Thứ Hai, 07/01/2008 07:42

Nhân viên ngân hàng "lên giá"

Ra ngõ gặp... ngân hàng (NH). Câu nói không ngoa khi thêm 4 NH chuẩn bị thành lập, trong khi các NH đang hoạt động liên tục thành lập phòng giao dịch, chi nhánh mới khiến nhân lực ngành NH trở nên khan hiếm.

Ông Nguyễn Quốc Sỹ - Phó tổng giám đốc NH TMCP Miền Tây (Western Bank), một NH mới xuất hiện tại thị trường TP.HCM cho biết: "Vài năm trở lại đây, các NH cạnh tranh khá gay gắt để thu hút nhân lực. Từ năm 2007 và nhất là thời điểm hiện nay, cuộc cạnh tranh này diễn ra mạnh và khốc liệt hơn trước. Không những nhân sự cao cấp mà cả nhân viên của ngành NH cũng sẽ thiếu trầm trọng. Trước đây, giám đốc một chi nhánh thường có độ tuổi từ 40 trở lên nhưng nay do tình hình khan hiếm nhân lực nên điều kiện này đã được hạ xuống còn 30 tuổi. Đây là cơ hội cho những lao động trẻ".

Với hệ thống các NH dày đặc hiện nay gồm 5 NH nhà nước, 34 NH cổ phần đô thị, 34 chi nhánh NH nước ngoài, 5 NH liên doanh..., nhu cầu sử dụng lao động có chuyên môn tài chính ngân hàng hiện rất cao. "Năm 2006, số lượng lao động trong ngành NH trên địa bàn TP.HCM khoảng 14.000 người. Năm 2007, con số này đã tăng gấp 2 - 3 lần năm 2006 do các NH mở chi nhánh, phòng giao dịch lên đến 1.000. Chưa biết năm 2008, ngành NH sẽ thu hút thêm bao nhiêu lao động nữa trên thị trường" - ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho hay.

Giành người, giữ người đang diễn ra gay gắt giữa các NH. Lương thưởng là một trong những yếu tố quyết định việc đi hay ở của người lao động. Ông Nguyễn Quốc Sỹ cho biết: "Lương thưởng trong ngành NH có tốc độ tăng nhanh nhất. Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây mà lương đã tăng gấp 3 lần. Tuy nhiên, nếu so với ngành chứng khoán thì lương thưởng ngành NH thấp hơn. NH trả từ 8 - 15 triệu đồng thì mới mời được người ở vị trí trưởng phòng giao dịch".

Ngay sau khi NH Nhà nước Việt Nam (SBV) chấp thuận về nguyên tắc cho thành lập 4 NH mới gồm FPT, Bảo Việt, Liên Việt và Dầu khí, thị trường lao động xôn xao với thông tin một trong 4 NH mới này đang rao tuyển vị trí tổng giám đốc với mức lương 15.000 USD/tháng.  Theo một cán bộ NH Nhà nước, NH Nam Đô đã được Thủ tướng cho phép tái cấu trúc lại và sẽ đổi tên thành NH Công nghiệp Việt Nam. Dù chưa đi vào hoạt động nhưng mức thu nhập của Tổng giám đốc NH này dự kiến lên đến 100 triệu đồng/tháng.

Nói đến NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ai cũng biết đến một NH hàng đầu trong ngành với quy mô đồ sộ. Trong thời gian qua, số nhân viên Vietcombank được "săn" khá nhiều với mức thu nhập mời gọi cao hơn. Ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc Vietcombank cho hay: "Xu hướng dịch chuyển nhân sự trong ngành NH là tất yếu trong tình hình hiện nay. Những NH có chính sách chăm sóc tốt thì tình hình nhân sự ra đi sẽ giảm. Chúng tôi cũng biết rằng lương bổng tại Vietcombank thấp hơn các đơn vị khác. Hy vọng rằng sau khi chuyển thành NH cổ phần, NH sẽ có điều kiện giữ người tốt hơn". Theo ông Nguyễn Phước Thanh, việc cổ phần hóa sẽ giúp gắn lợi ích người lao động vào NH. NH sẽ thực hiện được những chính sách đãi ngộ tốt hơn, chính sách tiền lương tốt hơn. Ngoài ra, vị thế của một NH lớn cũng góp phần giúp Vietcombank giữ nhân sự. Ngoài trả thu nhập cao, ông Nguyễn Quốc Sỹ còn cho rằng môi trường làm việc có nhiều cơ hội thăng tiến cũng sẽ tạo sức hút nhân lực, đặc biệt là những NH mới phát triển.

Ông Hồ Hữu Hạnh thừa nhận ngay cả NH Nhà nước còn không giữ được người bởi cơ hội thăng tiến của người lao động rất khó, lương 3 năm mới tăng. NH Nhà nước hiện phải dùng... tình cảm để giữ người là chính.

TN

Các tin tức khác

>   Ngân hàng Campuchia muốn mở văn phòng tại VN (07/01/2008)

>   Tăng lãi suất - Kháng sinh quá liều? (06/01/2008)

>   Bộ trưởng tài chính Nhật thăm Việt Nam (06/01/2008)

>   Giảm tiền mặt để hạn chế cướp (06/01/2008)

>   SeABank tài trợ tín dụng cho dự án mua tàu biển (05/01/2008)

>   Hậu Giang: Mới có 4 máy rút tiền bằng thẻ ATM (05/01/2008)

>   USD mất giá, doanh nghiệp lao đao (05/01/2008)

>   Giá vàng sẽ lên đến đâu ? (05/01/2008)

>   Hà Nội: Người dân xếp hàng bán vàng (05/01/2008)

>   Hy vọng vào cơ chế bình ổn giá xăng, dầu mới (05/01/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật