Thứ Sáu, 11/01/2008 11:44

Tránh triệu chứng “rời xa mặt trận”

Ngày 11/1/2008, Việt Nam kỷ niệm 1 năm ngày chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhìn nhận lại việc thực hiện cam kết của Việt Nam và những tác động của 1 năm gia nhập, ĐTCK-online xin giới thiệu bài viết của Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại WTO Ngô Quang Xuân:

FDI - tác động rõ ràng nhất

Đã có khá nhiều đánh giá của các chuyên gia trong nước và nước ngoài về lợi ích của một năm làm thành viên WTO đem lại cho Việt Nam. Theo tôi, điều quan trọng nhất là chúng ta đã tiếp tục khẳng định tính đúng đắn của đường lối mở cửa, hội nhập khu vực và quốc tế, đó là tăng trưởng kinh tế đạt 8,5%, mức tăng cao nhất từ 10 năm nay, thương mại tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ vững chắc...

Nếu nhìn nhận việc gia nhập WTO là một sự kiện đem lại đột biến về kinh tế thì đó chính là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam. Vốn FDI đạt mức kỷ lục, 20,3 tỷ USD thực sự là con số rất ấn tượng.

Một điều dễ nhận thấy nữa là, những quan ngại về tác động tiêu cực có thể xảy ra khi Việt Nam gia nhập WTO đã bớt đi và nhường chỗ cho cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng phát triển kinh tế của nước ta.

Đã có ý kiến phàn nàn rằng, Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội mà WTO đem lại để đẩy mạnh xuất khẩu với bằng chứng là tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của năm 2007 chỉ đạt 20,5%, trong khi năm 2006 đạt 22,1%. Tuy nhiên, tôi cho rằng, con số tăng trưởng xuất khẩu 20,5% và tốc độ tăng trưởng không kể dầu thô 25,5% là rất đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại quốc tế chỉ tăng trưởng 6%.

Cải cách kinh tế và phát triển kinh tế theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu là một quá trình đã được chúng ta thực hiện song hành với tiến trình đàm phán gia nhập WTO. Với những dự án đầu tư tầm cỡ chiến lược vào các ngành sản xuất và dịch vụ chất lượng cao, kết hợp giữa doanh nghiệp (DN) trong nước và đầu tư nước ngoài, tôi tin rằng, trong thời gian 3-5 năm tới, chúng ta sẽ được những bước đột phá về sản phẩm, chất lượng, giá trị hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu.

Cần cân nhắc khi so sánh với Trung Quốc

Cũng có ý kiến so sánh Việt Nam với Trung Quốc trong việc tận dụng các cơ hội WTO trong thời kỳ đầu gia nhập WTO. Cá nhân tôi cho rằng, nếu so sánh mà không cân nhắc sẽ là khập khiễng. Trung Quốc có rất nhiều lợi thế về nguồn nhân lực, nguyên liệu và đã là một thị trường tiêu thụ và đầu tư rất lớn. Việc cải cách mở cửa của Trung Quốc đã đi trước nước ta 10 -15 năm. Thị trường tài chính của Trung Quốc đã có một lịch sử phát triển lâu đời. Trung Quốc lại có nguồn đầu tư lớn từ cộng đồng người Hoa từ nhiều nước và từ Hồng Kông, Macao, Đài Loan. Mạng lưới phân phối của cộng đồng Hoa Kiều có mặt trên khắp thế giới tạo điều kiện cho việc thâm nhập thị trường sâu rộng và vững chắc.

Tôi tin Việt Nam đã và đang đi đúng hướng. Nếu chúng ta thực hiện tốt Luật Doanh nghiệp,  Luật Đầu tư, triển khai đồng bộ, vững chắc chương trình cổ phần hoá, phát triển thị trường chứng khoán trong môi trường tài chính tín dụng lành mạnh qua tiếp thu công nghệ quản lý từ hợp tác đầu tư với nước ngoài, Việt Nam sẽ phát huy tốt hơn cơ hội đến từ hội nhập kinh tế toàn cầu.

Phải ngồi lại với nhau

Cho đến nay, ngoại trừ một số thắc mắc của một số nhà đầu tư về cam kết về mở rộng chi nhánh ngân hàng hay quyền phân phối của DN đầu tư như báo chí đã nêu, các thành viên WTO chưa có phản ánh nào về việc thực hiện cam kết gia nhập của Việt Nam trong năm 2007.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, trước mắt, Việt Nam không thuộc diện thành viên phải rà soát thực hiện cam kết hàng năm. Lần rà soát chính thức của WTO với Việt Nam gần nhất cũng phải sau 4 năm nữa, nhưng thẳng thắn đánh giá thì đối với những yêu cầu về thông báo, minh bạch hoá chính sách theo nghĩa vụ của một thành viên WTO, chúng ta còn phải nỗ lực hơn và đầu tư nguồn lực hơn nữa.

