Vì sao thị trường vẫn đỏ?
Hầu hết những tác nhân dư luận đưa ra để giải thích về sự sụt giảm của VN-Index những tháng gần đây đến nay đã được hoá giải, nhưng có những lý do khác khiến màu đỏ tiếp tục lấn át trên bảng điện giao dịch chứng khoán.
Tháng 12 không như kỳ vọng
Nguyên nhân được đề cập nhiều nhất về tình trạng ảm đạm của thị trường chứng khoán trong tháng 11 là ẩn số tác động IPO Vietcombank giờ đã rõ phần nào, nhất là giá khởi điểm.
Thuế thu nhập đối với nhà đầu tư chứng khoán vừa được công bố ở mức 0,1% trên giá trị giao dịch, một mức không đáng kể nếu chỉ so với mức phí giao dịch hiện nay phổ biến là 0,3 - 0,5%.
Sốt bất động sản đã giảm nhiệt đáng kể, nhất là ở lĩnh vực căn hộ khi yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn tất phần móng trước khi chào bán.
Giá vàng tăng cao nên hút một lượng lớn vốn đầu tư vào sản phẩm này, tuy nhiên mức dao động lớn của giá vàng bắt đầu xuất hiện rủi ro cho nhà đầu tư. Do vậy, vàng không còn là sự ưu tiên số 1 trong đầu tư ngắn hạn của giới đầu tư.
Ảnh hưởng từ xu hướng đi xuống của thị trường chứng khoán thế giới, hiện khó tìm được bằng chứng thuyết phục về sự liên hệ giữa thị trường chứng khoán trong và ngoài nước. Sự ảnh hưởng này chủ yếu mang tính tâm lý, cụ thể những thị trường tài chính lớn trên thế giới đang tăng điểm từ giữa tuần trước. Trong khi đó, chỉ số VN-Index lại mất 12,7 điểm vào ngày 5/12 và tiếp tục đi xuống trong những ngày đầu tuần này.
Lạm phát tăng cao, đây là nguyên nhân không thể thay đổi được và nền kinh tế phải chấp nhận sự thật này từ nhiều tháng nay. Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước, còn chưa đầy tháng nữa là hạn chót để các ngân hàng thương mại đưa dư nợ cho vay chứng khoán xuống mức 3%. Tuy là khó nhưng gần như tỷ lệ dư nợ này đã giảm đáng kể so với giữa năm, tuy nhiên vẫn còn ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chứng khoán.
Như vậy có khá nhiều nguyên nhân được loại ra so với tháng trước, song thị trường chưa khởi sắc trở lại. Thậm chí đi xuống không chỉ ở thị giá cổ phiếu, mà còn ở lượng cổ phiếu giao dịch. Vậy nguyên nhân nào? Nhìn vào những nguyên nhân nêu trên, khó khẳng định nguyên nhân nào đủ nặng để kéo thị trường xuống một cách khó tả như hiện nay.
Tiền vào nhà khó
Hai cuộc IPO hút vốn lớn của thị trường kể từ đầu năm đến nay là Bảo hiểm Bảo Việt và Đạm Phú Mỹ, tuy nhiên so với giá đấu thắng bình quân thì chưa có doanh nghiệp nào thu đến 8.000 tỷ đồng từ đấu giá. Do đó, với giá khởi điểm 100.000 đồng/CP của Vietcombank sẽ hút một lượng vốn ít nhất 9.750 tỷ đồng dựa trên giá khởi điểm, có thể xem là phiên IPO lớn nhất từ trước đến nay. Song “gánh nặng” sẽ đè lên vai nhà đầu tư trong nước vì phần bánh của họ chiếm đến 70% lượng chào bán trên.
Giả sử, giá đấu thắng bình quân lên đến 160.000 đồng/CP, như vậy cần ngót nghét 1 tỷ USD. Câu hỏi đặt là nhà đầu tư lấy nguồn tiền từ đâu để tham gia IPO trong khi ngân hàng đã đóng cửa đối với khoản vay đầu tư chứng khoán. Riêng phần của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 292 tỷ đồng mệnh giá, tương ứng 2.920 tỷ đồng ở giá khởi điểm (hoặc 4.672 tỷ đồng tính theo giá thắng bình quân nêu trên). Bên cạnh đó, hầu hết các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho đợt đấu giá này, nên lượng vốn trên xem ra không ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính khối này.
Trong khi đó, nhà đầu tư trong nước ít nhiều có sự chuẩn bị nhưng thị trường đang có những yếu tố bất lợi cho họ. Đó chính là việc tăng vốn dồn dập từ các tổ chức tài chính đến các công ty niêm yết. Đặc biệt, 11 ngân hàng thương mại như ACB, MB, Đông Á, An Bình, Gia Định… vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tăng vốn với lượng vốn huy động thêm lên đến 8.000 tỷ đồng. Cộng với hàng loạt công ty niêm yết tăng vốn cũng như tiến hành IPO trong thời gian tới như Savico, BVSC, TSC, S505, SD3, Xi măng Hải Vân… với lượng cổ phiếu phát hành thêm không dưới 1.000 tỉ đồng.
Xét góc độ thị trường, việc huy động vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh là bình thường, nhưng điều bất bình thường ở đây là các cơ quan quản lý cấp phép dồn vào một thời điểm khá nhạy cảm. Tạo cảm giác các nhà quản lý vĩ mô gần như bỏ qua việc tiên liệu “túi tiền” của nhà đầu tư trong nước. Để có đủ tiền tham gia IPO và mua cổ phiếu phát hành thêm, bắt buộc họ phải xoay xở trong một thời gian khá ngắn. Và cách tối ưu nhất là bán bớt cái đang có để góp vào con số 28.000 tỷ đồng cho những đợt gọi vốn kể trên. Điều này trở thành nguyên nhân kìm hãm sự hồi phục của VN-Index.
SGTT
|