Kiểm toán Nhà nước vất vả lo giữ chân người tài
Đã có hơn 20 cán bộ, lãnh đạo cấp phòng của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) năm ngoái lần lượt chào tạm biệt cơ quan này. Lãnh đạo KTNN hết sức lo lắng khi nhiều nhân viên giỏi, dày dạn kinh nghiệm của mình bị các công ty chứng khoán, ngân hàng cổ phần lôi kéo với mức lương hậu hĩnh.
Tại buổi tổng kết cuối 2007, Tổng KTNN Vương Đình Huệ cho biết, năm 2007 cơ quan này bị "chảy máu chất xám" vì lý do kinh tế. KTNN đang đứng trước thách thức lớn trong việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng kiểm toán với số lượng và biên chế hiện tại.
Theo ông Huệ, đã có hơn 20 cán bộ, lãnh đạo cấp phòng hoặc trong tầm quy hoạch lên cấp vụ đã ra đi. Đây là những cán bộ được đào tạo, đã trưởng thành, có kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm rất tốt. Các công ty chứng khoán, ngân hàng cổ phần, DN bên ngoài đã lôi kéo họ với mức lương cao và một chức vụ quan trọng.
Do vậy mà vào thời điểm này, KTNN thiếu nghiêm trọng nhân sự cấp cao. Cả cơ quan có một Tổng Kiểm toán và từ tháng 4/2007 mới được bổ sung một Phó Tổng Kiểm toán. Nhiều bộ phận còn không có cấp trưởng, thậm chí, cấp phó cũng chỉ có một người. Cũng trong năm ngoái, KTNN đã phải điều động 20 cán bộ cấp vụ, 50 cán bộ cấp phòng sang nhận nhiệm vụ mới để tránh xáo trộn công việc.
Trong khi đó, việc tuyển dụng cán bộ, kiểm toán viên cũng hết sức khó khăn. Để đáp ứng cho bộ máy nhân sự, đặc biệt là 4 kiểm toán khu vực mới mở tại Yên Bái, Quảng Ninh, Khánh Hoà và Tây Ninh, cả năm vừa rồi KTNN vất vả mới tuyển được 114 nhân viên có chất lượng. Việc tuyển chọn, mặc dù rất khắt khe với tỷ lệ "chọi" 1-10, 1-20, song khi về làm việc KTNN vẫn không níu chân được người giỏi.
Chính vì vậy, ông Huệ nói rằng ở những bộ phận, có cán bộ, kiểm toán viên đã phải làm việc trên 100% sức lực.
"Chúng tôi rất lo vì tới đây chắc chắc sẽ gặp khó khăn về nhân sự. Việc đào tạo được một kiểm toán viên đã rất công phu, chưa nói gì đến cán bộ. Ngoài việc học đại học 4 năm, họ phải mất 3 năm làm việc thực tế, tổng cộng là 7 năm mới có thể kỳ vọng trở thành kiểm toán viên giỏi. Để đạt được chứng chỉ kiểm toán viên cũng phải trải qua một kỳ thi ngặt nghèo", ông Huệ bày tỏ.
Cũng chính vì thiếu người mà một lãnh đạo KTNN chuyên ngành thừa nhận đã phải sử dụng sinh viên mới ra trường để làm công tác kiểm toán, dẫn tới chưa đạt hiệu quả. Vị này cho rằng, với một cơ quan đầu ngành như KTNN, cần tuyển những nhân viên có ít nhất 3 năm kinh nghiệm, tuổi từ 27-35 thì mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Song, trong tình hình khát nhân lực hiện nay, việc này là rất khó.
"Thật may mắn là về đạo đức nhân viên chúng tôi vẫn an toàn, đảm bảo nguyên vẹn đội ngũ, chưa có ai bị xử lý. Tuy nhiên, chưa phát hiện ra sai phạm không có nghĩa là không có sai phạm", ông Huệ cho biết.
2008 được KTNN chọn là năm trong sạch hoá đội ngũ. Cùng với việc tiếp tục tuyển dụng mới khoảng 300 người từ nay đến năm 2009, KTNN đang kỳ vọng sẽ bổ nhiệm đủ 3 Phó Tổng Kiểm toán.
Ông Huệ nói thẳng, tới đây, KTNN sẽ buộc nhân viên mới phải ký cam kết làm việc một thời gian nhất định trong cơ quan nhà nước, tức là dùng biện pháp hành chính ràng buộc chứ không phải là tài chính bởi công ty "săn" người sẵn sàng bỏ tiền ra nộp cho nhân viên giỏi, nếu họ bị phạt ở cơ quan cũ.
Đồng thời, KTNN cũng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng 30 người có trình độ quốc tế, được cấp chứng chỉ ACCA của Anh quốc từ nay đến 2010. Cùng với đó, KTNN sẽ tôn vinh các gương mặt kiểm toán viên xuất sắc và các cuộc kiểm toán chất lượng vàng trong năm. Công việc này được bắt đầu tiến hành từ năm nay nhằm tôn vinh, giữ chân người giỏi ở lại.
Sự bùng nổ của TTCK Việt Nam thời gian qua, với làn sóng lên sàn của các công ty và sự ra đời của các công ty chứng khoán (trên 270 DN niêm yết và khoảng 60 công ty chứng khoán) khiến cho sự thiếu hụt về nhân sự kiểm toán càng trở nên trầm trọng.
Trong khi đó, cả nước chỉ có khoảng 1.000 kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề (trong đó hơn 200 kiểm toán viên có chứng chỉ quốc tế).
Việt Nam phấn đấu đến năm 2010 sẽ có khoảng 3.000 nhân viên hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán, trong đó một nửa có thể đăng ký hành nghề.
VNN
|