Chỉ đạo ngành ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
Phải kiềm chế lạm phát dưới mức tăng GDP
Hôm qua, 9-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2008.
Nhận xét về năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận những đóng góp của ngành ngân hàng trong thành tựu chung của kinh tế đất nước, thể hiện ở việc kiểm soát được lãi suất, tỷ giá, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, cán cân thanh toán tổng thể vẫn có bội thu… Tuy nhiên, điểm yếu kém nổi cộm nhất là giá cả tăng quá cao (12,6%), gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Thủ tướng cho rằng, cũng có nguyên nhân khách quan là giá cả từ bên ngoài tăng quá mạnh, nhưng nếu điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn, dự báo tốt hơn thì lạm phát sẽ không đến hai con số.
Năm 2008, Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là điều hành chính sách tiền tệ một cách khoa học, theo nguyên tắc thị trường; chủ động dự báo và điều hành một cách linh hoạt để thực hiện cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới mức tăng trưởng GDP (dự kiến là 9% trong năm 2008). Bên cạnh đó, phải tạo điều kiện để hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính phát triển một cách hiệu quả và vững chắc. Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành. Trong đó đặt trọng tâm nâng cao khả năng nghiên cứu, dự báo chính sách tiền tệ để tham mưu cho Chính phủ.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, giám sát chất lượng tín dụng, cho vay chứng khoán, cho vay bất động sản. “”Năm 2007, tổng dư nợ tín dụng tăng đến 37,8%, trong khi năm 2006 chỉ tăng 24,8%. Phải chăng tín dụng năm qua tăng đột biến là do chứng khoán và bất động sản?”- Thủ tướng nói. Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng phải chú trọng đến việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính, dứt khoát xóa bỏ cơ chế “xin - cho”.
SGGP
|