Thứ Tư, 20/02/2008 09:34

Chống lạm phát: Phải "cầm cương" chính sách tiền tệ

Ông HARUHIKO KURODA, chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đang trong chuyến thăm và làm việc tại VN từ ngày 19-2, đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn riêng.

* Thưa ông, vị trí của VN như  thế nào trong chiến lược của ADB?

- VN là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tất nhiên so với hai nước này thì VN vẫn là một nền kinh tế nhỏ nhưng năng động. Nếu nhìn vào lịch sử phát triển kinh tế của châu Á, đặc biệt Đông Á, chúng ta thấy nhiều nền kinh tế đã theo đuổi chính sách hướng ra xuất khẩu. Trong đó có Nhật Bản, TQ, Ấn Độ, các nước Asean như Malaysia, Thái Lan và nay là VN.

Các nước này đều có chiến lược kinh tế rõ ràng là hướng về xuất khẩu chứ không phải thay thế nhập khẩu hiện đang được nhiều nước châu Phi áp dụng. Đối với ADB, VN là một thành viên và khách hàng rất quan trọng. Chúng tôi đang có các hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính, trong đó có nguồn cho vay tài chính lãi suất thấp và nguồn khác có lãi cao hơn nhưng vẫn có lợi cho VN. Năm ngoái ADB cho VN vay 1,1 tỉ USD. Vì VN đang tăng trưởng rất nhanh nên cần có cơ sở hạ tầng tốt hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển. ADB tự hào về sự hợp tác với Chính phủ VN trong phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

* Ông gặp những quan chức VN cao cấp trong chuyến đi này, ông đưa ra những vấn đề và lời khuyên gì với họ?

- Chúng tôi sẽ gặp Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Tài chính, bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư và thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN. Tôi sẽ thảo luận nhiều vấn đề khác nhau, nhưng phần lớn sẽ là các vấn đề kinh tế vĩ mô.

Kinh tế VN đang tăng trưởng nhanh nhưng sức ép lạm phát cũng tăng nhanh trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu không được tốt lắm. Vì thế việc quản lý kinh tế vĩ mô một cách thận trọng là then chốt để phát triển kinh tế bền vững. Dưới chiến lược quan hệ hợp tác với VN hiện nay, chúng ta đang có nhiều dự án đang thực hiện. Chúng tôi phải tăng cường mối quan hệ hợp tác với Chính phủ VN. Tùy vào yêu cầu và nhu cầu của Chính phủ VN, nếu Chính phủ có sự thay đổi về ưu tiên thì chúng tôi cũng sẽ linh hoạt điều chỉnh các trợ giúp của mình.

Một nội dung khác là chương trình Hợp tác tiểu vùng Mêkông mở rộng (GMS). VN đóng vai trò quan trọng trong chương trình này vì đất nước trải dài từ Bắc xuống Nam và kết nối với nhiều hành lang kinh tế trong khu vực. Tháng sau hội nghị thượng đỉnh GMS sẽ diễn ra tại Vientiane và chúng tôi muốn trao đổi quan điểm với các quan chức VN về các nội dung liên quan. Nhìn chung GMS đang được tiến hành khá tốt nhưng vẫn cần được thúc đẩy xa hơn. Tôi nghĩ là cần có một cái gì đó mới, không phải là chiến lược, mà có thể là một kế hoạch mới cho GMS.

* Ông nhắc tới quản lý kinh tế thận trọng. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

- Thứ nhất là về chính sách tài khóa. Một số thâm hụt tài khóa là không thể tránh khỏi nhưng nếu mức thâm hụt tiếp tục gia tăng thì sẽ trở thành vấn đề đáng quan tâm. Nhưng chính sách tiền tệ mới là điểm then chốt nhất. Với những nước như VN, kiểm soát áp lực lạm phát không phải dễ vì có nhiều nhân tố nằm ngoài khả năng kiềm chế của VN như giá dầu, giá thực phẩm cao... của thị trường toàn cầu.

Đó là những tác nhân gây ra sức ép lạm phát. Nhưng tôi nghĩ chính sách tiền tệ vẫn có vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế ảnh hưởng của các sức ép. Về chính sách, cần có sự linh hoạt hơn trong tỉ giá hối đoái thì có thể sẽ có ích. Nhìn chung Chính phủ VN đã điều hành nền kinh tế khá tốt, trừ vài tháng gần đây lạm phát có tăng cao và tác động tới một số ngành.

Về trung và dài hạn, quan trọng hơn là cải cách cơ cấu. Ở đây cần nói tới vai trò quan trọng của cải cách tài chính. Nền kinh tế thị trường chỉ có thể hoạt động tốt khi lĩnh vực tài chính được quản lý tốt. Tôi thấy nhiều tiến bộ nhưng ngân hàng và thị trường vốn vẫn cần cải thiện hơn nữa. Thị trường vốn đang ở giai đoạn phát triển non trẻ, cần những bước tiến mang tính quyết định cho lĩnh vực này. Tất nhiên chúng tôi sẽ nói về cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách luật pháp và quản trị quốc gia.

tt

Các tin tức khác

>   Sẽ giảm 3 loại thuế? (20/02/2008)

>   Thắt chặt tiền tệ ảnh hưởng gì đến cơn sốt giá nhà đất? (20/02/2008)

>   "Liều thuốc đắng" của Ngân hàng Nhà nước (20/02/2008)

>   Không để xảy ra tình trạng giải ngân chậm trong đầu tư xây dựng cơ bản (19/02/2008)

>   Thắt chặt chính sách tiền tệ là cần thiết (19/02/2008)

>   Ngân hàng Á Châu tăng lãi suất tiền gửi VND (19/02/2008)

>   Chỉ số giá tháng 2 không thấp hơn 2,5% (19/02/2008)

>   Đánh thuế luỹ tiến để chặn đầu cơ nhà đất (19/02/2008)

>   Thuế nhập khẩu nông sản từ Campuchia là 0% (19/02/2008)

>   ADB sẽ hỗ trợ cho Việt Nam khoảng 4 tỷ USD (19/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật