10 sự kiện tài chính - ngân hàng - chứng khoán 2007
VietNamNet xin giới thiệu 10 sự kiện nổi bật về tài chính – tiền tệ – chứng khoán của năm 2007 dưới góc nhìn của một chuyên gia tài chính ngân hàng.
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Chỉ thị 03 về hạn chế vốn của các NHTM cho khách hàng vay đầu tư vào chứng khoán
Chỉ thị số 03/2007/CT – NHNN, ngày 28/5/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tỷ lệ dư nợ vốn cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá,… để khách hàng đầu tư, kinh doanh chứng khoán của tổ chức tín dụng ở mức dưới 3% tổng dư nợ của tổ chức tín dụng đó. Mức quy định dưới 3% các Tổ chức tín dụng phải thực hiện với thời điểm cuối cùng là 31/12/2007.
Chỉ thị đó đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, sự phản ứng dữ dội của các NHTM cổ phần, của các nhà đầu tư và tác động thiếu tích cực đến thị trường. Bởi vì, trước đó Ngân hàng Nhà nước không đưa ra biện pháp gì để quản lý vấn đề này, đến khi vốn tín dụng của các NHTM cổ phần cho khách hàng vay đầu tư vào chứng khoán quá lớn thì mới vội vàng đưa ra biện pháp hành chính can thiệp sâu và đột ngột vào hoạt động tự chủ của NHTM.
Chỉ thị 03 ban hành đúng thời điểm TTCK đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh, nên lại càng làm cho thị trường điều chỉnh mạnh hơn. Trong khi đó NHNN cho rằng đây là biện pháp cần thiết để hạn chế vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào TTCK vì gây tiềm ẩn rủi ro cho cả Ngân hàng thương mại cho vay và cả TTCK Việt Nam.
2. Cổ phần hoá Ngân hàng ngoại thương Việt Nam thu hút sự quan tâm lớn của dư luận và các nhà đầu tư ở cả trong, ngoài nước
Kế hoạch cổ phần hoá Ngân hàng ngoại thương Việt Nam được đề ra từ năm 2004, đã nhiều lần bị trì hoãn, thay đổi thời hạn và bị kéo dài trong nhiều năm, nhiều lần thay đổi kế hoạch. Cuối cùng việc tổ chức đấu giá phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng - IPO đượt thực hiện cuối tháng 12/2007 được coi là đã thành công bước đầu. Tổng số có 9.473 nhà đầu tư đăng ký tham gia, đặt mua 122.217.200 cổ phiếu; trong khi đó số lượng chào bán là 97,5 triệu cổ phiếu, riêng nhà đầu tư nước ngoài được mua 9,25 triệu cổ phiếu. Mức giá sàn là 100.000 đồng/cổ phiếu.
Kết quả đấu thầu được công bố ngày 27/12/2007 cho thấy giá trúng thầu bình quân là 107.860 đồng/cp. Lệnh trúng thầu cao nhất là 250.000 đồng/cp, tuy nhiên chỉ có khối lượng đặt mua là 4.000 cp, giá trúng thầu thấp nhất là 102.000 đồng/cp, giá bỏ thầu thấp nhất là 100.000 đồng.
Tổ chức trong nước trúng thầu là 30.463.448 cổ phần, tổ chức nước ngoài trúng thầu 28.082.600 cổ phần; cá nhân trong nước trúng thầu 38.121.718 cổ phần, cá nhân nước ngoài trúng thầu 652.234 cổ phần.
Các nhà đầu tư nước ngoài trúng thầu trên 98% so với khối lượng dự kiến bán cho khối này theo tỷ lệ quy định. Song việc các nhà đầu tư có nộp tiền mua hết số lượng cổ phần đã trúng thầu hay không là cả một câu hỏi lớn, vì riêng các nhà đầu tư cá nhân phải lo gần 4.000 tỷ đồng trong thời gian có 1 tháng để nộp theo quy định, trong khi vốn tiền mặt của các nhà đầu tư đang cạn, thị trường đi xuống. Đồng thời ngay trong ngày 27/12/2007, giá giao bán cổ phiếu Vietcombank trên thị trường OTC chỉ có 103.500 đồng/cổ phiếu.
3. Thành công một nửa trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước
Mục tiêu của chính sách tiền tệ đó là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định tiền tệ, kiềm chế lạm phát. Nền kinh tế năm 2007 tăng 8,44%, cao nhất trong 11 năm qua, có nguyên nhân hàng đầu đó là hoạt động của các ngân hàng thương mại hiệu quả, đạt mức tăng trưởng cao, huy động khối lượng lớn vốn và đầu tư vốn với tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay cho nền kinh tế
Tuy nhiên chỉ số giá tiêu dùng CPI đã tăng tới 12,6% có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân của một bộ phận dư luận cho rằng Ngân hàng Nhà nước cung ứng hơn 100.000 tỷ đồng Việt Nam ra mua ngoại tệ và do tín dụng tăng trưởng nóng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng gấp 2 lần tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thu hút một khối lượng lớn tiền từ lưu thông về thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
4. Thị trường chứng khoán diễn biến thất thường nhưng nhìn chung tiếp tục bùng nổ về quy mô, số lượng công ty chứng khoán tiếp tục nở rộ
Mặc dù trong năm 2007, TTCK Việt Nam diễn biến bất thường, trồi sụt khác nhau, tăng tột đỉnh trong tháng 3 và giảm mạnh trong tháng 8/2007, nhưng nhìn chung đạt quy mô tăng trưởng rất lớn. Theo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, tính riêng trong năm 2007, TTCK đã huy động được 90.000 tỷ đồng vốn cho các doanh nghiệp, bao gồm cả hoạt động phát hành, đấu giá trên thị trường chính thức.
Cũng tính đến hết năm 2007, tổng số vốn hoá toàn TTCK Việt Nam chiếm 39,4% GDP, so với mức 22,7% cuối năm 2006, có tổng số 250 doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên thị trường chính thức. Nếu tính cả giá trị vốn hoá của trái phiếu, thị vốn hoá TTCK Việt Nam lên tới trên 50% GDP, một mức mà cách đây một năm không ai có thể dự đoán đạt tới được.
Cũng tính riêng trong năm 2007, có tổng số 179 công ty được chào bán 2,46 tỷ cổ phiếu ra công chúng, tương ứng với khoảng 48.000 tỷ đồng, gấp 25 lần năm 2006. Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cũng tổ chức phát hành được 3,468 triệu trái phiếu, tương đương 3.750 tỷ đồng cho 3 NHTM cổ phần; 25 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương 250 tỷ đồng cho Quỹ đầu tư tăng trưởng Manulife.
Cũng tính đến hết tháng 12-2007, TTCK thu hút hơn 500 triệu trái phiếu các loại, bao gồm: trái phiếu Chính phủ, Trái phiếu đô thị, Trái phiếu công trình, Trái phiếu Ngân hàng thương mại. Tổng giá trị vốn hoá Trái phiếu lên tới 82.000 tỷ đồng, chiếm 8,4% GDP năm 2006. Theo xu hướng này, dự báo đến hết năm 2008, tổng số vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đạt 35 – 40 tỷ USD, chiếm tới trên 60% GDP của năm 2008.
Tính đến hết năm 2007, tổng số có trên 80 Công ty chứng khoán được cấp giấy phép, trong đó có 68 Công ty đã khai trương hoạt động, trở thành thành viên của Sở GDCK TP HCM – HoSE và Trung tâm GDCK Hà Nội – HASTC. Riêng số lượng công ty chứng khoán được cấp giấy phép hoạt động trong năm 2007 đã bằng cả 7 năm trước cộng lại. Trong khi đó hiện nay còn gần 70 bộ hờ sơ xin thành lập công ty chứng khoán đang nộp tại UBCK Nhà nước chờ đợi được xem xét cấp giấy phép.
5. Nguồn kiều hối chuyển về nước tăng cao nhất từ trước tới nay
Nguồn kiều hối chuyển về nước tăng mạnh. Ước tính đến hết tháng 12-2007 riêng lượng kiều hối chuyển về TP HCM lên tới trên 4,0 tỷ USD. Đó là con số thống kê được, chưa kể kiều hối chuyển bằng các con đường khác. Trong cả nước, nếu như lượng kiều hối chuyển về năm 2005 mới đạt gần 4,0 tỷ USD, thì năm 2006 tăng lên 5,2 tỷ USD và năm 2007 dự báo con số thống kê được đạt trên 6,0 tỷ USD.
Theo thống kê trên tờ New York Times, thì số tiền người Việt Nam chuyển về nước năm 2006 là 6,82 tỷ USD, đứng hàng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á chỉ sau Philippines (14,8 tỷ USD). Con số này tương đương với 11,21% GDP và tính bình quân mỗi người Việt Nam ở nước ngoài gửi về nước trong năm 2006 là 3.398,42 USD. Tính chung ở châu Á, Việt Nam đứng hàng thứ tư về số tiền gửi về, sau Ấn Độ: 24,50 tỷ USD, Trung Quốc: 21,07 tỷ USD và Philippines.
Như vậy với thực tế này, ước tính số tiền người Việt Nam gửi về nước trong năm 2007 sẽ vượt con số 7,5 tỷ USD. Trong khi đó một số nguồn tin khác dự báo kiều hối năm 2007 của Việt Nam đạt tới 9-10 tỷ USD
6. Ngân hàng Nhà nước mua vào khối lượng ngoại tệ kỷ lục
Trong năm 2007, các nguồn vốn ngoại tệ vào Việt Nam tăng mạnh, ước đạt trên 20 tỷ USD. Trong đó riêng vốn đầu tư gián tiếp trên TTCK lên tới 5,3 – 5,5 tỷ USD, vốn ODA thực hiện khoảng 2,5 tỷ USD so vơi scon số cam kết là 5,4 tỷ USD, vốn FDI đăng ký đạt 20,3 tỷ USD, nguồn thu từ dịch vụ và du lịch với lượng khách quốc tế đạt 4,2 triệu người, kiều hối... Thực hiện mục tiêu trên đất nước Việt Nam chỉ sử dụng đồng tiền Việt Nam, thực hiện mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tăng cường quỹ dự trữ ngoại tệ, ổn định tỷ giá có hướng đến thúc đẩy xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào một khối lượng ngoại tệ rất lớn. Tính đến hết năm 2007 lượng ngoại tệ NHNN mua vào và tung khoảng 150.000 tỷ đến 160.000 tỷ Đồng Việt Nam ra lưu thông, để mua khoảng 9 – 10 tỷ USD.
7. Hệ thống NHTM cổ phần tiếp tục phát triển mạnh cả về quy mô, chất lượng, cả về hiệu quả và số lượng, nhiều NHTM cổ phần mới chuẩn bị khai trương hoạt động.
Tính đến hết năm 2007, cả nước có 36 NHTM cổ phần, có tốc độ tăng trưởng cao gấp hơn 2 lần tốc độ tăng bình quân chung của ngành ngân hàng, gấp 2,5 lần tốc độ tăng của các NHTM Nhà nước. Nhiều NHTM cổ phần có tốc độ tăng quy mô tổng tài sản, vốn huy động, dư nợ cho vay, lợi nhuận trước thuế, màng lưới giao dịch.. tới 60% đến hơn 100%, thậm chí 200% - 400% so với cuối năm 2006.
Đặc biệt là 4 NHTM cổ phần: Bảo Việt, Tài chính Dầu Khí, Liên Việt, FPT được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về mặt nguyên tắc cho thành lập mới, có tổng số vốn điều lệ lên tới 10.500 tỷ đồng, gần bằng số vốn điều lệ của 8 NHTM cổ phần hiện đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội; trong số đó NHTM CP Tài chính dầu khí có số vốn tới 5.000 tỷ đồng, đứng đầu khối NHTM CP hiện nay, với cổ đông lớn nhất là Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam nắm giữ 20% cổ phần; NHTM CP Liên Việt có số vốn tới 3.300 tỷ đồng. NHTM CP Bảo Việt có số vốn 1.000 tỷ đồng, với cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Bảo Việt nắm giữ 40% cổ phần. Tới đây 2 NHTM CP khác là NHTM CP Công nghiệp Việt Nam trong đó Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nắm giữ 23% cổ phần, NHTM CP Ngoại thương châu á trong đó Ngân hàng ngoại thương Việt Nam nắm giữ 20% cổ phần, cũng sẽ được NHNN xem xét chấp thuận về mặt nguyên tắc cấp phép thành lập.
Bên cạnh đó một số NHTM cổ phần khác cũng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để gửi lại NHNN, ước tính số vốn điều lệ đăng ký tới gần 10.000 tỷ đồng.
8. Các Ngân hàng nước ngoài và định chế tài chính quốc tế mở rộng hoạt động tại Việt Nam qua nhiều kênh đầu tư khác nhau
Sau gần 20 năm đổi mới và hơn 1 năm gia nhập WTO, tính đến hết năm 2007 ở nước ta có 35 chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, 5 Ngân hàng liên doanh với nước ngoài, 4 Công ty liên doanh cho thuê tài chính và 2 Công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài. Các Ngân hàng và công ty cho thuê tài chính đó đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đó còn có khoảng 50 Văn phòng đại diện Ngân hàng nước ngoài, hàng loạt quỹ đầu tư ở Việt Nam…đang hoạt động. Tổng tài sản của các chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng có vốn đầu tư nước ngoài lên tới trên 215.000 tỷ đồng. Cũng tính đến hết năm 2007, tổng thu nhập trước thuế của khối Ngân hàng và tổ chức tín dụng có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 2.400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó tính đến hết năm 2007, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được 19 hồ sơ xin cấp phép thành lập chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và 5 bộ hồ sơ xin thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam. Trong số 19 hồ sơ xin thành lập chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, thì có 3 hồ sơ đã được chấp thuận về nguyên tắc là Commonwealth Bank của Australia, IBK Hàn Quốc, Fubon của Đài Loan. Hồ sơ của Sumitomo Mitsui Bank còn thiếu bản ghi nhớ về thanh tra giám sát giữa Ngân hàng Nhà nước và cơ quan giám sát nước sở tại.
Tập đoàn Ngân hàng ANZ có kế hoạch mở 10 – 15 chi nhánh ở Việt Nam vào cuối năm 2008, khi ANZ nhận được giấy phép hoạt động với tư cách 100 % vốn nước ngoài tại Việt Nam. HSBC và Standard Chartered Bank cũng đang xúc tiến mở Ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Các Ngân hàng nước ngoài cũng mở rộng đầu tư vốn vào các NHTM cổ phần Việt Nam. Tập đoàn ngân hàng hàng đầu thế giới của Anh: Hongkong and Shanghai Banking Corporation – HSBC tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ tại NHTM cổ phần Kỹ thương lên 15%, OCBC của Singapore cũng tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ tại VP Bank lên 15%. Deutsche Bank của Đức mua 10% vốn điều lệ của Habubank. Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) , một trong số ít Tập đoàn ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản và thế giới, mua 15% vốn điều lệ của Eximbank.
9. Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và khối lượng thu tiền về qua nghiệp vụ thị trưởng mở tăng cao nhát trong nhiều năm qua, nhằm kiềm chế lạm phát
Theo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ được đặt ra NHNN Việt Nam trong thời gian dài cho đến tháng 5/2007 tiếp tục giữ ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với cả tiền gửi nội tệ và ngoại tệ. Nhưng từ tháng 6/2007, NHNN tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Cụ thể mức dự trữ bắt buộc tiền gửi nội tệ dưới 12 tháng của hầu hết các NHTM tăng từ 5% lên 10%, của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam tăng từ 4% lên 8%, của Quỹ tín dụng từ 2% lên 4%. Tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ kỳ hạn dưới 12 tháng tăng từ 8% lên 10%; kỳ hạn từ 12 đến 24 tháng tăng từ 2% lên 4%.
10. Dịch vụ ngân hàng phát triển đa dạng và tiện ích với tốc độ cao dựa trên nền tảng công nghệ ngân hàng hiện đại
Tính đến nay trong cả nước có khoảng 8,2 triệu tài khoản cá nhân, với gần 6 triệu thẻ ATM dã được phát hành, trên 4.500 máy ATM đã được lắp đặt. Ngoài chức năng là tài khoản tiền gửi thông thường của cá nhân, các NHTM còn cung cấp dịch vụ ngân hàng thấu chi trên tài khoản, với hạn mức thấu chi dựa trên thu nhập ổn định hàng tháng, mức tiền lương, tài sản đảm bảo khác…
Ngày 25/10/2007 một Liên minh thẻ đã chính thức ra đời với tên gọi chính thức là Công ty dịch vụ thẻ thanh toán điện tử Smarlink, do Ngân hàng ngoại thương Việt Nam chủ trì cùng 15 NHTM cổ phần và 2 cổ đông sáng lập khác. Bên cạnh đó Banknet do 3 NHTM Nhà nước cùng một số NHTM cổ phần khác thành lập cũng đã đi vào hoạt động. Banknet và Smarlink đã ký kết thoả thuận hợp tác kết nối hai mạng thanh toán thẻ ATM lớn nhất Việt Nam này.
Đa dạng các sản phẩm của dịch vụ ngân hàng cá nhân, các NHTM đang mở rộng dịch vụ cho vay vốn trả góp mua ô tô, kể cả xe du lịch gia đình, xe du lịch kinh doanh, xe vận tải. Các dịch vụ khác, như: cho vay tiền đi du học nước ngoài, đi chữa bệnh ở nước ngoài, tiền đặt cọc đi xuất khẩu lao động,…cũng được các NHTM mở rộng trong phạm vi cả nước.
Năm 2007, đánh giá một bước phát triển cơ bản về hiện đại hoá công nghệ ngân hàng của các NHTM Việt Nam. Tiêu biểu đó là đưa vào sử dụng Công nghệ phần mềm lõi – Core Banking. Đây chính là phần mềm các nghiệp vụ cơ bản của NHTM, như: quản lý tiền gửi, tiền vay, quản lý hồ sơ khách hàng. Trên cơ sở phần mềm lõi, NHTM phát triển thêm nhiều chương trình quản lý sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích và hiện đại khác, phát triển chương trình quản lý và điều hành nội bộ, giao dịch ngân hàng một cửa, chuyển tiền điện tử,….
VnE
|