IPO Vietcombank: Vì sao giá khởi điểm là "10 chấm"?
Hôm qua 7.12, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) tổ chức họp báo công bố thông tin bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng. Ban lãnh đạo VCB đã trực tiếp trả lời các câu hỏi của giới báo chí về nhiều vấn đề được các nhà đầu tư (NĐT) quan tâm.
* Căn cứ nào để VCB đề xuất mức giá khởi điểm là 100.000 đồng/cổ phiếu (CP)?
- Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT): Chúng tôi căn cứ trên nhiều yếu tố. Thứ nhất là ý kiến của đơn vị tư vấn quốc tế mà chúng tôi đã thuê, thứ 2 là căn cứ vào tình hình thị trường, và ý kiến đánh giá khác nhau từ các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các chuyên gia, thì thấy ý kiến chung cũng phù hợp với ý kiến của tư vấn đưa ra. Nếu xem xét giá của một số doanh nghiệp đã IPO như Bảo Việt, PVFC, hay các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính... thì mức đấu giá thành công trung bình loanh quanh con số "7 chấm". Nhìn lại mình, chúng tôi thấy VCB với bề dày hơn 40 năm phát triển, có phạm vi hoạt động rộng lớn và kết quả kinh doanh thuộc loại tốt nhất trong các ngân hàng thương mại. Cho nên chúng tôi cho rằng, mức giá "10 chấm" đưa ra là phù hợp.
Nhìn vào kết quả giao dịch trên sàn, chúng ta có thể thấy giá của ACB cũng "15-16 chấm", Sacombank cũng đang ở khoảng "7 chấm", thì có thể khẳng định giá khởi điểm "10 chấm" của VCB sẽ được thị trường chấp nhận. Chúng ta hãy chờ xem.
* Tại sao VCB lại hạn chế quyền mua của NĐT nước ngoài (30%) trong đợt này, trong khi tiềm lực tài chính của họ lớn, còn với các NĐT trong nước, năng lực tài chính thấp hơn lại được mua tỷ lệ cao?
- Ông Nguyễn Hòa Bình: Ở đây phải nói rõ hơn cơ cấu của việc phát hành. Ngân hàng cổ phần VCB sẽ không chỉ niêm yết trên thị trường trong nước mà chúng tôi có kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Có thể là Singapore hoặc Hồng Kông... nhưng không phải ngay trong năm 2008 mà có thể phải thực hiện sang năm 2009 hoặc 2010. Tỷ lệ bán cho NĐT nước ngoài khi chúng tôi niêm yết ra thị trường bên ngoài có thể từ 10-15%, mà chắc là không ai trong nước lại ra ngoài mua và chắc chắn là ở thị trường bên ngoài, giá "10 chấm" cũng khó bán. Ngoài ra, chúng tôi cũng dành cho NĐT chiến lược bên ngoài mua khoảng 15% và tối đa là 20% nếu thực sự chọn được NĐT tốt.
Cho nên, chúng tôi cho rằng, 30% là một cái "khóa" hợp lý và cũng không mang tính chất phân biệt, đối xử gì, mà cái này cũng không phải chúng tôi quyết, mà là mức được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng khác phê duyệt.
- Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc VCB: Thực ra mức 30% hạn chế dành cho NĐT nước ngoài cũng là để bảo vệ lợi ích cho NĐT trong nước. NĐT trong nước thì khả năng tài chính hạn chế, nếu không quy định tỷ lệ này thì cũng khó mà mua được. Trong khi đó, NĐT nước ngoài còn nhiều cơ hội khác, như anh Bình đã nói.
* Tại sao lợi nhuận của VCB trong năm 2007 lại bị sụt giảm so với năm 2006 và nợ xấu lại tăng lên?
- Ông Nguyễn Hòa Bình: Cuối năm 2006 tỷ lệ nợ xấu của VCB là 2,2% nhưng năm nay có tăng lên 3,5% là do Việt Nam đã gia nhập WTO và chúng tôi cũng phải thay đổi chuẩn mực đánh giá. Và dựa theo chuẩn mực có những quy định ngặt nghèo hơn thì nó kéo một số khoản nợ trước đó không quy định là quá hạn thành quá hạn. Cho nên tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Đây cũng không phải là tỷ lệ cao, tuy nhiên chúng tôi cũng có chương trình áp dụng quản trị hiện đại để quản lý và hạn chế đến mức thấp nhất. Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2010, tỷ lệ nợ xấu không quá 2,6%.
