Sửng sốt trước kiểu công bố của IFC
Sự kiện International Finance Corporation (IFC) - cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) - đăng ký bán gần 9 triệu cổ phiếu (CP) vừa được công bố đã khiến các nhà đầu tư (NĐT) rất bất ngờ.
Thông tin chậm và thiếu
Ngày 25.12, nhiều NĐT sửng sốt trước thông tin công bố IFC đăng ký bán 9 triệu CP STB, thực hiện từ ngày 25.12. Trước đó vào chiều 24.12, nhiều NĐT vẫn chưa hề biết đến thông tin này. Ông Nguyễn Tuấn - một NĐT tại sàn chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (TP.HCM) - giận dữ cho rằng thông tin này công bố như vậy là quá chậm. Theo ông Tuấn, thông báo đó chỉ được đưa lên trang web của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) lúc gần 16 giờ ngày 24.12, những người không thường xuyên lên mạng thì làm sao biết ngay được. Điều này là không công bằng cho những NĐT cá nhân. Ông Tuấn cũng cho rằng vào thời điểm thị trường khá nhạy cảm như hiện nay thì những thông tin trên sẽ tác động mạnh đến tâm lý NĐT và sẽ ảnh hưởng đến giá những CP khác nữa, nhất là khối lượng giao dịch của STB luôn chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường.
Không chỉ riêng STB, nhiều công bố về giao dịch của cổ đông nội bộ hay người có liên quan của công ty niêm yết đều được đưa ra sát với ngày chính thức thực hiện. Chẳng hạn thông báo về giao dịch mua 60.000 CP Công ty cổ phần Kho vận giao nhận ngoại thương (TMS) từ ngày 25.12 của Công ty TNHH TM-XD-SX Thiên Hải do ông Bùi Tuấn Ngọc làm đại diện. Đây là thành viên HĐQT của TMS và thông báo này được công bố trên website của HOSE lúc 16 giờ ngày 24.12. Hay thông báo đưa ra ngày 24.12 về việc đăng ký bán 3.000 CP Công ty cổ phần Thép Việt Ý (VIS) của ông Ngô Xuân Toàn - Phó tổng giám đốc VIS và giao dịch được thực hiện từ ngày 25.12... Ông Lê Vinh - một NĐT trên sàn ACBS - cho rằng khi người có liên quan và đặc biệt là thành viên HĐQT công ty niêm yết có ý định bán hoặc mua chính CP công ty đó thì phải công bố sớm hơn. "Những giao dịch đó đều có kế hoạch từ trước chứ không phải là tức thời. Việc công bố thông tin chậm là không công bằng với các NĐT nhỏ lẻ, nhất là những giao dịch với khối lượng lớn. Điều này sẽ khiến NĐT nghi ngờ vào những động cơ khác nhau của thành viên ban điều hành công ty này", ông Lê Vinh nói.
Không chỉ công bố thông tin chậm, nhiều giao dịch của cổ đông nội bộ hay người có liên quan được thực hiện còn không hề thông báo. Ngày 26.12, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ký quyết định xử phạt 8 cá nhân vi phạm về điều này và xử phạt từ 10 triệu - 20 triệu đồng/người. Đó là Nguyễn Văn Mạnh - thành viên HĐQT Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương; Huỳnh Quốc Hưng - người có liên quan với bà Phạm Tâm Hưng (Kế toán trưởng Công ty chứng khoán Sài Gòn - SSI); Nguyễn Hương Liên - liên quan với bà Nguyễn Vân Hương (Giám đốc kinh doanh Công ty chứng khoán SSI); Hồ Thị Thu Vân - Kiểm soát viên Công ty sản xuất Thương mại May Sài Gòn; Trần Phước Anh - Phó tổng giám đốc Công ty Đường Biên Hòa; Mai Quang Liêm - người có liên quan với bà Mai Kiều Liên (Chủ tịch HĐQT Vinamilk); Nguyễn Văn Hiến - liên quan với ông Nguyễn Văn Khải (Trưởng ban kiểm soát Công ty SSI) và Lưu Thị Thanh Điệp - liên quan với ông Lưu Tiến Ái (Chủ tịch HĐQT Công ty Hàng hải Sài Gòn).
Cần tạo niềm tin cho nhà đầu tư
Theo quy định, việc công bố thông tin giao dịch của cổ đông nội bộ, người có liên quan của công ty niêm yết chậm nhất là một ngày làm việc trước khi thực hiện. Quy định này - theo NĐT Nguyễn Tuấn - là không phù hợp bởi thời hạn quá sát, có thể gây thiệt hại cho những NĐT cá nhân. Nên chăng phải quy định công bố ít nhất trước 3 ngày thực hiện. NĐT Lê Vinh cũng cho rằng việc công bố thông tin giao dịch trước một khoảng thời gian là điều cần thiết. Điều này cho thấy công ty càng có sự minh bạch rõ ràng hơn.
Theo ông Lâm Minh Chánh - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đại Việt - việc công bố thông tin của doanh nghiệp, nhất là thông tin về giao dịch nội bộ chưa được quan tâm đúng mức, chưa thể hiện được tính chuyên nghiệp. Điều này cũng thể hiện mối quan hệ giữa công ty niêm yết với cổ đông chưa được chặt chẽ. "Thông tin giao dịch như vậy cần phải được công bố chính xác và có sự giải thích rõ ràng lý do thực hiện. Điều này sẽ làm cho các cổ đông hiểu và không ảnh hưởng đến thị giá CP trên thị trường.
Mặc dù làm đúng luật nhưng quan hệ giữa công ty và cổ đông phải được xét thêm trên khía cạnh về tình, về lý để NĐT yên tâm về công ty mà mình đang đầu tư", ông Lâm Minh Chánh nói. Theo chuyên gia Lê Đạt Chí (trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhiều NĐT cá nhân trên thị trường hiện nay vẫn chưa đủ khả năng xem xét hết các yếu tố nên họ cần có niềm tin vào các cổ đông lớn, cổ đông là tổ chức vì cho rằng những NĐT lớn sẽ xem xét kỹ đến giá trị của công ty đó. Vì vậy khi NĐT lớn bán CP ra mà không có sự giải thích đầy đủ thì niềm tin đó sẽ bị lung lay, không loại trừ một số NĐT sẽ hoảng sợ và bán tháo CP. Hơn nữa, luật cần có quy định chặt chẽ hơn không chỉ về việc công bố thông tin giao dịch mà còn về vấn đề giám sát thực hiện và công bố kết quả thực hiện sau đó.
TN
|