng chính giá thép làm đầu tàu kéo các mặt hàng VLXD khác “noi theo” tăng giá.
Bước sang những ngày đầu tháng 2, hàng loạt doanh nghiệp (DN) thép đã công khai điều chỉnh giá với mức tăng khá “ấn tượng”. Mở đầu, Vina Kyoei thông báo điều chỉnh giá mới áp dụng cho nhà phân phối giao hàng tại nhà máy ở mức 13,56-13,58 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn lẫn cây, tăng từ 630.000-1.050.000 đồng/tấn so với tháng 1 (chưa bao gồm thuế).
Cùng lúc, Pomina tăng giá bán thêm 800.000-1.038.000 đồng/tấn. Tương tự, Công ty Gang thép Thái Nguyên cũng điều chỉnh giá lên 13,33-13,62 triệu đồng/tấn, tăng 1,7-1,799 triệu đồng/tấn so với trước đó.
Trong đợt điều chỉnh giá lần này còn có sự góp mặt của Tổng Công ty Thép VN (VSC). Nếu như các lần trước, VSC gần như án binh bất động mỗi lần các DN thép tăng giá nhằm kiềm chế mặt bằng giá trên thị trường, thì đợt này đành để chi nhánh phía Nam tăng thêm 550.000-800.000 đồng/tấn. Mặc dù liên tục điều chỉnh tăng nhưng đến thời điểm này giá thép xuất xưởng tại nhà máy của các DN trực thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vẫn chưa vượt ngưỡng 14 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, theo ghi nhận trên thị trường, giá thép đã vọt lên 16 triệu đến trên 17 triệu đồng/tấn, tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Giải thích về vấn này, VSA và các DN thép đều cho rằng, nguyên nhân là do giá nhập khẩu phôi thép tăng cao (hiện ở mức 740-745 USD/tấn), trong khi sản xuất trong nước phụ thuộc tới 70% nguồn nhập khẩu. Mặt khác, sức tiêu thụ thép trong hai tháng vừa qua tăng khá mạnh (khoảng 350.000 tấn). Bên cạnh đó, còn xuất hiện tình trạng đại lý ghim hàng chờ giá tăng cao hơn mới chịu bán, làm nguồn cung khan hiếm và giá cả tăng cao.
Ngoài giá thép tăng, các VLXD khác như gạch ống cũng tăng lên 1.500 đồng/viên so giá 700 đồng/viên hồi giữa năm ngoái, cát tăng gần gấp đôi với giá hiện vào khoảng 170.000 đồng/m³… Một số nhà cung cấp giải thích rằng, VLXD tăng giá vì giá thành sản xuất bị đội lên do nguyên liệu, chi phí vận chuyển và nhân công tăng..., mà sâu xa là do tác động từ việc giá xăng dầu tăng hồi cuối năm ngoái.
Chủ đầu tư lao đao
Những ngày vừa qua, VLXD tăng vùn vụt đã làm hàng loạt công trình bị ngưng trệ do phải thay đổi thiết kế, chi phí phát sinh… Khác với các đợt tăng giá năm 2007, nhiều nhà thầu phải lao đao khi nhận bao thầu công trình.
Đợt tăng giá lần này, phần đông chủ đầu tư nơm nớp lo âu vì phải chịu phần vật tư còn nhà thầu chỉ nhận phần thi công. Riêng nhà thầu nào nhận bao thầu cũng đã có sẵn phương án đối phó khi giá VLXD tiếp tục tăng.
Anh Phan Đức Bình, ngụ phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM đang đứng bên căn nhà vừa xây tới phần móng cho hay, trước tết hai vợ chồng lên kế hoạch và tiến hành xây dựng căn nhà có diện tích đất 4,5x18m2 gồm 2 lầu, 1 lửng, dự kiến chi phí khoảng trên dưới 500 triệu đồng, trong đó vay ngân hàng gần 50%.
Nhưng sau tết với giá VLXD tăng liên tục, tính lại thấy phát sinh thêm khoảng 200 triệu đồng nên vợ chồng anh quyết định chỉ xây tầng trệt, sau đó lợp tôn ở tạm, khi nào có điều kiện sẽ xây tiếp.
“Giá vật tư tăng đột ngột quá, chỉ xây phần móng và tầng trệt không cũng ngót nghét gần 300 triệu đồng. Thôi thì xây đến đâu ở đến đó, chứ giờ mà đi vay thêm thì chắc hết đời tôi cũng không trả nổi, mà đâu phải cứ vay là có tiền liền”, anh Bình nhìn công trình đang xây dở dang thở dài ngao ngán.
Tương tự, phần đông chủ công trình nhà ở tư nhân đang hoặc có dự định xây dựng đều phải “tinh giản” một số hạng mục dự kiến ban đầu hay “treo” công trình lại vì bể kế hoạch khi giá VLXD ngùn ngụt tăng.
Đối với các công trình lớn, các nhà đầu tư cũng như đang ngồi trên đống lửa. Ông Nguyễn Thanh Huy, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hùng, quận Tân Bình cho biết, chỉ riêng đợt tăng giá lần này, chung cư mà công ty ông đang xây phải tốn thêm ít nhất cũng khoảng 15 tỷ đồng.
“Do áp lực tiến độ giao nhà cho khách hàng nên có lỗ chúng tôi cũng phải tiếp tục xây dựng. Có điều, nếu giá VLXD cứ tăng theo đà này thì chúng tôi phải ngưng các dự án sắp triển khai, vì đầu tư xây dựng thì phá sản là cái chắc”, ông Huy thất vọng nói.
Ông Bùi Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế-Xây dựng Quang Minh (quận 12) cho biết, hiện DN đang thỏa thuận với 3 chủ đầu tư để thi công thêm công trình chung cư. Nhưng để tránh rơi vào bị động như năm ngoái, DN chỉ thỏa thuận phần thi công, còn vật tư thì tùy theo từng công trình, thời điểm nhằm tránh rủi ro về sau khi giá VLXD tiếp tục tăng.
sggp
|