Thứ Ba, 26/02/2008 21:18

Ảnh hưởng từ “liều thuốc” của Ngân hàng Nhà nước

Mặc dù trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục “bơm” hàng chục ngàn tỷ đồng ra thị trường liên ngân hàng dưới hình thức đấu thầu và lãi suất.

Trên thị trường này đã giảm nhiệt đáng kể nhưng tình trạng căng thẳng về “nguồn vốn” của các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn không giảm, tác động mạnh đến thị trường chứng khóan (TTCK), bất động sản (BĐS) và hoạt động của các doanh nghiệp.

Ngân hàng thương mại khát vốn

Sau một loạt các giải pháp thắt chặt tiền tệ của NHNN trong năm 2007: nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên gấp đôi đối với các loại tiền gửi ngân hàng và tiếp tục tăng lên 1% vào đầu năm nay; khống chế cho vay thế chấp chứng khoán 3% tổng dư nợ (sau đó là 20% vốn điều lệ của các NHTM), và gần đây nhất là việc phát hành trên 20.000 tỷ VND tín phiếu NHNN bắt buộc (lãi suất 7,8%/năm – thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động hiện nay của các ngân hàng) đối với các NHTM nhằm thu hút tiền về NHNN, với thời hạn thanh toán cho các ngân hàng là ngày 17/3 tới…, đã làm cho các NHTM lâm vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng. Mặc dù liên tục tăng lãi suất huy động tiền đồng nhưng dường như nguồn vốn huy động vẫn như muối bỏ bể trước nhu cầu của thị trường. Thậm chí trong tuần qua, nhiều ngân hàng đã thiếu thanh khoản, chủ yếu là các ngân hàng nhỏ nhưng cũng có cả những ngân hàng vốn có tốc độ tăng trưởng tín dụng quá cao trong năm 2007. Hầu hết tại các ngân hàng TMCP đều hạn chế các khoản vay tín dụng và hạn chế tối đa giải ngân vào lúc này. “Chúng tôi chỉ ưu tiên cho các khách hàng truyền thống và giải quyết những vấn đề cấp bách như trả lương cho công nhân. Ngay cả việc giải ngân để thanh toán tiền hàng hoặc đầu tư máy móc cũng tạm thời phải đình lại”- Lãnh đạo một ngân hàng cho biết. Trên thực tế, một số ngân hàng đã đưa ra mức lãi suất cho vay “ cắt cổ” tới 30%/năm nhưng cũng không có vốn để cho vay! Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó TGĐ Techcombank nhận xét: “Việc gia tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến chi phí vốn của các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Về ngắn hạn, có thể những tác động chưa thể hiện rõ, tuy nhiên trong thời gian dài hơn, việc tăng lãi suất sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến chi phí và lợi nhuận của các doanh nghiệp”.

TTCK giảm mạnh - Bất động sản có dấu hiệu sụt giảm

Chỉ trong vòng 1 tuần, VN-Index đã giảm mạnh từ 782,57 điểm (phiên đầu tuần ngày 18/2) xuống còn 687 điểm (phiên ngày 22/2), ngang với mức cuối năm 2006. Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng: việc tăng lãi suất và siết chặt cho vay bất động sản (BĐS) của các NHTM đã buộc nhiều nhà đầu tư phải bán chứng khoán để trả nợ (chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân). Mặt khác, nhiều nhà đầu tư là các tổ chức trong nước trong đó có ngân hàng cũng đang bán tháo chứng khoán vừa để cắt lỗ, vừa để bổ sung nguồn tiền mặt đang khan hiếm. Thị trường BĐS đang có nhiều dấu hiệu sụt giảm cả về giá cả và tốc độ giao dịch. Tại các khu vực được coi là “điểm nóng” về BĐS của TP.HCM trong thời gian qua như: Phú Mỹ Hưng, Q.2… các giao dịch đã chậm lại, giá cũng giảm mạnh. Theo các công ty địa ốc tư nhân ở Phú Mỹ Hưng: Hiện còn rất ít khách tìm kiếm mua căn hộ tại đây, giá cũng giảm dần. Một căn hộ 2 phòng ngủ có diện tích trên 100m2 tại khu Mỹ Khánh vào thời điểm trước tết giá còn cao ngất ngưởng khoảng 5 tỷ đồng, nay đã giảm mạnh còn trên 4 tỷ đồng/căn. Có một thực tế, nhiều nhà đầu tư cá nhân trong lĩnh vực BĐS đang có nguy cơ mất hàng tỷ đồng tiền cọc vì mất khả năng thanh toán bởi không vay được ngân hàng khi mà thời hạn trả tiền theo hợp đồng đã cận kề.