Một điểm yếu cần nhanh chóng cải thiện là tình trạng thiếu một cơ chế phối hợp, kết hợp giữa các bộ, ngành trong việc thực thi cam kết. Các bộ, ngành vẫn còn ở tình trạng khép kín, mạnh ai nấy làm nên phần nào hạn chế tính chất đồng bộ, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động chung.

Việc thực hiện cam kết thành viên WTO liên quan và tác động mạnh mẽ lên mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước, đến mọi mặt của đời sống nhân dân. Vì vậy, tốt nhất để thực hiện có hiệu quả mỗi chủ trương, mỗi quyết định quan trọng của Chính phủ về công tác chỉ đạo, phối hợp trong thực thi cam kết WTO, các bộ, ngành nên ngồi lại với nhau, mổ xẻ vấn đề, cái gì cần có hành động gắn kết, cái gì cần phân công rạch ròi nhiệm vụ cho từng lĩnh vực để có từng chương trình tổng thể liên bộ, ngành, từng chương trình riêng biệt, đặc thù.

Và triệu chứng “rời bỏ trận địa”

Nếu so với những gì chúng ta đã phải nỗ lực trong suốt 11 năm để trở thành thành viên chính thức của WTO, thì sự đầu tư cho xây dựng cơ chế chỉ đạo việc thực thi cam kết của ta và tham gia Vòng đàm phán Doha với tư cách thành viên chính thức trong năm qua là chưa tương xứng. Có triệu chứng các bộ, ngành “rời bỏ trận địa” từ sau khi ta được kết nạp vào WTO. Lý do có thể do họ còn quá nhiều ưu tiên khác, cũng có thể họ không có đủ nguồn nhân lực để theo dõi Vòng đàm phán Doha nhằm gắn kết với thực thi cam kết trên từng lĩnh vực cụ thể mà chúng ta đã đàm phán để gia nhập. Chúng tôi đã nêu nhiều đề nghị, nhưng vẫn cảm thấy có sự tiếp tục “khoán trắng”, sự chỉ đạo của các bộ, ngành trong nước rất rời rạc, nếu có thì cũng thường chậm trễ.

Năm 2008 là năm bản lề của Vòng dàm phán Doha với mục tiêu cơ bản giảm thuế quan và trợ cấp cho nông nghiệp, giảm thuế toàn cầu với hàng công nghiệp, mở cửa thị trường dịch vụ thế giới. Do vậy, ngoài việc thực hiện tốt cam kết, tận dụng cơ hội thị trường mới, chúng ta cũng sẽ cần chú trọng việc tham gia tích cực hơn, chủ động hơn vào vòng đàm phán vì mục tiêu phát triển này. Nếu các bộ, ngành không ưu tiên cho cơ chế chỉ đạo đàm phán thương mại toàn cầu và phối hợp thực thi cam kết, không ưu tiên đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho đàm phán, thì sẽ còn nhiều bất cập, nếu không nói là sẽ bị “đuối” trước đòi hỏi ngày càng cao của hội nhập kinh tế thế giới cũng như bỏ lỡ cơ hội mới, lớn hơn khi Vòng đàm phán Doha kết thúc.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Kiều hối “ùn ùn” đổ về (11/01/2008)

>   Giá vàng lại vọt lên mốc kỷ lục (11/01/2008)

>   Tiêu thụ vàng trang sức giảm 30% do giá vàng tăng cao! (11/01/2008)

>   Công ty Bảo hiểm ACE hợp tác với ngân hàng Đông Á (10/01/2008)

>   Giá vàng bất ngờ giảm 12.000 đồng mỗi chỉ (10/01/2008)

>   Phải kiềm chế lạm phát dưới mức tăng GDP (10/01/2008)

>   "Xem mặt" ngân hàng để làm thẻ ATM (10/01/2008)

>   Tiền đồng tăng giá: Nhà xuất khẩu "than trời"! (10/01/2008)

>   "Cánh kéo giá" vàng - đô la (10/01/2008)

>   Các bộ ngành bắt đầu để ý tới giá xăng (10/01/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật