Thế giới trở lại giữ vàng?
Vàng đang trở lại thời "vàng son" khi giá đang liên tục phá kỷ lục từng ngày. Đã từng có thời gian vàng được cho là tiền, khái niệm này đã bị lu mờ dần trong một khoảng thời gian dài sau đó. Tuy nhiên, thời kỳ đó đang trở lại.
Giá vàng hiện đang leo thang mạnh mẽ lên mức kỷ lục qua mọi thời đại. Một trong những cú hích đưa giá vàng vượt xa mọi dự báo là cuộc khủng hoảng trên thị trường tín dụng Mỹ hồi trung tuần tháng 8-2007 và vụ ám sát cựu thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto cuối năm 2007.
Vàng lại là tiền
Vàng được xem như một công cụ bảo toàn giá trị khi mọi tài sản đầu tư khác trên thị trường trở nên rủi ro. Quan niệm giữ vàng tích lũy hiện rất phổ biến ở nhiều quốc gia, và hầu hết ngân hàng trung ương (NHT.Ư) đều có vàng trong kho dự trữ ngoại hối của mình. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) là tổ chức nắm giữ vàng nhiều nhất thế giới.
Vàng là tài sản có tính thanh khoản cao khi dễ được chuyển hóa sang tiền mặt và được chấp nhận trên toàn thế giới. Vàng luôn được các nhà đầu tư tìm đến trước tiên và giá luôn tăng khi chính trường thế giới xảy ra bất ổn. Những ưu điểm này kết hợp với đà mất giá của đồng USD và triển vọng bi quan về lãi suất của đồng tiền này đang là nhân tố chính đẩy giá vàng thế giới tăng cao.
Lúc này vàng được xem như một đơn vị tiền tệ thay vì là một loại hàng hóa đơn thuần. Liệu giá vàng có tiếp tục tăng lên những mức cao kỷ lục mới hay không đang là một đề tài nóng trên thị trường tài chính. Tuy vậy, giá vàng vẫn được cho là rẻ, mặc cho nó đã tăng giá từ mức 250 USD/ounce thời điểm năm 1999, thời gian các NHT.Ư đã bán mạnh ra thị trường lượng vàng dự trữ.
1.000 USD/ounce vàng?
Giá vàng đã trải qua một chặng đường dài để đến được mức giá mà nó đạt được năm 1980 là 850 USD/ounce khi xảy ra cuộc cách mạng ở Afghanistan. Với việc chạm mức kỷ lục là 897,9 USD/ounce trong ngày 11-1, giá vàng đã lập một mức kỷ lục mới qua mọi thời đại. Theo diễn biến hiện nay và các dự báo thị trường, giá vàng có thể sớm chạm mức 1.000 USD/ounce (1,92 triệu đồng/chỉ) và duy trì ở vùng giá cao trong một thời gian dài sau đó.
Giá vàng hiện đang được hỗ trợ nhiều từ hành động chuyển hóa tài sản của các nhà đầu tư từ thị trường chứng khoán và tài sản dự trữ ngoại hối của các NHT.Ư. Các quĩ đầu tư cũng đang đổ tiền vào các loại hàng hóa, trong đó có vàng, với mục đích kiếm lợi và sự an toàn trong đầu tư. Nhu cầu vàng nguyên liệu có giảm mạnh tại châu Á nhưng vẫn đang gia tăng mạnh mẽ tại Trung Đông, nơi chứa đựng những bất ổn chính trị trong nhiều thập kỷ qua. Sự sụt giảm trong sản lượng khai thác vàng tại Nam Phi cũng đang là nhân tố hỗ trợ mạnh cho giá vàng thế giới.
Hành động quyết liệt của FED trong việc cắt giảm lãi suất đồng USD sẽ làm tiếp diễn đà mất giá của USD và làm vàng trở nên hấp dẫn hơn.
Ai cũng muốn có… vàng
Nếu FED cắt giảm thêm 0,5% lãi suất cơ bản USD từ mức hiện nay là 4,25% vào cuộc họp đầu năm nay có thể làm vấn đề lãi suất thấp cố hữu của vàng không còn là một vấn đề lớn. Chênh lệch lãi suất giữa USD và vàng sẽ ngày càng bị thu hẹp. Vàng có thể không là một tài sản phòng chống lạm phát tốt trong những thời điểm trong quá khứ, nhưng sự gia tăng của giá tiêu dùng và sự suy thoái của nền kinh tế có thể sẽ làm nó trở thành một tài sản bảo toàn giá trị tốt hơn.
Tốc độ tăng cung tiền bình quân của các nền kinh tế lớn trong những năm gần đây đang được duy trì ở mức 10%/năm. Tuy nhiên, nguồn cung của vàng chỉ tăng khoảng 1,5% mỗi năm. Nếu vàng là một loại tiền tệ thì giá trị của nó so với đồng USD, đồng GBP hay đồng EUR tất yếu sẽ tăng.
Sự leo thang của giá vàng hiện nay đang làm tâm lý các nhà đầu tư trở nên "bồn chồn" hơn bao giờ hết. Nó là một thông điệp quan trọng cho các NHT.Ư vốn đang có dự định sẽ cắt giảm lãi suất.
VŨ ĐỨC HẢI - phòng kinh doanh tiền tệ Eximbank VN (Theo The Financial Times)
|