VSC: Bài giới thiệu niêm yết lần đầu
Ngày 12/12/2007, Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp Quyết định Niêm yết số 172/QĐ - SGDHCM cho phép Công ty cổ phần Container Việt Nam(Viconship) niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Tp HCM. Theo dự kiến ngày 09/01/2008 cổ phiếu Viconship sẽ chính thức giao dịch. Như vậy, Công ty cổ phần Container Việt Nam đã trở thành công ty thứ 139 niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Tp HCM. Sau đây là một vài nét đáng chú ý của công ty:
I. Giới thiệu chung về Công ty
Công ty cổ phần Container Việt Nam được thành lập theo quyết định số 183/TTG ngày 04 tháng 03 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần. Qua quá trình hình thành và phát triển, tính đến nay, vốn điều lệ của công ty đã đạt 80.373.340.000 gồm 6 đơn vị thành viên và 2 đơn vị liên doanh và liên kết với ngành nghề kinh doanh chính:
Dịch vụ đại lý container, đại lý tàu biển và môi giới hàng hải;
Dịch vụ xếp dỡ hàng hoá;
Kinh doanh hàng lâm sản xuất khẩu; kinh doanh kho, bến bãi;
Vận tải, tổ chức liên hiệp vận chuyển hàng xuất nhập khẩu, hàng dự án, hàng quá cảnh;
Kinh doanh xăng dầu, phụ tùng, phương tiện, thiết bị;
Sửa chữa đóng mới và cho thuê Container;
Khai thác cảng biển; khai thác vận tải ven biển.
Cơ cấu vốn điều lệ của Viconship tại thời điểm 03/8/2007 như sau: Cổ đông nhà nước: 28,16%; Cổ đông đặc biệt: 7,16% ; Cán bộ CNV: 23,03% ; Cổ đông ngoài công ty: 40,12%.
II. Hoạt động kinh doanh
Bên cạnh hoạt động truyền thống ban đầu là vận chuyển container, Công ty có một số hoạt động kinh doanh chính như sau:
Kinh doanh cảng quốc tế
Cảng Viconship (Green Port) có tổng chiều dài tuyến cầu tàu, kè 340 m, độ sâu trước bến -7,8m, cùng một lúc có thể tiếp nhận hai tàu có tải trọng 10.000 DWT cập bến làm hàng, đảm bảo an toàn, nhanh chóng, thuận tiện.
Hoạt động của cảng Green Port hàng năm đem lại doanh thu và lợi nhuận đáng kể cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: doanh thu từ khai thác cảng chiếm tỷ trọng khoảng từ 30 - 40% trong tổng doanh thu hàng năm, lợi nhuận gộp đóng góp khoảng từ 65 - 70% trên tổng lợi nhuận gộp.
Kinh doanh bãi Container
Hiện tại, ở Hải Phòng, Viconship đã đầu tư và đang khai thác khu vực bãi Container có tổng diện tích 78.000 m2, tương đương sức chứa khoảng 4.000 TEUS.
Bên cạnh việc quản lý và khai thác bãi container tại Hải Phòng, Công ty đồng thời quản lý và khai thác hệ thống bãi chứa container tại các khu vực kinh tế trọng điểm khác của đất nước, đó là: bãi container tại Đà Nẵng có diện tích 15.000 m2, với sức chứa 750 TEUS; bãi chứa container tại TP Hồ Chí Minh có diện tích 19.600 m2, tương đương với sức chứa 1.000 TEUS.
Kinh doanh kho hàng
Hệ thống kho CFS tại Viconship gồm 03 kho với tổng diện tích là 4.448 m2, các kho đều đạt tiêu chuẩn để lưu giữ hàng xuất nhập khẩu và được quy hoạch cho từng kho riêng. Thủ tục thông quan, xuất khẩu và nhập khẩu đều được thực hiện ngay tại khu vực kho bãi này.
Doanh thu từ hoạt động kho và bãi hàng năm chiếm khoảng 17 - 29% tổng doanh thu và 17 – 23% lợi nhuận của toàn Công ty.
Đại lý tàu và đại lý giao nhận
Hiện nay Viconship đang làm tổng đại lý cho các hãng tàu lớn của thế giới như: MSC (Thuỵ Sỹ), TS Lines (Đài Loan) … và có quan hệ hợp đồng với hầu hết tất cả các hãng tàu khác có mặt tại Việt Nam.