Doanh nghiệp khó khăn

Việc thắt chặt tín dụng trong bối cảnh hiện nay là tốt nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tuy nhiên điều này cũng gây khó khăn lớn đối với doanh nghiệp. Ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hội gỗ mỹ nghệ Sài Gòn cho biết: các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Hoạt động xuất khẩu sẽ khó khăn hơn, lợi nhuận giảm mạnh do chi phí đầu vào lãi suất vay tăng.Giám đốc một công ty xuất khẩu thủ công mỹ nghệ cũng cho biết: lâu nay đơn vị đều vay ngân hàng bằng đôla để triển khai các hoạt động xuất khẩu nhưng hiện nay ngân hàng đã ngưng cho vay bằng đồng đôla mà chuyển sang cho vay tiền đồng với lãi suất cao. “Năm qua, các doanh nghiệp cố gắng lắm cũng chỉ đảm bảo cổ tức cho cổ đông từ 15%-20%/năm. Nay lãi suất bị đẩy lên cao như thế này thì hết lãi. Làm bao nhiêu chỉ đủ trả lãi vay ngân hàng”- Vị giám đốc này than thở.Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam cho biết: hoạt động xuất khẩu hồ tiêu, cà phê hiện đang phải đối phó với 3 khó khăn. Thứ nhất là giá mua trong nước tăng cao hơn cả giá xuất khẩu do nông dân găm hàng chờ giá. Thứ hai do chênh lệch tỷ giá giữa đôla và tiền đồng ngày càng cao. Hiện nay đổi 1 triệu USD sang tiền đồng, doanh nghiệp bị thiệt trên 100 triệu đồng. Chênh lệch này nhiều khi còn lớn hơn lợi nhuận doanh nghiệp thu được từ hoạt động xuất khẩu. Doanh nghiệp càng xuất khẩu nhiều càng bị thiệt. Thứ ba là lãi suất vay tăng cao, nhiều doanh nghiệp phải vay với lãi suất từ 1,35-1,4%/tháng. Hiện nay chỉ có các doanh nghiệp có chân hàng hoặc đầu cơ từ trước thì xuất khẩu có lãi, những doanh nghiệp phải mua hàng giao ngay theo hợp đồng thì nguy cơ lỗ là rất cao. Nếu tình hình này không sớm được cải thiện thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến hoạt động xuất khẩu. Thêm vào đó, do tình trạng vay tiền từ ngân hàng khó khăn, một số doanh nghiệp đã sử dụng tiền bán hàng để quay vòng mà không gửi vào ngân hàng. Điều này không chỉ làm cho nguồn tiền của ngân hàng thêm khan hiếm, hiệu quả luân chuyển vốn của nền kinh tế giảm mà còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, mất an toàn ở doanh nghiệp.Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng đầu năm nay vẫn ở mức cao (tháng 1 là 2,38%, tháng 2 dự kiến 2,17%). Chưa biết “liều thuốc đắng” bao gồm hàng loạt các biện pháp “sốc” của NHNN nhằm thắt chặt tiền tệ có giải được bài toán kìm chế mức lạm phát dưới mức tăng GDP của năm 2008 hay không nhưng ảnh hưởng của liều thuốc này đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đã hiện ra trước mắt.

thương mại

Các tin tức khác

>   Vàng hạ- Lại đổ xô đi mua (26/02/2008)

>   PTT Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận điều hành vĩ mô chưa khớp (26/02/2008)

>   Rút tiền tỷ từ ATM rỗng: Nhiều nghi vấn chưa sáng tỏ (26/02/2008)

>   Cơn lốc tăng lãi suất và hệ lụy... (26/02/2008)

>   'Giá sẽ ăn theo xăng dầu ở hầu hết mặt hàng' (26/02/2008)

>   BIDV tài trợ 300 tỷ đồng xây thủy điện ngòi Chăn (26/02/2008)

>   Giá vàng sụt mạnh (26/02/2008)

>   “Rút tiền về sẽ tác động dần tới giá cả” (26/02/2008)

>   Đông Á tăng lãi tiền gửi VND (26/02/2008)

>   Mua bán công ty ngành tài chính: Một năm nhìn lại (26/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật