Trần hay sàn?
Một câu hỏi rất thiết thực từ phía giới đầu tư quốc tế với các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam rằng, các cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là cam kết ở mức trần hay mức sàn(?).
Có vẻ như băn khoăn này khá lạc lõng - nhất là vào thời điểm sau một năm Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO - khi những thông tin về vấn đề này đầy ắp trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như diễn đàn kinh doanh.
Song, theo phân tích của đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam trong cuộc tham vấn chính sách về đầu tư nước ngoài (ĐTNN) của Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Diễn đàn về thương mại và đầu tư của Liên hợp quốc tổ chức, thì nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh, cơ hội mở ra lớn với không chỉ các nhà đầu tư (NĐT) mà với cả nền kinh tế. Làn sóng ĐTNN mới, biểu hiện bằng con số hơn 20 tỷ USD năm 2007, đã chứng tỏ sự thích ứng nhanh của kinh tế Việt Nam.
Theo vị đại diện này, không thể kỳ vọng rằng, các chính sách kinh tế vĩ mô sẽ phù hợp cho tất cả các thời kỳ, cho mọi tình huống. Nhất là khi tới đây, lĩnh vực dịch vụ đang được coi là điểm thu hút vốn ĐTNN lớn của Việt Nam. “Theo tôi, các cam kết với WTO nên được coi là cam kết sàn để tạo nên sự phấn khích của giới đầu tư về khả năng thực hiện cao hơn cam kết của Việt Nam. Nếu như vậy, Chính phủ cũng cần phải chuẩn bị năng lực để xây dựng hệ thống chính sách phù hợp, đảm bảo nguồn vốn vào được và phát huy hiệu quả”, vị đại diện này phân tích.
Thực ra, ngay từ đầu năm, vấn đề trần hay sàn trong cam kết WTO đã là một chủ đề nóng, gây tranh luận giữa các địa phương, giữa các bộ ngành. Khi đó, việc thực thi ở một số địa phương khá bất đồng, có nơi coi cam kết là sàn, có nơi cho đó là trần. Phát biểu với báo giới về vấn đề này, một số ý kiến từ các bộ ngành cũng không thống nhất. Ví dụ như với lĩnh vực giáo dục đào tạo, mặc dù khá nhiều phát biểu công khai cho rằng,Việt Nam đã và sẽ tiếp tục mở rộng cửa thu hút các NĐT, song trên thực tế, việc thực thi cụ thể lại không thể căn cứ vào những phát biểu thiếu tính pháp quy.
Theo một số nguồn tin của ĐTCK, vấn đề này đã được giải quyết về nguyên tắc khi các dự án ĐTNN trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề sẽ nhận được những ưu đãi theo khung lớn nhất. Một số dự án đang xếp hàng sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư nhanh. “Tuy nhiên, các NĐT vẫn cần sự minh bạch, cụ thể về chính sách và khung pháp lý để họ thực hiện chứ không phải chỉ là những tuyên bố”, ông John Hendra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc (UN) tại Việt Nam bình luận. Chỉ với cách làm này thì khả năng hấp thụ nguồn vốn ĐTNN của Việt Nam mới được nâng cao.
Hơn thế, theo các chuyên gia UN, những cam kết này cần được thể hiện ngay trong quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển ngành hoặc địa phương. Hiện tại, khi xây dựng các quy hoạch, kế hoạch này, phần liệt kê các dự án kêu gọi đầu tư được xây dựng khá chi tiết. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là NĐT rất khó thực hiện theo các dự án chi tiết đó bởi họ có những cách nhìn nhận, cách thực hiện dự án theo những kế hoạch kinh doanh riêng.Việc đàm phán đối với từng dự án cụ thể nhiều khi lại là trở ngại không dễ vượt qua từ cả hai phía: NĐT và cơ quan quản lý ngành, địa phương. Đã có NĐT than phiền rằng, họ cũng không hiểu tại sao lại có sự cứng nhắc, can thiệp quá sâu vào các vấn đề chi tiết của dự án trong những đàm phán như vậy, bởi quyền sáng tạo trong đầu tư thuộc về NĐT. Có vẻ như, đối với các ngành, quyền chủ động của NĐT mới chỉ dừng lại ở mức tuyên bố, chứ chưa được thể chế hoá một cách rõ ràng, rành mạch.
Rõ ràng, áp lực từ sự gia tăng nguồn vốn đầu tư đang đè nặng lên môi trường chính sách. Những phát sinh mới trong thực tế đòi hỏi sự chuyển mình mạnh mẽ hơn của môi trường kinh doanh. Và chỉ có sự đồng bộ mới khiến guồng máy chạy tốt.
ĐTCK
|