Bốc xếp hàng hoá
Công tác xếp dỡ và đóng rút hàng Container cũng đã được Công ty quan tâm, chú ý và đầu tư kịp thời. Hiện tại, toàn bộ quá trình bốc và xếp Container tại các khu vực kho bãi và cảng đều được thực hiện bởi các thiết bị chuyên dung và đội ngũ lái xe được đào tạo bài bản và nhiều kinh nghiệm.
Hoạt động vận tải bộ
Hiện nay, Công ty đang quản lý và khai thác các đội xe vận tải Container chuyên dùng, hoạt động trên các tuyến đường bộ. Tính đến thời điểm hiện tại, trên cả ba miền: Bắc, Trung, Nam, Công ty có tổng cộng 53 đầu xe và 65 rơ moóc 20’, 40’
III. Kết quả hoạt động kinh doanh và kế hoạch lợi nhuận cổ tức
- Kết quả kinh doanh trong 2 năm gần nhất
Chỉ tiêu |
Năm 2005 |
Năm 2006 |
% tăng (giảm) |
Năm 2007 |
(đồng) |
(đồng) |
(hết quý III) (đồng) |
Tổng giá trị tài sản |
210.248.601.450 |
280.412.423.264 |
33,37 |
399.951.513.662 |
Doanh thu thuần |
130.580.009.316 |
164.949.708.081 |
26,32 |
168.540.538.967 |
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh |
34.008.785.203 |
49.007.891.732 |
44,10 |
48.070.663.532 |
Lợi nhuận khác |
611.271.527 |
358.610.187 |
-41,33 |
1.351.542.936 |
Lợi nhuận trước thuế |
34.620.056.730 |
49.366.501.919 |
42,60 |
49.422.206.468 |
Lợi nhuận sau thuế |
31.636.155.478 |
45.122.884.956 |
42,63 |
43.593.571.007 |
Tỷ lệ lợi nhuận trả cổ tức (%) |
32,43 |
28,27 |
- 28,79 |
- |
Nguồn: BCBT đã kiểm toán năm 2005, 2006; BCTC quý III năm 2007 của CTCP Container Việt Nam
IV. Vị thế của công ty so với các doanh nghiệp khác trong cùng ngành
*Vị thế của công ty trong ngành
Là đơn vị đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hoá bằng Container, trong quá trình hoạt động, Công ty luôn coi trọng việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sản xuất, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực. Vì thế trong những năm vừa qua đã không những giữ vững mà còn phát triển thị phần trong nước và khu vực, mở thêm nhiều ngành nghề mới. So với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành, Công ty là một trong những doanh nghiệp đứng trong tốp dẫn đầu về thị phần, uy tín, hiệu quả hoạt động và tính năng động, nhạy bén trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới.
* Triển vọng phát triển của ngành
Việt Nam là một quốc gia nằm ở vị trí địa lý thuận lợi để phát triển ngành kinh tế biển. Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển cao, tốc độ tăng trưởng GDP trong 2 năm gần đây đều đạt trên 8% và riêng 3 tháng đầu năm 2007 đã đạt 7,70%, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đang tiếp tục tăng mạnh. Dự báo tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng hoá vận chuyển của ngành hàng hải bình quân năm khoảng 12% - 15%.
* Đánh giá về sự phù hợp định hướng phát triển của công ty với định hướng của ngành, chính sách của Nhà nước, và xu thế chung trên thế giới
Trong điều kiện triển vọng phát triển nền kinh tế Việt Nam nói chung và của ngành hàng hải nói riêng hết sức khả quan như hiện nay, triển vọng phát triển của các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ hàng hải nói chung và của Công ty nói riêng là hết sức lạc quan.
Mặt khác, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với tiến trình mở cửa nền kinh tế sau khi ra nhập WTO của Việt Nam, nhận thức rõ được thị phần của dịch vụ Đại lý container, đại lý tàu biển và môi giới hàng hải sẽ có xu hướng ngày càng thu hẹp trong khi tiềm năng phát triển thị phần của dịch vụ khai thác cảng biển có xu hướng gia tăng, Công ty đã tập trung đẩy mạnh và tăng cường năng lực kinh doanh trong lĩnh vực khai thác cảng biển, đây là bước đi hết sức đúng đắn và phù hợp với xu thế thị trường.
