Vietcombank tự tin IPO với mức giá khởi điểm 100 ngàn/cp
Ngày 7/12/2007, lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chính thức công bố về những thông tin liên quan đến đợt IPO sắp tới. Như vậy, sau bao nhiều lần trì hoãn, Vietcombank cũng đã chốt được ngày IPO vào 26/12/2007 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.
Thông tin từ Vietcombank cho biết, sau khi cổ phần hoá (CPH) ngân hàng sẽ có vốn điều lệ là 15.000 tỷ đồng. Số lượng cổ phần đưa ra bán đầu giá lần đầu là 97,5 triệu cổ phần mệnh giá 10 ngàn đồng/cổ phần (tương đương 6,5% tổng số cổ phần sau khi CPH). Giá khởi điểm được xác định là 100 ngàn đồng/cổ phần. Theo quy định, trong đợt IPO này, nhà đầu tư nước ngoài được mua tối đa 29,5 triệu cổ phần, cổ đông là pháp nhân trong nước được mua tối đa là 4 triệu cổ phần và thể nhân là 500 ngàn cổ phần.
Mức giá 100 ngàn/cổ phần là phù hợp?
Ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho rằng, mức giá khởi điểm 100 ngàn đồng/cổ phần là hợp lý. Căn cứ để Vietcombank đưa ra mức giá này và được phê duyệt dựa trên các yếu tố là: định giá DN, tình hình thị trường và tình hình cung cầu.
"Vietcombank thực hiện thuê tư vấn quốc tế và trên cơ sở định giá thì mức "10 chấm" là nằm trong phạm vi hợp lý. Xét tình hình thị trường của những đợt phát hành gần đây của Bảo Việt và Tài chính Dầu khí đều quay quanh 7 chấm. Tuy rất khó so sánh DN này với DN khác nhưng với vị thế Vietcombank trên thị trường tài chính ngân hàng và cả nền kinh tế cũng như các thế mạnh về thương hiệu, sự tin tưởng của công chúng, có kết quả kinh doanh thuộc hàng tốt nhất trong số các ngân hàng Việt Nam, có mạng lưới kinh doanh rộng lớn... thì tôi nghĩ rằng đây là mức giá chấp nhận được", ông Bình cho biết.
Bên cạnh đó, nếu so với mức giá một số ngân hàng đang niêm yết hiện nay thì mức giá khởi điểm của Vietcombank hoàn toàn ở mức chấp nhận được, ông Bình nói.
Có lẽ rất tự tin vào đợt IPO sắp tới của mình nên khi trả lời câu hỏi về giả thiết đấu giá không bán hết cổ phần thì các lãnh đạo ngân hàng này đều cho rằng, với kỳ vọng của thị trường và giá trị của Vietcombank thì giả thiết sẽ khó diễn ra.
Không chỉ lãnh đạo Vietcombank tự tin, khi trao đổi vào chiều ngày 7/12, nhiều chuyên gia tư vấn của các công ty chứng khoán dù chưa thể dự đoán được mức giá trúng IPO Vietcombank nhưng đều cho rằng khởi điểm 100 ngàn/cổ phiếu là đã được tính toán hợp lý. Bằng chứng là ngay sau khi công bố, rất nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ ý muốn tham gia đấu giá và sẵn sàng bỏ mức giá cao hơn khởi điểm khá nhiều.
Khống chế nước ngoài, dành cho trong nước
Mức khống chế tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài trong đợt IPO này là 29,5 triệu cổ phần tương đương với 30% tổng số phát hành có thể làm cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các quỹ đầu tư thất vọng. Bởi vì, các quỹ đầu tư đang chuẩn bị một lượng tiền khá lớn để đầu tư trong đó rất mong đợi vào IPO Vietcombank để giải ngân. Trong khi đó, nguồn tiền nhà đầu tư trong nước lại đang có những dấu hiệu bị hạn chế.
Theo ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng Giám đốc Vietcombank thì việc đưa ra mức khống chế 30% cho nước ngoài là để bảo vệ lợi ích cho các nhà đầu tư trong nước, vì nếu không hạn chế thì nhà đầu tư trong nước có thể không mua được. Theo tính toán, 30% của 97,5 triệu cổ phần IPO tương đương chiếm 1,95% tổng số cổ phần của Vietcombank sau khi cổ phần hoá.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài còn nhiều cơ hội để mua, trong đó có việc bán cho đối tác chiến lược và IPO quốc tế. Trước đây, chúng ta dự định chọn nhà đầu tư chiến lược trước thì khi IPO không bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Nay chuyển sang IPO trước thì nhà đầu tư nước ngoài được tham gia nhưng phải có tỷ lệ khống chế, ông Thanh nhấn mạnh.
