Trái chủ VCB vuột mất nhiều cơ hội
Nhà đầu tư sở hữu trái phiếu chuyển đổi của Vietcombank (VCB) có thể sẽ vuột mất nhiều cơ hội gặt hái lợi nhuận do ngày thực hiện quyền ưu đãi mua cổ phiếu từ trái phiếu chuyển đổi phải đợi đến tận 25/1/2008.
Thông tin chi tiết về việc chuyển đổi trái phiếu dành cho các trái chủ của Ngân hàng Ngoại thương VN (VCB) chỉ được lãnh đạo ngân hàng chính thức công bố trong cuộc họp báo ngày 7/12.
Cũng để “thanh minh” và trấn an tinh thần của các trái chủ, lãnh đạo VCB giải thích: “Việc chậm trễ IPO có thể ít nhiều làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các trái chủ, nhưng là những điều ngoài mong muốn của chúng tôi”.
Đến 25/1/2008- mới được mua ưu đãi cổ phiếu
Theo đó, do IPO VCB chỉ diễn ra ở những ngày áp chót của năm 2007 (26/12) nên phải mất gần một tháng sau, sau khi VCB IPO thành công, giá đấu thành công bình quân thực tế của VCB mới được xác định. Một khi có được mức giá này, mới có thể lấy làm căn cứ cho giá chuyển đổi chính thức.
Sau đó, các trái chủ sẽ phải làm việc với công ty chứng khoán nơi mở tài khoản để nhận giấy báo sở hữu trái phiếu. Việc chuyển đổi có thể thực hiện qua các chi nhánh của VCB.
Ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT VCB cho biết, các trái chủ sẽ chỉ thực hiện quyền ưu đãi mua cổ phiếu sau khi VCB ra thông báo về giá chuyển đổi và phải hoàn tất việc đăng ký, chuyển đổi theo thông báo hướng dẫn của chính ngân hàng.
Cụ thể, ngày 25/12- một ngày trước IPO sẽ là hạn chót chốt danh sách trái chủ đăng ký chuyển đổi trái phiếu. Chỉ những trái chủ có tên trong danh sách tại ngày chốt này- do tổ chức lưu ký xác nhận mới được quyền ưu đãi mua cổ phiếu VCB.
Do đó, từ ngày chốt kể trên cho đến khi VCB công bố kết thúc thời hạn chuyển đổi, việc chuyển nhượng trái phiếu tăng vốn sẽ không được chấp nhận. Quyền ưu đãi mua cổ phiếu vì thế cũng sẽ không có giá trị chuyển nhượng. Ngày 26/12 tới trái phiếu tăng vốn chính thức huỷ niêm yết.
Thời hạn để có thể xác định được giá đấu thành công bình quân thực tế theo lãnh đạo VCB ít nhất phải đến ngày 22- 23/1/2008. Vì vậy dự kiến, ngày thực hiện quyền chuyển đổi sẽ phải lùi đến cuối tháng 1/2008 (tức từ ngày 25- 31/1/2008).
“Vuột” mất nhiều cơ hội
Như vậy, thay vì được thực hiện quyền mua ưu đãi cổ phiếu của VCB trong năm 2007 như tính toán của nhiều trái chủ, thực tế họ chỉ có thể sỡ hữu cổ phần của ngân hàng vào cuối tháng 1/2008. Mặc dù từ ngày chốt danh sách (25/12/2007) đến ngày thực hiện quyền chuyển đổi chính thức (25/1/2008), nhà đầu tư vẫn được hưởng lãi trái phiếu theo quy định. Nhưng thay vào đó, họ sẽ mất đi quyền lợi cổ tức từ việc chậm sở hữu cổ phần.
Sự thiệt thòi của các trái chủ do thời gian IPO cùng các trình tự chuyển đổi trái phiếu liên quan của VCB bị kéo giãn so với dự kiến còn khiến nhiều cơ hội khác bị vuột mất. So với các nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần của VCB, các trái chủ phải chịu “độ trễ” về thời gian thực tế để được sở hữu cổ phần từ trái phiếu chuyển đổi. Do đó, họ cũng sẽ mất ít nhiều cơ hội giao dịch ở những mức giá hấp dẫn để hiện thực hoá lợi nhuận.
Một thiệt thòi khác của nhà đầu tư nằm ở chính việc xác định giá chuyển đổi. Tuy nhiên, theo lãnh đạo VCB, hiện ngân hàng đang khắc phục thiếu sót này để đảm bảo quyền lợi, sự công bằng cho trái chủ.
“Trước đây, trong đợt phát hành trái phiếu tăng vốn năm 2005, chúng tôi chưa lường tới được sự chênh lệch giữa giá đấu bình quân thực tế và giá đấu bình quân thị trường đưa ra. Vì có trường hợp nhà đầu tư bỏ giá cao nhưng lại bỏ thầu. Do đó, nếu tính theo giá đấu thầu bình quân thị trường đưa ra thì giá chuyển đổi có thể cao hơn và nhà đầu tư sẽ chịu thiệt”- Chủ tịch HĐQT VCB cho biết.
Theo lãnh đạo VCB, khi phát hiện ra vấn đề, phía ngân hàng đã chủ động trình lên Ngân hàng Nhà nước- nơi quyết định giá chuyển đổi để xin chuyển đổi trái phiếu theo giá đấu thầu thành công bình quân thực tế (thay vì giá bình quân thị trường đưa ra- hay giá bình quân nhà đầu tư bỏ thầu). Như vậy, quyền lợi của trái chủ công bằng hơn, nhà đầu tư sẽ nhận được lượng cổ phiếu lớn hơn so với việc lấy giá đấu bình quân thị trường làm căn cứ- ai bỏ giá nào họ cũng phải chịu.
Việc chuyển đổi trái phiếu tăng vốn thành cổ phiếu VCB được quy định tại Bản cáo bạch niêm yết trái phiếu tăng vốn VCB năm 2005 và Quy định về trái phiếu tăng vốn VCB do Tổng Giám đốc VCB đã ký ngày 23/11/2005.
Quy định chuyển đổi trái phiếu niêm yết cũng chỉ rõ- đối với pháp nhân không vượt quá 10% vốn điều lệ của VCB, với cá nhân không vượt quá 5% vốn điều lệ.
Tổ quốc
|