Thứ Tư, 23/01/2008 07:27

Hệ lụy từ những cuộc đấu giá

Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm qua 22.1 lại tiếp tục giảm mạnh. Đây cũng là ngày cuối cùng để các nhà đầu tư trúng đấu giá nộp tiền mua cổ phần (CP) Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Ảnh hưởng từ Vietcombank

Anh Hoàng, một nhà đầu tư (NĐT) tại sàn SSI cho biết khi đăng ký mua CP Vietcombank, kế hoạch của anh là sẽ giải ngân bớt một số CP trong danh mục đầu tư trên sàn để lấy tiền nộp vào. Mặc dù cố gắng chờ để giá có thể tăng lại nhưng hôm qua là ngày cuối cùng nên phải bán ra. Theo anh Hoàng, do quyết định đầu tư vào Vietcombank là lâu dài nên phải chấp nhận bán lỗ trên sàn. Bên cạnh hạn chót đóng tiền mua CP Vietcombank thì các NĐT còn phải đóng tiền mua CP Công ty cao su Phước Hòa.

Chỉ số VN-Index trong phiên này đã giảm 26,14 điểm; chỉ còn 807,74 điểm. Khối lượng giao dịch khớp lệnh tại sàn TP.HCM đạt 7,7 triệu chứng khoán (CK) với tổng giá trị 608,3 tỉ đồng. Chỉ có 5 mã CK tăng giá và có đến 134 mã CK giảm giá, 6 mã CK đứng giá. Khối NĐT nước ngoài đã đột ngột tăng lượng bán ra hơn gấp 3 lần lượng CK mua vào. Cụ thể khối này chỉ mua vào 371.620 CK và bán ra 1,45 triệu CK. Tương tự tại sàn Hà Nội, chỉ số Hastc-Index cũng giảm 5,19 điểm, còn 279,3 điểm. Khối lượng giao dịch chỉ có 1,7 triệu CK (giảm gần 20% so với phiên trước).

Ông Võ Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Việt - chi nhánh TP.HCM nhận định, thị trường chứng khoán trong nước hiện nay đã dần dần chịu tác động của thị trường nước ngoài. Vì vậy, khi thị trường chứng khoán các nước giảm xuống thì khối NĐT nước ngoài đang giao dịch tại Việt Nam cũng thận trọng hơn. "Tuy một số giải pháp vĩ mô của cơ quan quản lý đã có nhưng cũng cần phải có thời gian thực thi. Vì vậy, rất khó dự đoán thị trường từ nay đến Tết Âm lịch", ông Tuấn nói. Tuy nhiên, tổng khối lượng đặt mua đã tăng 32% so với phiên trước trong khi tổng khối lượng đặt bán chỉ tăng 13%. Khác với suy nghĩ của số đông, một chuyên gia chứng khoán nhận định, thị trường sụt giảm mạnh do tâm lý NĐT vẫn bất an chứ không hẳn vì Vietcombank "hút" bớt tiền trên sàn giao dịch. Nhưng dù sao, các cuộc đấu giá CP trong thời gian này sẽ khó thành công nếu như không có những yếu tố cực kỳ hấp dẫn để lôi kéo NĐT.

Giá bán CP Sabeco quá cao

Theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ngày 22.1, có hơn 2.400 NĐT (trong đó hơn 2.100 NĐT cá nhân trong nước) đăng ký mua 78,3 triệu CP của Sabeco. Đây là một tỷ lệ thấp so với tổng khối lượng đưa ra bán đấu giá là 128,2 triệu CP. Theo số liệu định giá của NĐT nước ngoài, giá CP Sabeco chỉ khoảng 40.000 - 50.000 đồng/CP. Nếu đưa các khoản đầu tư, bất động sản vào thì giá cũng chỉ lên 60.000 đồng/CP. Còn theo phân tích của một số công ty chứng khoán trong nước, giá CP Sabeco chỉ nằm ở mức 40.000 - 54.600 đồng/CP, mặc dù Sabeco có tầm ảnh hưởng quan trọng đến ngành bia Việt Nam với khoảng 33% thị phần và nhiều tiềm năng trong tương lai.

Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt, NĐT cần thận trọng nếu muốn đầu tư vào Sabeco với mức giá cao hơn 55.000 đồng/CP. Sự không thành công của cuộc IPO Sabeco được nhiều chuyên gia đánh giá rõ ngay từ đầu khi đưa ra vào thời điểm không thuận lợi. Nhất là khi sức cầu trên thị trường quá yếu và tâm lý NĐT khá bi quan. Nhà phân tích chứng khoán Lê Đạt Chí cho rằng chính việc giá bán quá cao đã không thu hút NĐT.

"Tâm lý nhiều NĐT hiện đang lo ngại. Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp hoạt động tốt và giá bán hợp lý thì mới thuyết phục họ tham gia, đăng ký mua", ông Lê Đạt Chí nói. Ví dụ số lượng đăng ký mua CP Công ty TNHH bảo vệ thực vật Sài Gòn hơn 20,5 triệu CP, gấp 10 lần số lượng đưa ra bán đấu giá. Cuộc đấu giá này cũng được tổ chức ngay trước Sabeco 3 ngày. Còn tổng giám đốc một công ty chứng khoán có trụ sở tại TP.HCM cho biết, qua đợt IPO của Vietcombank và Sabeco, rõ ràng Nhà nước đã muốn đưa ra một mức giá bán quá cao nhưng điều đó là không hợp lý. Chẳng hạn khi Nhà nước xác định lại giá trị Vietcombank, nâng từ 11.000 tỉ đồng lên 15.000 tỉ đồng thì mức giá khởi điểm cũng được ra hơn 10 lần mệnh giá. Điều này sẽ khiến cho sức hấp dẫn của việc sở hữu CP ở các doanh nghiệp nhà nước không cao. Nếu không rút kinh nghiệm, kịch bản tương tự có thể xảy ra đối với những cuộc đấu giá các tổng công ty, ngân hàng tiếp theo.

TN

Các tin tức khác

>   TPHCM: Khởi công Tòa tháp Sapphire (22/01/2008)

>   Lượng đặt mua thấp, Sabeco có hoãn đấu giá? (22/01/2008)

>   Xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Xây dựng số 11 (22/01/2008)

>   Gia hạn Giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu cho Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (22/01/2008)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần SABECO (22/01/2008)

>   Thái Bình ban hành cơ chế ưu đãi đối với 2 dự án đầu tư của Vinashin (22/01/2008)

>   Gần 1.800 tỷ đồng xây dựng thủy điện Đa M’Bri (22/01/2008)

>   Đấu giá cổ phần, ế do đâu? (22/01/2008)

>   Công ty cổ phần Liên Minh tăng vốn điều lệ (22/01/2008)

>   IPO lạ kỳ (22/01/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật