Thủ tướng đối thoại với gần 500 nhà đầu tư
Với tinh thần sẵn sàng lắng nghe, trao đổi, hôm nay, trong khuôn khổ Hội nghị Kinh tế đối ngoại: "Việt Nam - Ngôi sao đang lên ở châu Á", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các bộ trưởng đã đối thoại thẳng thắn với gần 500 DN trong và ngoài nước về nhiều vấn đề nhằm hỗ trợ cho công cuộc hội nhập và phát triển của Việt Nam.
Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: "Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ một nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường. Ngày nay, Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường, là thành viên của WTO và là thành viên năng động, tích cực của cộng đồng quốc tế".
Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, do xuất phát điểm của Việt Nam rất thấp, Việt Nam hiện vẫn còn là một nước đang phát triển với thu nhập thấp, đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức lớn như: chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp; cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, hạn chế việc hấp thu nhanh nguồn vốn...
Cơ sở hạ tầng - "nút thắt" phát triển
Tham gia thảo luận tại Hội nghị, đại diện các tập đoàn như GE, Nokia Siemens Networks, Tata Steel... đã đặt ra nhiều vấn đề đối với sự phát triển và tăng trưởng của Việt Nam, trong đó, cơ sở hạ tầng vẫn là vấn đề lớn nhất.
Theo ông Stuart Dean, Chủ tịch GE khu vực Đông Nam Á, để kinh tế tiếp tục phát triển nhanh, Việt Nam cần xây dựng cơ sở hạ tầng tiến kịp với mức tăng của nền kinh tế. Ví dụ, trong ngành điện, để đảm bảo phát triển kinh tế 9%, ngành điện phải đạt mức tăng 15% mới đáp ứng yêu cầu. Đại diện GE nêu câu hỏi về một kế hoạch cụ thể của Việt Nam trong giải quyết "nút cổ chai" phát triển của Việt Nam.
Trong lĩnh vực công nghệ viễn thông, ghi nhận sự phát triển ấn tượng của Việt Nam trong thời gian qua, ông Christian Fredrikson, GĐ Nokia Siemens Networks khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng chia sẻ những băn khoăn trong phát triển hệ thống đường truyền băng thông rộng tại Việt Nam.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ ràng cơ sở hạ tầng, cũng như nguồn nhân lực, là một khâu mà nếu Việt Nam không đầu tư phát triển nhanh sẽ hạn chế đầu tư
Thủ tướng đã thông tin đến các nhà đầu tư về tình hình triển khai đầu tư các loại hạ tầng cơ sở kỹ thuật của Việt Nam, từ giao thông, điện cho đến viễn thông.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong việc giải quyết hai vấn đề cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, Việt Nam tuân thủ nguyên tắc: Chính phủ vừa trực tiếp đầu tư, vừa khuyến khích, tạo mọi điều kiện để mọi thành phần kinh tế cả trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển. Việc này đem lại lợi ích cho cả Việt Nam cũng như các nhà đầu tư đến Việt Nam.
Hoàn tất cổ phần hóa DNNN vào năm 2010
Cổ phần hóa DNNN cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm lớn của các diễn giả. Các diễn giả quốc tế băn khoăn, dù được thực hiện tích cực thời gian qua, nhưng gần đây, tốc độ cổ phần hóa của Việt Nam có vẻ chậm lại. Các nhà đầu tư thẳng thắn đặt vấn đề: Liệu có hay không việc các DNNN vận động hành lang, làm chậm lại tiến trình này.
Thủ tướng tái khẳng định, hiện nay, cổ phần hóa của Việt Nam đang được đẩy mạnh thuận lợi và hiệu quả.
Việt Nam đặt mục tiêu năm 2010 sẽ cổ phần hóa toàn bộ, trong đó, riêng 2 năm 2008, 2009 thực hiện xong về cơ bản, kể cả các ngân hàng thương mại quốc doanh.
Cổ phần hóa của Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc thị trường, cổ phần hóa gắn liền với niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện, Chính phủ đang nghiên cứu khả năng niêm yết trên thị trường nước ngoài. Chỉ trong 2 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã vốn hóa đạt mức 40% GDP. Đây một phần là kết quả của quá trình cổ phần hóa DN.
Thủ tướng khẳng định, hướng cổ phần hóa đó của Việt Nam là vững chắc và hiệu quả. Quy định hạn chế cổ phần đối với các nhà đầu tư nước ngoài là bước đi cần thiết đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam cũng như các nhà đầu tư.
"Trước lắng nghe, sau nhìn hành động"
Theo ông Kamlesh Patel, đại diện Nokia Siemens Networks, các DN đến dự cuộc đối thoại lần này với mục tiêu chủ yếu là "ngắm, nhận xét Chính phủ Việt Nam phản hồi những gì họ đưa ra như thế nào. Đó là bước khởi đầu để đưa ra những quyết định về sau tại thị trường Việt Nam. Hội nghị là dịp để họ lắng nghe Chính phủ trước, sau đó, sẽ nhìn hành động tiếp theo.
Theo ông Indronil Sengupta, GĐ Điều hành Tata tại Đông Nam Á, Thủ tướng đã làm hài lòng các nhà đầu tư, kinh doanh. Ông cho biết thêm, Việt Nam hiện là thu hút được mối quan tâm đầu tư lớn nhất từ các DN Ấn Độ. Điều này dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng trong 6 tháng của các DN Ấn. Lý do đưa đến lựa chọn này chính là việc Việt Nam có một chính sách đúng đắn nhờ có đội ngũ lãnh đạo đúng đắn.
"Thủ tướng đã cho thấy sự hiểu biết, sâu sát và nắm rõ các vấn đề, đưa rõ các ưu tiên và lộ trình thực hiện. Chúng ta chỉ có thể giải quyết được các vấn đề nếu nắm rõ nó và đưa ra lộ trình. Ngài Thủ tướng của các bạn đã làm được việc đó. Nhà đầu tư chúng tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ giải quyết tốt được các vấn đề của mình", ông Dhep Vongvanich, Giám đốc điều hành tại Việt Nam của SCG, Thái Lan phát biểu.
Tuy nhiên, phần đối thoại của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh không nhận được phản hồi tốt như vậy. Một đại diện DN nước ngoài cho biết, ông cảm thấy Bộ trưởng chưa đưa ra một cam kết đủ mạnh đối với giải quyết vấn đề kinh tế vĩ mô như lạm phát.
Chiều nay, Hội nghị Kinh tế đối ngoại sẽ tiếp tục với nội dung gặp gỡ doanh nghiệp, bàn thảo về những vấn đề như bất động sản, cơ sở hạ tầng...
Ngày mai, đại diện của gần 500 DN sẽ tiếp tục đối thoại với người đứng đầu các Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Công thương, Lao động - Thương binh - Xã hội, Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
VNN
|