Thứ Tư, 20/02/2008 07:16

"Liều thuốc đắng" của Ngân hàng Nhà nước

Các biện pháp thắt chặt tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) thực hiện đang tạo ra cú sốc lớn đối với các ngân hàng thương mại.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia về tài chính tiền tệ, ngay từ đầu năm, NHNNVN đã thể hiện quyết tâm chống lạm phát bằng một loạt các biện pháp cứng rắn: nâng dự trữ bắt buộc, thắt chặt cho vay chứng khoán, cảnh báo cho vay bất động sản, tăng lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn... Gần đây nhất, NHNNVN còn phát hành tín phiếu bắt buộc. Các biện pháp này theo một đại diện cấp cao của NHNNVN là "liều thuốc đắng" giúp kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, lãnh đạo cấp cao phụ trách khối nguồn vốn của một ngân hàng quốc doanh nhận xét: "NHNNVN thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát là đúng nhưng cách làm thì lại đang gây ra một sự bất ổn rất lớn trên thị trường tiền tệ. Lẽ ra phải có lộ trình nhưng cách thắt chặt tiền tệ của NHNNVN không khác nào chơi trò ú tim, các ngân hàng không biết đằng nào mà lần". Lãnh đạo của một ngân hàng quốc doanh khác thì nói NHNNVN ra "một seri đòn" để thắt chặt tiền tệ mà không tính toán đúng đến khả năng chịu đựng của các ngân hàng thương mại khiến họ bị "sốc", lẽ ra NHNNVN nên có những cách làm "mềm" hơn để tránh cho thị trường tiền tệ bị sốc kéo dài.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần (có trụ sở chính tại TP.HCM) cho biết, ban điều hành của ngân hàng này gần như không thể lên được kế hoạch phát triển khách hàng, không thể đưa ra được chính sách lãi suất hợp lý; bởi cuộc khủng hoảng tiền đồng do thiếu thanh khoản đang diễn ra. Theo ông này, một trong những lý do khiến thị trường liên ngân hàng những ngày vừa qua rất ít hoạt động và gần như bị tê liệt vì không ít ngân hàng mất lòng tin vào các đối tác đi vay. Ông này cũng cho biết, hầu hết các ngân hàng đang chờ đợi động thái của NHNNVN rồi mới quyết định sẽ làm gì tiếp theo.

Cuối tuần trước (ngày 15.2), trong phiên đấu thầu thị trường mở vào buổi sáng, cuộc khủng hoảng tiền đồng lên tới mức không thể tin được khi các ngân hàng "cố sống, cố chết" để giành giật bằng được khoản vay từ NHNNVN đưa ra với lãi suất đấu thầu lên tới 30,1%/năm cho các khoản vay từ 1-2 tuần. Giật mình với kết quả của buổi sáng, vào buổi chiều, NHNNVN lập tức bỏ ngay việc đấu thầu lãi suất, chỉ đấu thầu khối lượng với mức lãi suất trần là 15%/năm. Theo nhận định của hầu hết các chuyên gia về tiền tệ, động thái này cho thấy, NHNNVN đã tính toán không chuẩn tình hình của thị trường nên đã phát đi một tín hiệu không chính xác và biện pháp đấu thầu lãi suất cũng là biện pháp không đúng khi thị trường đã quá căng thẳng. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội bình luận: "Chính vì sợ NHNNVN sẽ dùng các biện pháp còn cứng rắn hơn nên thị trường liên ngân hàng mới rối loạn và các mức lãi suất ngắn hạn như cho vay qua đêm bị đẩy lên mức kinh hoàng, có lúc tới hơn 30%/năm".

Trả lời Báo Thanh Niên, một quan chức cấp cao phụ trách về chính sách tiền tệ của NHNNVN cho biết sẽ có "hạ cánh mềm" đối với sự căng thẳng về tiền đồng trên thị trường. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này vẫn khẳng định là NHNNVN phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và đưa ra các biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát. Theo thông tin mới nhất, NHNNVN đã thay đổi cách thức đấu thầu trên thị trường mở hằng ngày bằng việc công khai lộ trình cũng như khối lượng các phiên đấu thầu trong cả tuần để tất cả các ngân hàng được rõ. Bên cạnh đó, khối lượng tiền đưa ra cũng tăng từ 3.000 tỉ đồng/ngày lên 5.000 tỉ đồng/ngày.

Các chuyên gia nói gì ?

Bình luận về các biện pháp thắt chặt tiền tệ của NHNNVN, tiến sĩ Võ Trí Thành - Trưởng ban Nghiên cứu hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói: "Lạm phát cao kéo dài tới 4 năm nay rồi và NHNNVN thắt chặt tiền tệ ngay từ đầu năm nay là đúng vì rủi ro của lạm phát cao là rất lớn. Về mặt ngắn hạn, có thể có sự đánh đổi nhất định đối với tăng trưởng nhưng điều đó tốt hơn là cố gắng đạt được chỉ tiêu tăng trưởng cao mà ở đó tiềm ẩn rủi ro lớn cho tăng trưởngå bền vững". Ông Thành cũng nhận xét: "Điều hành vĩ mô không thể vừa lòng tất cả được. Có những nhóm lợi ích sẽ bị ảnh hưởng nhưng người làm chính sách phải quyết vì lợi ích chung của nền kinh tế".

Một cựu lãnh đạo cấp cao của NHNNVN nhận xét: "Các biện pháp chống lạm phát là điều hiển nhiên phải làm và thực tế bây giờ mà không làm quyết liệt thì không biết còn có cơ hội nào để làm nữa". Về cách thức thực hiện của NHNNVN, vị lãnh đạo này góp ý: "NHNVN có thể thực hiện chủ trương này (chống lạm phát - PV) một cách mềm dẻo hơn mà không gây ra trục trặc về thanh khoản cho các ngân hàng thương mại". Tuy nhiên, "cũng phải nhìn thấy lỗi của các ngân hàng thương mại trong việc này. Do muốn ăn "dày" nên họ lấy vốn chủ yếu là ngắn hạn để cho vay trung dài hạn hơi bị nhiều và đến kỳ trả nợ thì không có. Khi NHNNVN hành động quyết liệt thì họ bắt đầu kêu là bị sốc" - ông này nói.

tn

Các tin tức khác

>   Không để xảy ra tình trạng giải ngân chậm trong đầu tư xây dựng cơ bản (19/02/2008)

>   Thắt chặt chính sách tiền tệ là cần thiết (19/02/2008)

>   Ngân hàng Á Châu tăng lãi suất tiền gửi VND (19/02/2008)

>   Chỉ số giá tháng 2 không thấp hơn 2,5% (19/02/2008)

>   Đánh thuế luỹ tiến để chặn đầu cơ nhà đất (19/02/2008)

>   Thuế nhập khẩu nông sản từ Campuchia là 0% (19/02/2008)

>   ADB sẽ hỗ trợ cho Việt Nam khoảng 4 tỷ USD (19/02/2008)

>   Sacombank đón nhận 500 sinh viên thực tập (19/02/2008)

>   Southern Bank tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm VNĐ (19/02/2008)

>   Ngân hàng Nam Á: Tăng vốn điều lệ (19/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật