Cổ phiếu ACB: Thử tìm giá trong ngày chốt quyền
Giá cổ phiếu ACB sau điều chỉnh có khả năng rơi vào khoảng 125.000 VND - 135.000 VND, tương ứng mức điều chỉnh 23%-18%.
Ngày 2/1/2008, ACB chốt quyền mua trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) cho cổ đông hiện hữu. TPCĐ có mệnh giá 1 triệu đồng, lãi suất 8%/năm và có tỷ lệ chuyển đổi 1 trái phiếu : 100 cổ phiếu, tức là 1 cổ phiếu được mua theo mệnh giá 10.000 VND. Một cổ phiếu hiện tại được quyền mua 0,005133 TPCĐ, tương đương 0,5133 cổ phiếu sau khi chuyển đổi.
Về vấn đề này, ngày 26/12/2007, HASTC đã có văn bản thông báo mở rộng biên độ giao dịch ngày chốt quyền mua TPCĐ của ACB (2/1/2008) từ 10% thành 30%. Giả sử giá bình quân gia quyền trước ngày chốt là 163.000 VND thì giá giao dịch ngày chốt quyền sẽ nằm trong khoảng 114.100 VND đến 211.900 VND.
Trong bài viết trước, người viết đã phân tích ảnh hưởng của việc phát hành quyền mua giá ưu đãi với giá cổ phiếu và sự cần thiết điều chỉnh giá tham chiếu. Trong bài viết này, người viết xin chia sẻ một vài suy nghĩ về phương án mở rộng biên độ giao dịch và nhận định về mức giá điều chỉnh của cổ phiếu ACB trong ngày chốt quyền.
Các chia sẻ phân tích không đưa ra nhằm đưa ra nhận xét về tính hợp lý của giá cổ phiếu ACB cho mục đích đầu tư mà chỉ thuần túy nhìn nhận ở khía cạnh pha loãng giá do việc phát hành TPCĐ ưu đãi cho cổ đông hiện hữu.
Khoảng trống biên độ - Quả bóng “rủi ro” rơi vào ai?
Trước hết phải thừa nhận rằng, trong hoàn cảnh các thông số cần thiết để tính mức pha loãng của cổ phiếu còn đang bỏ ngỏ, giải pháp mở rộng biên độ giao dich của HASTC được đưa ra là một giải pháp khá hợp lý. Điểm tích cực nhất của giải pháp này là sự thừa nhận về hiệu ứng pha loãng cổ phiếu của cơ quan quản lý thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư mua cổ phiếu sau ngày chốt.
Mức biên độ 30% đưa ra cũng là khá hợp lý vì đã gần như bao quát được khả năng pha loãng tối đa của cổ phiếu. Khả năng pha loãng tối đa xảy ra khi quyền mua (warrant value) có giá trị cao nhất, tức là trong trường hợp ACB không tiến hành bất cứ một hành động phát hành tăng vốn trong suốt thời hạn lưu hành của TPCĐ. Lúc đó, giá điều chỉnh sẽ áp dụng như trường hợp phát hành cổ phiếu thưởng là (163.000 + 5.133) / 1.5133 = 111.104. Mức độ pha loãng trong trường hợp này là 32%.
Tại các nước phát triển, giá tham chiếu không quá quan trọng vì người ta không khống chế biên độ giao dịch. Khi thị trường đã phát triển đến một mức nào đó, trình độ nhà đầu tư được nâng cao, tâm lý bầy đàn được hạn chế thì biên độ giao dịch có thể bỏ. Nhà đầu tư hoàn toàn quyết định giá mua bán. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là sự minh bạch thông tin để nhà đầu tư có thể định giá “hàng hóa” trước khi ra quyết định mua bán.
Rất tiếc trong trường hợp này, các thông tin cần thiết để tính toán mức độ pha loãng của cổ phiếu do phát hành TPCĐ đã không có được. Cũng chính vì lý do này HASTC không thể tính được mức giá tham chiếu điều chỉnh và mở rộng biên độ là một giải pháp tình thế. Vấn đề ở đây không đơn giản là giá tham chiếu (nếu chúng ta cho rằng giá tham chiếu không quan trọng) mà là không thể định giá cổ phiếu và TPCĐ được.
Nhà đầu tư được phép “tưởng tượng” mức pha loãng do phát hành TPCĐ và tự quyết định một mức giá trong khoảng biên độ 60% từ 114.100 VND đến 211.900 VND. Đây là một “đánh đố” với không chỉ các nhà đầu tư bình thường mà cả các chuyên gia tài chính. Quả bóng “rủi ro” cuối cùng đã được truyền sang cho các nhà đầu tư mà không phải ACB hay cơ quan quản lý thị trường?
Chúng ta cần nhìn nhận giải pháp đưa ra của HASTC là tích cực trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể song mới chỉ giải quyết được phần “ngọn” của vấn đề. Để giải quyết phần “gốc” của vấn đề, doanh nghiệp cần công khai hóa toàn bộ lộ trình pha loãng giá cổ phiếu trong quá trình lưu hành TPCĐ (quyền mua cổ phiếu) và cam kết thực hiện lộ trình này theo các quy định về chống pha loãng cổ phiếu. Doanh nghiệp nào không đáp ứng điều kiện này thì cơ quan quản lý thị trường có thể cấm lưu hành “hàng hóa” không có cơ sở định giá.
Chỉ có như vậy TPCĐ (và quyền mua cổ phiếu) mới được định giá một cách tin cậy và làm cơ sở điều chỉnh giá tham chiếu trong ngày chốt quyền. Sự thiếu vắng các thông tin này có thể làm nhà đầu tư rơi vào vòng xoáy “cần gà đẻ trứng, cần trứng ấp gà”.
vneconomy
|