Sẽ điều tiết IPO theo hướng có lợi cho ngân hàng
Sau Vietcombank, 3 ngân hàng quốc doanh khác cũng đang lên lịch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu chiều 8/1 khẳng định sẽ điều tiết tiến độ để đảm bảo lợi ích của Nhà nước cũng như của từng nhà băng.
Tại buổi họp báo chiều 8/1, cuộc gặp chính thức lần đầu tiên giữa ông Nguyễn Văn Giàu với báo giới kể từ khi nhậm chức thống đốc, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, trong đó xoáy sâu vào vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành thị trường tiền tệ, ổn định tỷ giá theo hướng vừa phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vừa kiềm chế lạm phát. Báo chí còn yêu cầu người đứng đầu ngành ngân hàng giải thích về hiện tượng khan hiếm tiền lẻ đang diễn ra trầm trọng và giải pháp của Ngân hàng Nhà nước cho vấn đề này. Vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan để đưa ra giải pháp ổn định thị trường chứng khoán cũng được đặt ra.
Thị trường chứng khoán suy thoái trong thời gian dài, một phần nguyên nhân được chỉ ra là sự tăng hàng một cách ồ ạt (các doanh nghiệp đua nhau phát hành cổ phiếu tăng vốn, thêm nhiều doanh nghiệp lên sàn, các tổng công ty Nhà nước cũng thay nhau lên lịch IPO). Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết đang phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra các biện pháp điều hành thị trường theo hướng hài hòa, kiên quyết không vì cứu thị trường mà đưa ra những quy định cổ súy cho hiện tượng đầu cơ.
Theo ông, sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét lại Chỉ thị 03, trong đó chủ trương tiếp tục cho vay đầu tư chứng khoán, song vẫn kiểm soát chặt chẽ để hạn chế rủi ro.
Liên quan tới IPO của các ngân hàng thương mại quốc doanh, ông Giàu cho biết sau Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), 3 đơn vị còn lại là Công thương (Incombank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long (MHB) vẫn phải đảm bảo lộ trình cổ phần hóa mà Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, thời điểm tiến hành IPO sẽ được tính toán vào lúc thị trường thuận lợi, nhằm đem lại lợi ích cao hơn cho Chính phủ và bản thân ngân hàng.
“Incombank muốn IPO ngay tháng 3, song bản thân họ cũng sẽ phải cân nhắc thời điểm nào thuận lợi nhất”, ông Giàu nói thêm.
Lần đầu tiên sau hơn 10 năm, Việt Nam lại cho phép thành lập mới ngân hàng cổ phần. Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước duyệt về nguyên tắc cho 4 đơn vị và sắp tới sẽ xem xét thêm 5 đơn vị khiến một số chuyên gia lo ngại có thể gián tiếp ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán, khiến nguồn hàng gia tăng. Theo ông Giàu, thành lập mới ngân hàng là nhu cầu của nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước sẽ thận trọng trong việc xét duyệt hồ sơ và cấp phép. Kể từ khi cấp phép cho đến khi hoạt động chính thức, các ngân hàng còn mất nhiều thời gian để chuẩn bị nhân sự, hạ tầng công nghệ và nguồn vốn, vì vậy khó có chuyện ồ ạt thành lập làm xáo trộn thị trường.
Nguồn cung ứng ngoại tệ lại tăng mạnh vào cuối năm, gây sức ép khiến tỷ giá giữa đôla Mỹ và tiền đồng tụt xuống dưới ngưỡng 16.000 đồng. Ngân hàng Nhà nước đứng trước nhiều sức ép, nếu tung tiền đồng ra để mua gom ngoại tệ, nhằm cân bằng cung cầu và cứu tỷ giá sẽ có nguy cơ khiến lạm phát tăng cao hơn (do lượng tiền đồng trong lưu thông tăng lên). Ngược lại, nếu không hút ngoại tệ về, có thể khiến tỷ giá tiếp tục xuống thấp và về lâu dài sẽ không hỗ trợ xuất khẩu, khiến nhập siêu gia tăng.
Trả lời báo chí về giải pháp cho vấn đề tỷ giá, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định Ngân hàng Nhà nước chỉ can thiệp khi thích hợp, chứ không chủ trương mua vào ngay khi nguồn ngoại tệ dồn dập đổ về chỉ để đảm bảo cân bằng nhất thời trên thị trường. Ông cho biết thêm, trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần nới lỏng biên độ tỷ giá (giữa giá mua - bán USD của các ngân hàng và tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng), từ 0,25% lên 0,5% và gần đây nhất là lên 0,75%. “Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước chưa có chủ trương tiếp tục nới lòng biên độ”, ông Giàu khẳng định. Việc nới lỏng biên độ cho phép các ngân hàng linh hoạt hơn trong việc mua bán ngoại tệ.
Chỉ số giá tiêu dùng năm 2007 vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, và nhiều ý kiến cho rằng có một phần nguyên nhân là từ tiền tệ, lượng tiền đồng trong lưu thông tăng mạnh khiến giá hàng hóa đắt đỏ. Tuy nhiên, ông Giàu cho biết năm vừa qua Ngân hàng Nhà nước chưa sử dụng hết chỉ tiêu cung ứng tiền ra lưu thông do Thủ tướng phê duyệt.
Càng gần Tết, tình trạng thiếu tiền lẻ trong chi tiêu càng thêm căng thẳng. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết Ngân hàng Nhà nước đã lường trước vấn đề này từ giữa năm 2007, nhà máy in tiền Quốc gia cũng luôn hoạt động hết công suất, phải làm việc cả ngày lẫn đêm để bù đủ lượng tiền thay thế cho tiền cotton, đồng thời đảm bảo cơ cấu mệnh giá trong lưu thông.
VnE
|