USD mất giá, doanh nghiệp lao đao
Sau nhiều tháng tăng lãi suất để cạnh tranh nhau huy động ngoại tệ, nay nhiều ngân hàng lại rục rịch đua nhau tìm cách cắt giảm lãi suất tiền gửi USD vào dịp cuối năm. Điều này, dự báo dòng tiền này sẽ còn trượt dốc mạnh so với VNĐ.
DN xuất khẩu chịu thiệt
Thua lỗ hơn 1 tỉ đồng chỉ trong một tháng và khả năng bị kiện ra tòa vì không có hàng để giao theo như hợp đồng là thực tế mà công ty cung cấp vật liệu xây dựng T. đang đối mặt. Tổng giám đốc công ty này cho biết: “Tháng 11, công ty đã ký hợp đồng bán thép cho một doanh nghiệp (DN) Italy và sẽ chính thức giao hàng vào tháng 12-2007. Khi ký hợp đồng giá thép là 10.600 đồng/kg (theo giá nhà máy chưa thuế GTGT), tỉ giá USD là 16.045 VNĐ/USD với số lượng hơn 500.000 tấn. Tính đến thời điểm này, giá thép tăng vọt lên 12.300 đồng/kg (theo giá thị trường chưa thuế GTGT) đồng thời giá USD cũng giảm xuống còn 15.987 VNĐ/USD (4-1-2008 )”. Không có thép để giao cho khách hàng, thêm chuyện giá thép tăng chóng mặt, USD đang có hiện tượng rơi tự do, nên bây giờ công ty chỉ biết “trùm mền” và tính lỗ từng ngày, vị giám đốc trên bức xúc nói.
Trước nay, USD thường được chọn làm đồng tiền lưu thông chính trong việc thanh toán, nên khi tỉ giá của euro, GBP, JPY dù đang tăng mạnh so với USD (năm 2007, euro tăng 12% so với USD), song các DN vẫn khốn khó vì không hề sử dụng dòng ngoại tệ nào khác ngoài USD. Đây cũng là nỗi lo chung của tất cả DN khi kinh doanh các mặt hàng xuất khẩu bởi giá cả nguyên vật liệu trong nước liên tục leo thang, trong khi đó USD thu về thì giảm mạnh. Theo Công ty TMCP Nam Việt (Navifico), nếu trước đây cùng một đơn hàng xuất khẩu công ty thu về được 4 tỉ đồng (1 USD = 16.450 VNĐ) thì hiện nay chỉ có thể mang về gần 3 tỉ đồng (1 USD= 15.987 VNĐ). Tình trạng này sẽ còn tệ hơn vì dự kiến năm 2008 biên độ có thể tăng lên 1%, cộng với tác động từ nền kinh tế Mỹ, USD sẽ còn tiếp tục giảm. Như vậy, nếu các DN xuất khẩu không đa dạng hóa việc thanh toán ngoại tệ thì chính họ là những người chịu thiệt đơn thiệt kép trong các đơn hàng.
Cung ngoại tệ đang vượt quá cầu
Theo ông Phạm Thế Tuân, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank-TPHCM: Hiện nay nhu cầu ngoại tệ của các nhà nhập khẩu đang gia tăng vì kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ dịp Tết đang được triển khai mạnh. DN cần USD để mua hàng hóa nước ngoài, tuy nhiên nó chỉ là phần nhỏ so với lượng USD đang có. Cung ngoại tệ đang vượt quá cầu. Vì vậy, việc tỉ giá USD tụt xuống dưới ngưỡng 16.000 VNĐ/USD được xác định từ tháng 7-2006 là chuyện không thể tránh khỏi và có khả năng còn giảm sâu hơn nữa. Có thể nói đồng USD được đánh giá là thấp nhất từ đầu năm 2007 ở mức 15.987 VNĐ/USD”. Cùng thời điểm, nhu cầu tiền đồng lại tăng mạnh, các ngân hàng TMCP đang đua nhau huy động tiền đồng bằng cách tăng lãi suất tiền đồng, cắt giảm lãi suất USD và hạn chế sự dư thừa USD bằng cách giảm mua loại tiền này. Tỉ giá suy yếu làm ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của các DN xuất khẩu, vì ngoại tệ thu về thì bán với giá thấp trong khi giá thành nguyên vật liệu không hề giảm.
Ông Bùi Trung Dũng - Tổng giám đốc SeABank:
Nên đa dạng hóa thanh toán ngoại tệ
Hiện tại, các DN Việt Nam đang quá quan tâm đến USD mà bỏ quên các đồng tiền khác. Việc thanh toán xuất nhập khẩu chủ yếu là bằng USD, ngay cả với những nước sử dụng đồng euro và các dòng ngoại tệ khác. Tỉ giá cũng tính chéo với các ngoại tệ mạnh khác cũng lấy USD làm chuẩn, nên tỉ giá VNĐ/ngoại tệ mạnh khác đã tăng kép, làm cho nhập khẩu từ EU, Nhật Bản, Trung Quốc... tăng kép. Vì vậy khi các DN chọn cách thanh toán này sẽ bị thiệt hại nhiều. Đây là sự lựa chọn thỏa thuận của các DN nên việc dự trữ thêm ngoại tệ của ngân hàng phụ thuộc vào DN. Thực tại cũng cho thấy, không phải VNĐ lên giá mà do đồng USD đang giảm giá kỷ lục, VNĐ vẫn được xem là mất giá so với sự tăng trưởng của các dòng ngoại tệ khác và bởi tốc độ tăng giá mấy năm qua đã tăng rất cao.
NLD
|