Ngành điều mất 10 tỷ đồng vì nạn rút ruột container
Hai container chứa 1.500 kiện hàng hạt điều của công ty Hải Nam Phát được giám định viên Vinacontrol giám sát niêm phong, đưa lên xe tải kéo rời kho công ty đến bãi cảng ICD Phước Long, Thủ Đức, chờ lên tàu. Hai ngày sau, cơ quan chức năng mở container phát hiện bị mất 1.014 kiện hàng.
Ông Phạm Tuấn Thành, Giám đốc Công ty Hải Nam Phát cho hay, đây là hai container hạt điều nhân loại WW240, đắt nhất trong chủng hàng điều, phải xuất sang Trung Đông với giá trị đơn hàng tổng cộng tương đương 3,3 tỷ đồng.
Quá trình kiểm tra chất lượng, giám sát đóng hàng vào container do giám định viên Nguyễn Ngọc Tâm của công ty Giám định Việt Nam (Vinacontrol) đảm trách.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tâm, sáng 22/12, ông phải kiểm định hàng điều cho doanh nghiệp tư nhân Trung Thành tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ông Tâm nhận ra khoảng 3 tấn hạt điều do doanh nghiệp Tấn Phúc đang gạ bán cho Trung Thành có mã ký hiệu giống kiện hàng công ty Hải Nam Phát vừa làm thủ tục tối hôm trước. Xác định khả năng hàng của Hải Nam Phát bị mất cắp, với tư cách giám định viên, ông Tâm đã ách lô hàng nghi gian này lại để chờ chủ hàng thực tế có mặt xác nhận.
Giám đốc Công ty Hải Nam Phát có mặt, đã xác nhận lô hàng đúng là của mình, trình báo công an huyện Xuân Lộc sự việc. Công an đã tạm giữ hai lái xe của doanh nghiệp Tấn Phúc, tuy nhiên không phong tỏa các lô hàng khác hay mở rộng điều tra.
Mãi đến ngày 23/12, các bên liên quan mới có mặt để mở kiểm tra hai container vẫn còn y nguyên dấu seal niêm phong. Kết quả cho thấy, trong mỗi container chỉ còn 243 kiện hàng, mất 507 thùng, tương đương hơn 20.000 tấn hạt điều. Trị giá mất cắp ước tính hơn 2,2 tỷ đồng.
Trao đổi với báo giới TP HCM sáng nay, Quyền chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) Nguyễn Đức Thanh khẳng định, chuyện mất cắp, rút ruột điều trong container xuất khẩu đã xảy ra trong vòng 10 năm qua, nhưng đặc biệt nhiều trong năm nay. Khoảng 6 vụ mất hàng đã được các doanh nghiệp thành viên Vinacas phát hiện trong năm 2007, trong khi những năm trước chỉ xảy ra lẻ tẻ. Tổng thiệt hại trong thời gian qua lên đến hơn 10 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2007 mất khoảng 375.000 USD, tương đương 6 tỷ đồng.
Hầu hết các vụ mất cắp là do đối tác nước ngoài phản ảnh hoặc bắt đền. Tuy nhiên, tất cả trường hợp đều cho thấy container vẫn còn nguyên niêm phong, dấu seal (niêm cửa), hàng xuất FOB nên phía Việt Nam từ chối trách nhiệm.
"Chỉ trong năm nay, doanh nghiệp mới phát hiện tình trạng bị mất cắp có thể trong quá trình vận chuyển hàng từ kho đến cảng chờ xuất đi. Thậm chí có thể có hẳn một đường dây trộm hàng trong container đang tồn tại", ông Thanh khẳng định.
Trước Nam Hải Phát, Công ty Lạng Sơn cũng phát hiện thấy mất 261 thùng hàng trong số 700 thùng điều đóng container xuất khẩu. Công ty Tân An mất hàng trong 3 container, trong đó có một bị bốc hơi đến 446 thùng điều.
Công ty Anh Hữu nhận được khiếu nại từ đối tác nước ngoài về 2 container xuất khẩu ngày 15/6 thiếu đến gần 110 thùng hàng, tương đương 2,5 tấn hạt điều. Đại diện Anh Hữu cho rằng, container bị rút ruột trong quá trình vận chuyển vì trọng lượng nguyên công khi cân hàng tại cảng giảm gần 3 tấn; trong khi đó xe giao hàng đến cảng chậm hơn 4 tiếng đồng hồ. Thời gian này đủ để đánh cắp hàng trong container.
Quyền chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh cho hay, trong tuần này Hiệp hội sẽ gửi tờ trình lên Chính phủ để báo cáo và đề nghị Bộ Công an điều tra. Nghi vấn có đường dây rút ruột container ở các tỉnh miền Đông, ông Thanh cho rằng Bộ Công an nên thành lập chuyên án để huy động công an TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước... vào cuộc.
VnE
|