V. Các nhân tố rủi ro ảnh hưởng đến giá cả chứng khoán niêm yết
1. Rủi ro về kinh tế
Hiện nay, hoạt động kinh doanh chủ yếu của Công ty tập trung vào cung cấp các dịch vụ đại lý container, xếp dỡ hàng hóa, kinh doanh kho, bến bãi, vận tải hàng hóa, khai thác cảng biển ... Tất cả các dịch vụ Công ty hiện đang cung cấp có liên quan mật thiết với hoạt động xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, bất kỳ sự biến động nào của nền kinh tế có ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu đều gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty. Tuy nhiên trong điều kiện nền kinh tế đất nước đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh như hiện nay, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hàng năm nói chung và thông qua đường vận tải thủy nói riêng có xu thế gia tăng. Như vậy, rủi ro biến động tăng trưởng của nền kinh tế đối với Công ty là không cao.
Cùng với lộ trình Việt Nam phải thực hiện sau khi ra nhập WTO, các hãng tàu nước ngoài được phép mở chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, do đó thị phần của các doanh nghiệp trong nước về dịch vụ đại lý container, đại lý tàu biển và môi giới hàng hóa sẽ ngày càng bị thu hẹp. Đây cũng chính là rủi ro chung mà tất cả các Công ty cung cấp dịch vụ hàng hải, trong đó có Công ty phải đối mặt.
2. Rủi ro về luật pháp
Dự kiến năm 2008, các chế độ bảo hộ đối với lĩnh vực vận tải nội địa bằng đường biển sẽ được dỡ bỏ tại Việt Nam. Như vậy, đến lúc đó sẽ không còn tồn tại sự phân biệt cao thấp giữa tàu nước ngoài và tàu trong nước về chi phí nâng hạ, cảng phí và một số loại phí khác như hiện nay nữa. Điều này sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hàng hải nói chung và Công ty nói riêng.
3. Rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh
Hoạt động kinh doanh của Công ty gắn liền với hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước, hoạt động của các hãng tàu lớn là đối tác của Công ty. Do đó biến động trong kinh doanh của các khách hàng lớn, khách hàng thường xuyên nói riêng và biến động của thị trường hàng hải thế giới nói chung sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh doanh của Công ty. Tuy nhiên, hiện nay quan hệ đối tác của Công ty với khách hàng là các hãng tàu lớn đang trong quá trình phát triển hết sức tích cực. Vì vậy những sự biến động theo chiều hướng tiêu cực ít có khả năng xảy ra, ít nhất là trong vòng 3 năm tới.
Do đặc thù ngành nghề kinh doanh mà cước phí các loại dịch vụ Công ty hiện đang cung cấp được các khách hàng thanh toán chủ yếu bằng ngoại tệ. Đồng thời Công ty cũng phải sử dụng ngoại tệ để thanh toán cho những giao dịch mua sắm, đổi mới phương tiện thiết bị chuyên dùng. Vì vậy, Công ty thường xuyên phải đối mặt với rủi ro biến động tỷ giá, điều này có thể gây những ảnh hưởng nhất định đến kết quả kinh doanh của Công ty.
Cũng xuất phát từ đặc thù kinh doanh, Công ty hiện đang sử dụng nguồn vốn vay dài hạn từ Ngân hàng bằng đồng USD với lãi suất thả nổi. Vì vậy, nếu lãi suất tăng cao sẽ gây áp lực cho Công ty trong việc trả lãi vay và có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn nói chung và kết quả kinh doanh nói riêng.
4. Rủi ro khác
Các rủi ro bất khả kháng như thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh trong khu vực và trên thế giới đều có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty. Bão lớn, hoả hoạn, động đất cũng là những yếu tố có thể gây thiệt hại trực tiếp tới hành trình cập cảng của tàu, hệ thống kho cảng, bến bãi và hàng hoá giao nhận của khách hàng. Đây là những rủi ro không thể loại trừ nhưng có thể giảm thiểu. Vì vậy Công ty thường xuyên nắm bắt kịp thời thông tin về những diễn biến tình hình thời tiết, lên kế hoạch điều hành công việc một cách tối ưu; thường xuyên tham gia mua bảo hiểm cho các tài sản, hàng hoá của Công ty và của khách hàng.
HoSE
|