Theo ông Bình, trong giai đoạn đầu CPH, Nhà nước vẫn sẽ nắm khoảng 70% cổ phần Vietcombank và sau đó giảm xuống tối thiểu là 51%. Như vậy, tối đa chỉ có 49% được bán ra bên ngoài cho công chúng. Trong khi đó, Vietcombank đã được phê duyệt bán cho nhà đầu tư nước ngoài 15-20% và niêm yết quốc tế không dưới 10%. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài sẽ nắm giữ khoảng 25-30% và chỉ còn khoảng 19% cho các nhà đầu tư trong nước. Vì thế, nên đặt ra một tỷ lệ khống chế, nếu không có giới hạn thì nhà đầu tư nước ngoài có thể mua hết phần nhà đầu tư trong nước.
Ông Bình cũng cho biết thêm, việc khống chế không phải là sự hạn chế nước ngoài tham gia hay phân biệt đối xử mà nhằm đảm bảo tỷ lệ cân đối và các lợi ích khác.
Trái chủ nắm giữ trái phiếu bị thiệt?
Theo Vietcombank, các trái chủ trong danh sách chốt vào ngày 25/12 sẽ được mua ưu đãi cổ phiếu. Từ thời điểm này đến khi Vietcombank công bố kết thúc thời hạn chuyển đổi, trái chủ không được chuyển nhượng trái phiếu cũng như quyền ưu đãi mua cổ phiếu. Giá chuyển đổi sẽ là mức đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá. Mức giá này có thể chỉ có được vào cuối tháng 1/2008.
Vấn đề chuyển đổi đã được công bố nhưng vấn đề thời gian IPO và giai đoạn tiếp theo để xác định giá bình quân thực tế kéo dài do vậy có thể đến 25/1/2008 trái phiếu mới được chuyển đổi. Đây là khoảng thời gian khá dài và trái chủ có thể bị ảnh hưởng không nhỏ. Nếu các trái chủ Vietcombank chuyển đổi nhận cổ phiếu chậm, có thể khiến cổ đông sẽ phải tiếp tục hưởng lãi suất trái phiếu thay vì cổ tức. Hơn nữa, trong trường hợp cổ phiếu Vietcombank hút hàng sau IPO, những trái chủ nhận cổ phiếu chậm có thể mất đi cơ hội giao dịch.
Lãnh đạo Vietcombank cũng thừa nhận điều này nhưng cho biết Vietcombank là ngân hàng quốc doanh đầu tiên được cổ phần hóa. Việc chuyển đổi trái phiếu chậm một phần do IPO chậm so với kế hoạch. Đây là nguyên nhân khách quan chứ ngân hàng không chủ ý sắp xếp làm ảnh hưởng đến trái chủ.
Quý I/2008 Vietcombank lên sàn chứng khoán TP.HCM
Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, Vietcombank IPO vào 26/12; thông thường phải mất 3 tháng sau mới có thể hoàn tất các công đoạn lên để niêm yết. Dự kiến từ quý I đến đầu quý II 2008 sẽ thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Còn việc niêm yết quốc tế đã được nghĩ tới và chuẩn bị nhưng năm 2008 chưa thể thực hiện ngay mà phải năm 2009.
Thặng dư vốn sử dụng ra sao?
Đến thời điểm này vẫn chưa có câu trả lời chính xác về việc thặng dư vốn từ việc bán ra khoảng 30% cổ phần (khoảng 4.500 tỷ đồng mệnh giá). Với mức giá khởi điểm là 100.000 đồng/cổ phiếu, giá trị thặng dư ít nhất sẽ đạt khoảng 45.000 tỷ đồng (2,8 tỷ USD), gấp 3 lần giá trị vốn góp của Vietcombank sau cổ phần hóa là 15.000 tỷ đồng. Trước mắt, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự kiến có khoảng 30% thặng dư được để lại để Vietcombank sử dụng nhưng các quy định thế nào sẽ được xây dựng cụ thể sau.
VNN
|