Du khách chi tiền mạnh tay đến Việt Nam tăng vọt
Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, năm nay ngành du lịch ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu khách đến. Đặc biệt, dòng khách chi trả cao đến Việt Nam tăng mạnh, khách chi trả thấp giảm rõ rệt.
Trong số đó, chiếm nhiều nhất là lượng khách đến từ thị trường Tây Âu. Khách Pháp lần đầu tiên đạt 170.000 lượt khách, tăng 47%, sau 10 năm không vượt quá con số 100.000 lượt. Các thị trường Anh, Đức cũng đạt trên 100.000 lượt khách... Khách Nga cũng đạt mức độ tăng trưởng tới gần 50%.
Du khách Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tăng mạnh, đạt lần lượt 430.000 lượt và 470.000 lượt trong năm qua.
Tuy nhiên, ở tháng cuối năm, số khách Nhật và Hàn đến Việt Nam giảm đáng kể, đòi hỏi cần có giải pháp cấp bách bởi nó kéo theo sự sụt giảm chung của dòng khách chi trả cao.
Thị trường ASEAN cũng thành công khi khách Thái Lan tăng 38%, Malaysia tăng 50%... Du lịch Việt Nam đã gần như không có mùa thấp điểm. Trong số 15 thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam, có đến 9 thị trường đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ năm 2006.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng, khách có sức chi trả cao đến Việt Nam tăng mạnh cũng chính là nguyên nhân khiến việc thiếu phòng ở khách sạn cao cấp càng trầm trọng. Loại khách này chỉ ở khách sạn từ 3 sao trở lên.
Ông Bình lo lắng, mục tiêu của du lịch Việt Nam là năm 2008 đón 5 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 800.000 khách so với năm nay. Trong đó, hơn 1 triệu khách sẽ quay lại Việt Nam. Chúng ta phải thu hút thêm gần 4 triệu lượt khách mới. Ngành du lịch phải có thêm 15.000-20.000 phòng nữa để phục vụ số khách mới này.
Trong khi đó, ông Bình phàn nàn Hà Nội quá chậm chân trong việc xây dựng khách sạn cao cấp khi 7-8 năm qua không thấy khai trương khách sạn cao sao nào, toàn xây từ trước năm 2000.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin và Thể thao Hoàng Tuấn Anh lại nhận xét, qua khảo sát hơn 1 triệu khách đến Đà Nẵng năm 2007, hơn 60% khách lưu trú ở TP, mức chi trả chỉ 50 USD/ngày - con số quá thấp. Như vậy, câu chuyện không chỉ nằm ở việc thiếu khách sạn mà còn là các vấn đề khác, cần phải tháo gỡ ngay. Theo Bộ trưởng, đúng là chúng ta có thiếu phòng, nhưng sẽ đủ cho 5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam.
Theo Tổng cục Du lịch, dự kiến cuối năm nay Hà Nội sẽ có thêm 5 dự án khách sạn cao sao với quy mô 2.200 phòng và tổng đầu tư lên tới 1,24 tỷ USD. TP.HCM cũng đang xây dựng khoảng chừng đó khách sạn cao sao. Riêng Saigontourist đã chi khoảng 200 triệu USD để xây tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng và dự kiến xây thêm một khách sạn 5 sao khác gần khách sạn Caravelle hiện nay.
Hiện cả nước có gần 9.000 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số trên 180.000 buồng. Trong đó, tổng số cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ đạt tiêu chuẩn đến 5 sao là 4.280 (chiếm gần 50%) với tổng số buồng là 109.200, chiếm gần 36%.
"Vấn đề hiện nay là cần tiếp tục hút vốn đầu tư vào các dự án khách sạn. Tôi biết nhiều DN lữ hành, du lịch có mặt bằng nhưng không có tiền mà xây, hoặc chưa biết cách kêu gọi đầu tư", Bộ trưởng nói.
Năm nay, cả nước có 47 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào du lịch với tổng số vốn đăng ký 1,86 tỷ USD, tăng 195% so với năm trước. Đây là năm mà đầu tư nước ngoài vào du lịch bằng 7-8 năm trước cộng lại, tập trung vào các dự án có quy mô lớn, dịch vụ chất lượng cao để phục vụ du khách.
VNN
|