Các doanh nghiệp địa ốc: Ngân hàng ngưng cho vay, chỉ có nước… chết !
Cuộc đối thoại sáng 22.2 giữa lãnh đạo UBND TP.HCM với hơn 300 doanh nghiệp (DN) địa ốc kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ. Hàng loạt bức xúc đã được các DN nêu ra.
Tình thế khó khăn
Ông Lê Hoàng Châu - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - đưa ra bản kiến nghị 20 điểm, trong đó tập hợp khá nhiều vướng mắc lâu nay của các DN khi đầu tư vào các dự án nhà ở. Theo ông Châu, giải quyết được những vướng mắc này chắc chắn sẽ giúp cho các chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ, tăng nguồn cung về nhà ở cho TP. "Tình hình của thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay rất căng thẳng. Khi các ngân hàng siết lại các khoản vay tín dụng BĐS, các DN đang đứng trước tình thế rất khó khăn và điều này chắc chắn sẽ khiến cho thị trường có nhiều biến động lớn", ông Châu bức xúc.
Ông Hoàng Vũ - Giám đốc Công ty Thanh Bình - nói: "Chính sách nhà ở xã hội hiện nay còn quá nhiều bất cập, nói việc quan tâm nhà ở cho người nghèo mà không tháo gỡ được những vấn đề như vốn đầu tư, thủ tục đầu tư thì không thể thực hiện được. Hiện nay, các ngân hàng không cho vay nữa thì lấy đâu ra tiền để người nghèo mua nhà trả góp. Một căn hộ vùng ngoại thành hiện nay "bèo" nhất cũng 500 triệu đồng, còn gần hơn nội thành một chút thì cũng đã 1-2 tỉ đồng, không cho vay tiền thì chỉ có bó tay. Trong khi đó, thủ tục xin đầu tư một dự án nhà ở cho người nghèo phải 2 -3 năm mới xong, lúc xây dựng thì giá đã "đội" lên rất nhiều. Làm sao người nghèo mua nổi nhà?".
Nhiều DN khác cũng cho rằng việc các ngân hàng siết lại các khoản cho vay tín dụng BĐS đột ngột cũng đẩy các DN vào tình thế cực kỳ khó khăn khi lộ trình đầu tư các dự án đang trên đà tiến triển. Ông Nguyễn Phụng Thiều, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn - Gia Định, minh họa: "Công ty chúng tôi có tham gia đăng ký hơn 1.000 căn nhà cho người thu nhập thấp trong chương trình 30.000 căn nhà ở xã hội của TP.HCM. Ngày 2.9.2008 sẽ bàn giao trước 60 căn và đồng thời sẽ tiếp tục khởi công 3 block 15 tầng gồm 1.000 căn cho chương trình này. Thủ tục đã xong hết rồi, bây giờ ngân hàng ngưng cho vay thì chỉ có nước... chết. Mà nếu "chết" thì người mua nhà trả góp sẽ "chết" trước. Đề nghị TP tháo gỡ cho vấn đề này".
Nản lòng vì thủ tục
Ông Nguyễn Văn Đực - Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành - đưa ra 6 vấn đề bức xúc của DN địa ốc hiện tại: Không giải tỏa được vì giá đất quá cao; thủ tục xin ý kiến quy hoạch phải qua 5 bước rất bất hợp lý; không được huy động vốn từ khách hàng trong khi ngân hàng siết lại không cho vay; thị trường địa ốc ngày càng "mở" cho các DN nước ngoài trong khi DN vừa và nhỏ trong nước gặp quá nhiều khó khăn; các chương trình nhà ở xã hội thất bại do không khuyến khích huy động được nguồn lực từ DN; cuối cùng là "ma trận" thủ tục, rào cản khiến cho hàng loạt khu chung cư sắp sập không thể khởi công xây mới được.
Ông Đực cũng nói rằng chỉ mong sao cơ quan chức năng giải quyết thủ tục cho DN trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm có thể khởi công là đã "hạnh phúc lắm rồi". Ông Nguyễn Hoàng Tuyền - một DN Việt kiều tại Ba Lan - nói như tâm sự: "Nhiều Việt kiều ở các nước Đông Âu cũng rất muốn về Việt Nam tham gia đầu tư làm ăn nhưng thủ tục quá nhiêu khê nên rất nản lòng. Ngay như chuyện cho phép Việt kiều mua nhà trong nước cũng "nhỏ giọt". Vì vậy, chúng tôi chẳng có căn nhà nào thực sự tại Việt Nam, công việc làm ăn vì thế cũng bấp bênh theo".
Thủ phạm chính: quy hoạch chậm, nhũng nhiễu, tiêu cực!
Ngay khi ông Nguyễn Hữu Tín - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - đề nghị các DN đưa ra những dẫn chứng cụ thể kèm theo các phản ánh, đại diện Công ty bảo hiểm Viễn Đông phát biểu: "Công ty chúng tôi có một dự án đã gửi xin ý kiến thỏa thuận quy hoạch nhưng 5 tháng trôi qua, Sở Quy hoạch - Kiến Trúc (QH-KT) TP.HCM không hề trả lời một tiếng". Ông Tín lập tức yêu cầu Sở QH-KT giải trình trường hợp này.
Ông Trần Chí Dũng - Phó giám đốc Sở QH-KT - biện giải: "Sở dĩ công tác quy hoạch thực hiện chậm là do TP.HCM có diện tích quá lớn, quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều đồ án quy hoạch trước đây đã lạc hậu nay phải điều chỉnh. UBND TP.HCM giao nhiệm vụ quý 1/2008 phải phủ kín quy hoạch 1/2000 tất cả các quận huyện và Sở đang cố gắng thực hiện nhiệm vụ này". Tuy nhiên ông Dũng cũng thừa nhận công tác quy hoạch hiện còn nhiều bất cập và hứa: "Chúng tôi sẽ kiểm tra lại trường hợp dự án của Công ty bảo hiểm Viễn Đông phản ảnh và sẽ trả lời sau".
Khi nghe ông Nguyễn Hữu Tín hỏi "Phần trả lời của Sở QH-KT như vậy, quý vị đã hài lòng chưa?", ông Dũng vội bổ sung: "Thời gian thẩm định đồ án quy hoạch 1/2000 và 1/500 là 30 ngày, đã có thông báo công khai tại văn phòng Sở theo tiêu chuẩn ISO. Còn thời gian cung cấp thông tin quy hoạch thì 7 ngày làm việc. Tuy nhiên việc cung cấp thông tin quy hoạch kéo dài là bởi nhiều vấn đề Sở QH-KT phải hỏi lại các sở ngành, quận huyện". Cách trả lời này, theo ông Nguyễn Hữu Tín, là chưa thỏa đáng. Ngay sau đó, ông Nguyễn Hữu Tín nói: "Lâu nay tôi cũng có nghe rất nhiều dư luận râm ran về chuyện gây phiền hà cho người dân và DN ở Sở QH-KT, không loại trừ chuyện có cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực nhưng chỉ chưa có chứng cứ mà thôi. Tôi nói thật, dư luận cũng cho rằng khi xin ý kiến thỏa thuận quy hoạch, có người nói bây giờ giá xin lên một tầng cao là bao nhiêu và như thế, tạo ra cơ chế xin cho rất bất hợp lý. Công tác quy hoạch quá chậm, chưa công khai minh bạch khiến cho nhiều dự án bị ngưng trệ kéo dài. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng gửi thư cho chúng tôi than phiền về điều này".
Ông Tín cũng phê bình gay gắt cách làm quy hoạch trên giấy, thiếu tính thực tiễn. Ông nói: "Có nhà đầu tư đã kiện tôi vì trước đó TP giao đất cho DN, sau đó Sở QH-KT vẽ đường dự phóng chồng lên khu đất đã giao. Tôi ký duyệt đồ án quy hoạch do Sở tham mưu, và thế là bị kiện. Hoặc cách làm quy hoạch hiện nay do thiếu tính thực tiễn nên có nhiều dự án chồng lên nhau rất vô lý, có những dự án đất ông này chồng lên đất bà kia".
"Dài cổ" vì phải chờ thủ tục xây dựng
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho rằng Nghị định (NĐ) 153 yêu cầu chủ đầu tư phải chứng minh có 15 -20% vốn trên tổng mức đầu tư dự án là chưa hợp lý. Theo ông Hiệp, DN đã đền bù được 100% diện tích đất dự án coi như đã chứng minh tài chính bằng thực tế. Hỏi, thì Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) yêu cầu phải thực hiện đúng theo NĐ, còn yêu cầu phải có báo cáo kiểm toán nữa. Hoặc việc quy định công trình có tổng mức đầu tư trên 7 tỉ đồng phải duyệt thiết kế cơ sở cũng bất hợp lý. "Nhiều căn nhà lớn mặt tiền có mức đầu tư trên 7 tỉ đồng cũng phải duyệt thiết kế cơ sở rồi mới được cấp phép xây dựng, khiến cho quy trình cấp phép thêm rườm rà".
Trả lời kiến nghị của HoREA "đối với các dự án ngoài vốn ngân sách thì không cần phải phê duyệt dự án đầu tư", ông Hiệp nói: "Lãnh đạo TP cũng đã thấy bất hợp lý của quy định này và đã trình kiến nghị lên Chính phủ nhưng trong dự thảo NĐ mới vẫn chưa thấy đưa vào. Do vậy, vẫn phải đợi và trong lúc chờ đợi thì các DN vẫn phải tiến hành 19 bước thủ tục để được phê duyệt dự án đầu tư như NĐ 90 đã quy định".
Phải công khai quy hoạch, quy trình thủ tục
Ông Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo ngay cho Sở QH-KT một số vấn đề: Phải nhanh chóng phủ kín quy hoạch tại các quận huyện chậm nhất là cuối quý 1/2008 và phải công khai tất cả các đồ án; Không nên quy định cứng nhắc về mẫu nhà tại các dự án mà phải linh hoạt để dự án đa dạng về mẫu nhà, hài hòa về màu sắc, chỉ quy định về "phần cứng" như mật độ, tầng cao, khoảng lùi...; Thủ tục hành chính phải hết sức tinh giản, không nên để nhà đầu tư gửi hồ sơ lên rồi không biết bao giờ sẽ giải quyết, phải công khai quy trình này, nếu không cán bộ sẽ thừa cơ để gây nhũng nhiễu; Từ nay trở đi, nếu thẩm định xong đồ án quy hoạch 1/2000 là phải chuyển ngay cho quận huyện để phê duyệt, quản lý, Sở QH-KT không được "ôm" đồ án quy hoạch nữa; Kể từ nay các dự án xây dựng chung cư hoặc nhà ở, các quận huyện phải chịu trách nhiệm, không được mời quận huyện lên Sở QH-KT hoặc Sở Xây dựng để thống nhất nữa, phải quy về một đầu mối, đó là quận huyện.
tn
|