Đấu giá cổ phần, ế do đâu?
Theo thông báo của Sở GDCK TP. HCM, đợt đấu giá xấp xỉ 3,2 triệu cổ phần của Công ty Hoàng Long Long An dự kiến tổ chức vào ngày 23/1 phải hoãn lại do hết thời điểm đăng ký đấu giá chỉ có duy nhất 1 NĐT đăng ký. Công ty Thiên Long phải lùi thời hạn đấu giá sang ngày 25/1, thêm một ngày so với lịch. Đại gia Sabeco thì phải lùi ngày thanh toán tiền mua cổ phần sang gần giữa tháng 3 (từ ngày 30/1 đến ngày 10/3), thay hạn 27/2 như thông báo trước. Diễn biến trên TTCK cho thấy, huy động vốn trong năm 2008 không còn quá dễ dàng với DN.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt nhận xét, nhiều công ty tận dụng cơ hội phát hành mà không có dự án, không biết đầu tư vào đâu cho hiệu quả, luẩn quẩn đầu tư tài chính và dắt lưng vài dự án bất động sản. Nhưng đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nào, chuyên nghiệp luôn là yếu tố mấu chốt đảm bảo thành công, đầu tư bất động sản như hiện nay với một số DN chỉ đơn thuần là đầu cơ và rủi ro tiềm ẩn không ít. Vấn đề NĐT quan tâm là DN tập trung cho ngành nghề kinh doanh cốt lõi và tập trung gia tăng EPS lại không được chú ý. Theo ông Phan Đức Trung, Tổng giám đốc FPT Capital, EPS của DN thấp do bị pha loãng quá nhiều.
Mục đích sử dụng vốn chưa có gì đảm bảo sẽ hiệu quả, thị trường chính thức lại không mấy sôi động, trong khi thị trường OTC tiếp tục đóng băng là lý do chính khiến NĐT không mấy quan tâm tới các đợt đấu giá cổ phần. Vậy nhưng, nhiều công ty lại đưa ra giá khởi điểm quá cao, mà nếu căn cứ theo phương pháp tính cơ bản như chiết khấu luồng cổ tức hay tính theo hệ số nhân, giá chỉ bằng một nửa. Đơn cử như cổ phần Sabeco, tính toán theo phương pháp nào, giá cũng chỉ xoay quanh 38.000 - 40.000 đồng/CP, thử hỏi với thị trường này, nỗ lực của DN sau CPH lớn chừng nào để tương ứng với mức giá gần gấp đôi chào bán. Kết thúc thời điểm đăng ký, thông tin khảo sát sơ bộ từ các CTCK cho thấy, lượng đăng ký mua cổ phần Sabeco không mấy khả quan cũng là điều dễ hiểu.
Đề cập đến cơ hội huy động vốn của DN trong năm 2008, các chuyên gia nước ngoài cũng nhận định không còn chuyện quá dễ dàng. Ông Fiachra Mac Cana, Tổng giám đốc CTCK VinaSecurities cho biết, thị trường tài chính thế giới biến động theo chiều hướng không mấy thuận lợi khiến nhiều NĐT mạo hiểm e ngại, vốn gián tiếp đổ vào Việt Nam có thể dè dặt hơn. Nhìn nhận này cũng được chia sẻ bởi ông Lito Camacho, Phó chủ tịch Credit Suisse châu Á. Ông cho biết: "Khả năng huy động vốn cho các quỹ đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam năm 2008 sẽ chịu tác động rất lớn từ thân nhiệt thị trường tài chính quốc tế".
Thế thời thay đổi, NĐT ngày một thông minh hơn, vậy hà cớ gì DN cứ khư khư quan điểm cũ: phải bằng mọi cách huy động vốn ở giá cao. Lãnh đạo một DN trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng thất bại trong đợt chào bán cổ phần mới đây cho hay, bản thân họ không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nhờ đến CTCK làm tư vấn và chủ yếu phó thác cho họ. CTCK lại than rằng, những quy định cứng nhắc của cơ quan quản lý đang cản trở khả năng huy động vốn của DN. Cụ thể, giá phát hành, giá bảo lãnh cho một đợt chào bán phải ấn định ngay khi nộp hồ sơ lên UBCK, thị trường đảo chiều nhanh, có những bộ hồ sơ kể từ khi nộp cho tới lúc được cấp phép kéo dài tới 2-3 tháng, thử hỏi sao giá khởi điểm không lạc hậu?
Còn DNNN lớn thực hiện IPO cũng chẳng sung sướng chút nào. Một nguồn tin thân cận với Sabeco cho biết, công ty tư vấn chỉ đưa ra giá khởi điểm khoảng 40.000 đồng/CP, song sau một hồi lòng vòng xin ý kiến cơ quan quản lý, giá ấn định cuối cùng tới 70.000 đồng/CP, thời điểm thực hiện IPO lại càng tréo ngoe hơn khiến ngay cả DN cũng thấy "cực chẳng đã".
TTCK nào cũng gồm cả giao dịch sơ cấp và thứ cấp, tại thị trường sơ cấp, DN có thể huy động được vốn để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh và tạo ra giá trị cốt lõi gia tăng cho NĐT; trên thị trường thứ cấp, tiền không sinh ra mà từ túi người này chạy sang túi người kia nhưng sự sôi động của nó giúp cho thị trường sơ cấp phát triển. Một đợt IPO lớn thành công, thị trường thứ cấp chắc hẳn sẽ được sưởi ấm hơn nhiều. Song quan niệm như thế nào là thành công lại không hề đơn giản, IPO Đạm Phú Mỹ có thành công? Ở thời điểm cuộc đấu giá kết thúc, có ý kiến cho rằng, bán giá ấy làm thất thoát tài sản nhà nước nhưng ở thời điểm này, không ít DN lớn đang nhìn vào đó như một niềm mơ ước. Bán hết cổ phần trên giá khởi điểm, NĐT trúng giá không cảm thấy thiệt thòi, bỏ cọc, NĐT chiến lược nước ngoài sẵn sàng tham gia đó là một đợt đấu giá thành công. Dòng tiền trong dân còn rất lớn, tiền trong túi NĐT ngoại cũng sẵn sàng, hàng hóa tốt thật đấy nhưng giá cả đưa ra cứ vời vợi thì làm sao kẻ bán người mua dễ gặp nhau.
ĐTCK
|