Còn lợi nhuận giảm thì thực tế là lợi nhuận ròng về lãi suy giảm trong điều kiện cả nguồn thu và tổng chi về tiền lãi đều tăng, nhưng mức tăng thu lãi không bằng mức tăng chi lãi nên thặng dư và chênh lệch ít đi so với năm 2006. Ở đây có thực tế khách quan là năm 2007, thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động, không ổn định như năm 2006, nhất là thị trường tài chính, tiền tệ của Mỹ biến động mạnh. Lãi suất đồng USD với nhiều ngoại tệ mạnh khác giảm mạnh trong khi phạm vi hoạt động của VCB cũng rộng nên chịu ảnh hưởng không nhỏ, nguồn thu giảm. Chúng tôi cho vay nhưng vẫn thừa ra thặng dư thanh toán trên dưới 1 tỉ USD nên số lãi giảm xuống. Ngoài ra, cũng có vấn đề là năm 2006, tỷ lệ dự phòng để có 174 tỉ đồng thì năm 2007, chúng tôi phải tăng lên tới 1.100 tỉ đồng cũng làm giảm lợi nhuận.
* Thặng dư vốn sau phát hành sẽ được VCB xử lý như thế nào?
- Ông Nguyễn Hòa Bình: Nếu bán hết toàn bộ số CP phát hành đợt này (chiếm 6,5%) thì chúng tôi không đưa vào tăng vốn trong năm 2007, còn khi nào có thì sẽ tính. Nhưng nếu có thặng dư thì chúng tôi sẽ phân bổ 30% vào ngân hàng cổ phần, còn lại 70% đưa về Nhà nước. Trên thực tế VCB có thể giữ lại nhiều hơn, nhưng mức giữ lại như vậy có thể quản lý tốt được, nhưng lớn hơn cũng có cái khó khăn.
Chúng tôi rất hy vọng bán hết 975 tỉ, nếu không bán hết có thể sẽ đấu giá lại hoặc báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để thay đổi tỷ lệ bán, hoặc giảm giá khởi điểm, điều chỉnh vốn điều lệ. Nếu điều đó xảy ra là cả một vấn đề, nhưng hy vọng không có chuyện đó.
* Ông Dominic Scriven - Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital: Đó là quyền của người bán
"Theo tôi, cơ quan quản lý đã nghiên cứu kỹ và cũng chuẩn bị kỹ các điều kiện trước khi đưa ra đấu giá cổ phần VCB, vì đây là sự kiện có ảnh hưởng lớn đến chương trình cổ phần hóa (CPH) nói chung của Việt Nam, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và cả ngành ngân hàng. Việc đưa ra giá khởi điểm là quyền của người bán. Đó là giá trị mà Nhà nước muốn hướng tới. Còn giá đó có phù hợp hay không là tùy thuộc vào thị trường và các nhà đầu tư. Vẫn còn nhiều chi tiết chưa rõ trong bản cáo bạch như phần chênh lệch thặng dư vốn sau khi cổ phần hóa của VCB sẽ thuộc về Nhà nước hay doanh nghiệp, hoặc tỷ lệ được giữ lại là bao nhiêu? Điều đó ảnh hưởng đến vốn tự có của VCB sau CPH.
Tuy nhiên, xét về vĩ mô, việc CPH VCB là một bước quan trọng trong tiến trình CPH của Việt Nam nên giá không phải là yếu tố quan trọng để xét về việc thành công của quá trình này. Nhà đầu tư nước ngoài thường không nghĩ về giá mà xem xét, đánh giá giá trị doanh nghiệp dựa trên việc nghiên cứu phân tích quá khứ, tình hình tài chính, các yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển của ngành và Ngân hàng VCB... Hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc CPH VCB vì đây là một ngân hàng lớn của Việt Nam. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu và xem xét để đưa ra quyết định có tham gia vào cuộc đấu giá VCB này hay không".
* Ông Lê Đạt Chí - Giảng viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM: Sẽ mua quanh mức giá khởi điểm
"Tôi sẽ chấp nhận mua giá VCB cao hơn 100.000 đồng/CP nếu như phần thặng dư vốn Nhà nước sẽ để lại hết cho doanh nghiệp. Chi tiết này cần phải được thể hiện rõ thì khi đó nhà đầu tư mới tính toán được giá mua của mình. Với mức giá khởi điểm này, nhiều NĐT mua chủ yếu với tâm lý đầu cơ là chính chứ không phải theo dạng đầu tư đi theo doanh nghiệp lâu dài được.
Liệu 2 năm sau giá VCB có thể tăng lên gấp 2, 3 lần hay không? Vì VCB có lợi nhuận quá thấp, kết quả kinh doanh những năm tới cũng không ấn tượng. Nếu người nào kỳ vọng vào quỹ đất của VCB thì cũng không tưởng, vì không thể đập các trụ sở này ra để xây cao ốc văn phòng cho thuê như nhiều đơn vị khác. Theo tôi với mức giá này, dường như cơ quan quản lý lại tạo ra một sự đầu cơ bong bóng trong thị trường chứng khoán hơn là tạo ra những giá trị phát triển bền vững, lâu dài. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ mua xoay quanh mức giá khởi điểm chứ không sẵn sàng mua với giá cao hơn nhiều".
TN
|